Sống nhờ... "thuốc độc"

10/06/2018 15:36

Mặc dù biết nghề phun thuốc trừ sâu độc hại và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng vì miếng cơm, manh áo, không ít người vẫn phải chấp nhận làm công việc này.


Vào mùa vụ, chỉ cần chịu khó phun thuốc sâu khoảng chục ngày là chị Hân cầm về 10 triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống gia đình. Trong ảnh: Chị Hân phun thuốc trừ sâu cho cây nhãn của một hộ dân ở xã Hồng Phong (Nam Sách)

Thu nhập cao

Ngoài 50 tuổi nhưng ông Vũ Văn Bạo ở thôn Cam Lộ, xã Tân Việt (Thanh Hà) đã có tới 20 năm làm nghề phun thuốc trừ sâu thuê. Ông không nhớ cái nghề độc hại này gắn với mình từ khi nào, chỉ biết những lúc nhàn rỗi ông lại nhận phun thuốc trừ sâu thuê cho một số hộ. Lâu dần ngày càng nhiều người tìm tới ông vì "ai cũng sợ tiếp xúc với chất kịch độc". Vào mùa vụ, có ngày ông làm không hết việc vì nhiều người đến thuê phun thuốc. Ông Bạo cho biết: "Mùa nào phun cây ấy, cứ hết lúa lại đến nhãn, vải nên thu nhập của tôi cũng kha khá. Nếu chịu khó làm việc thì thu nhập cũng đủ trang trải cuộc sống, hơn hẳn một số công việc vất vả khác. Nghề này tự do nên không phải lo nghĩ nhiều. Hôm nào mệt thì nghỉ, khỏe thì đi phun". Hiện giá tiền công phun thuốc từ 20.000-30.000 đồng/bình. Vào mùa vụ, có ngày ông phun nhiều được gần 30 bình, kiếm được 600.000 đồng/ngày. Trung bình mỗi tháng ông có thu nhập 4-5 triệu đồng.

Sống ở TP Hải Dương nhưng chị Hoàng Thị Hân ở phường Trần Hưng Đạo cũng chọn nghề độc hại này làm kế sinh nhai. Mới 33 tuổi nhưng chị đã có 3 năm làm nghề phun thuốc trừ sâu ở khu vực thành phố và một số địa phương lân cận. Ở phố nên hầu như nhà nào cũng có 1 cây sấu hoặc bàng, bằng lăng... trước cửa nên lượng khách hàng của chị rất lớn. Chị thường đi phun thuốc sâu vào sáng sớm, bởi theo chị, khoảng thời gian này cây trồng hấp thụ được thuốc nhiều nhất và ít ảnh hưởng tới những người xung quanh. Đối với những cây cao, chị phải trèo lên mới có thể phun thuốc cho toàn bộ cây. Cũng vì vất vả hơn nên tiền công của chị cao hơn so với phun thuốc trừ sâu ở quê. Phun mỗi cây bàng, cây sấu chị được trả 100.000 đồng, cây cảnh 200.000 đồng. Vào các tháng nhiều cây trồng sâu bệnh, mỗi ngày chị kiếm được 1 triệu đồng. Như vậy, chỉ cần chịu khó "chịu độc" trong khoảng 10 ngày chị có cả chục triệu đồng trong tay. Hết mùa phun thuốc sâu trên thành phố, chị lại về các xã vùng ven phun thuê, tiền công rẻ hơn nhưng cũng đủ chi tiêu cho gia đình. "Tuy không dư dả, nhưng tôi đã theo nghề này nhiều năm nay. Mặc dù độc hại nhưng đó là kế sinh nhai, giờ bỏ đi tôi không biết làm nghề gì khác để nuôi gia đình", chị Hân tâm sự.

Đánh đổi sức khỏe

Độc hại là thế, nhưng khi đã đến với nghề này thì hiếm ai bỏ được, vì tiền công cao, công việc ổn định hơn so với nhiều nghề khác. Bù lại, người làm nghề phải đánh đổi bằng chính sức khỏe của mình.

Làm nghề đã lâu nhưng chị Hân chưa từng tìm hiểu kiến thức hay dụng cụ để bảo đảm an toàn cho mình. Với chị, dụng cụ hành nghề rất đơn giản, chỉ cần bộ quần áo lao động, khẩu trang, bình xịt 20 lít, 1 cây gậy dài, cẩn thận thì thêm đôi ủng cùng với 1 xe đạp cà tàng là có thể hành nghề khắp các con phố. Cũng vì không có kiến thức và dụng cụ bảo hộ cần thiết, có những khi phun thuốc, chị phải đứng dưới gốc phun ngược lên, thuốc rơi xuống mặt tránh không kịp. Có hôm gió đổi chiều liên tục, di chuyển không kịp thì toàn thân chị ướt vì thuốc sâu. "Nói là nghề chứ chẳng ai muốn gắn bó lâu dài. Cũng do hoàn cảnh khó khăn nên tôi đành phải theo đến tận bây giờ. Mỗi lần đi phun thuốc tôi chỉ có chiếc khẩu trang để che chắn chứ chẳng có tiền đâu mà mua đồ bảo hộ. Hôm nào đi phun thuốc trừ sâu về người cũng mệt mỏi, đau đầu, nhiều lúc còn bị choáng. Tôi cũng sợ ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng nếu không làm thì biết lấy gì để sinh sống", chị Hân nói.

Sức khỏe của ông Bạo cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi những năm tháng mưu sinh bằng nghề phun thuốc trừ sâu. Mặc dù đã đeo khẩu trang và đứng rất xa vị trí phun thuốc nhưng mùi thuốc trừ sâu vẫn nồng nặc. Những ngày vác bình thuốc trừ sâu đi phun khắp nơi đã khiến sức khỏe ông Bạo không còn tốt như xưa. Mỗi khi trái gió, trở trời, ông thường xuyên ốm vặt, rồi bị bệnh ngoài da, có khi cảm thấy khó thở, đau đầu. Ông Bạo chia sẻ: "Biết là độc hại, nhưng nếu không phun thuốc cây trồng gặp sâu bệnh, người nông dân sẽ thất thu, trong khi mình chẳng có gì để sống".

Đánh đổi bằng cả sức khỏe nhưng sau mỗi vụ mùa, tiền công thu về cao, nỗi lo sợ về thuốc độc lại tan biến, chẳng ai quan tâm nhiều đến những vật dụng bảo hộ nhằm tránh phơi nhiễm thuốc. Chính suy nghĩ đơn giản ấy nên bệnh tật có thể đến với họ bất cứ lúc nào.

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sống nhờ... "thuốc độc"