Sắp xếp lại Hạt Giao thông cấp huyện. Bài 1: Kinh phí chủ yếu chi cho con người

02/11/2018 07:03

Số kinh phí được giao hằng năm do các Hạt trưởng tự cân đối cho hoạt động của bộ máy dẫn đến tiền chủ yếu chi cho con người, số chi cho sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng đường rất thấp.


Chiếc xe lu của Hạt Giao thông Nam Sách được mua từ ngày chưa tách huyện, giờ chỉ còn là đống sắt vụn

Toàn tỉnh có 10 Hạt Giao thông thuộc UBND các huyện, Xí nghiệp Giao thông thuộc UBND TP Hải Dương (gọi chung là Hạt Giao thông).  Đây là các đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước bảo đảm 100% kinh phí hoạt động theo cơ chế giao kế hoạch hằng năm. Riêng Hạt Giao thông Chí Linh đã chuyển thành Công ty TNHH một thành viên Quản lý công trình giao thông, môi trường và đô thị do Nhà nước làm chủ sở hữu từ năm 2011 sau khi Chí Linh lên thị xã.

Bộ máy cồng kềnh

Năm 1997, UBND tỉnh có Quyết định số 2052/QĐ-UB giao biên chế cho các Hạt Giao thông để bảo trì các tuyến đường huyện, định mức mỗi biên chế đảm nhận 0,8 km. Sau đó, một số tuyến đường huyện được chuyển thành đường tỉnh, đường xã chuyển lên đường huyện. Các tuyến đường giữa các huyện giáp ranh với TP Hải Dương cũng thay đổi đơn vị bảo trì sau khi thành phố được mở rộng. Do đó, UBND tỉnh không giao kinh phí theo biên chế mà phân bổ theo số km mà các Hạt Giao thông quản lý. Định mức 60 triệu đồng/km được áp dụng từ vài năm trở lại đây.

Mặc dù đã chuyển sang giao kinh phí theo số km nhưng hầu hết các Hạt Giao thông đều giữ nguyên số biên chế được giao từ năm 1997 khiến bộ máy cồng kềnh. Số kinh phí được giao hằng năm do các Hạt trưởng tự cân đối cho hoạt động của bộ máy dẫn đến tiền chủ yếu chi cho con người, số chi cho sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng đường rất thấp. 

11 Hạt Giao thông của các huyện, thành phố đang quản lý, duy tu, bảo dưỡng gần 700km đường cấp huyện với gần 500 biên chế. Mỗi hạt có 3 người làm gián tiếp, gồm Hạt trưởng, Phó Hạt trưởng và kế toán, còn lại là công nhân lao động. Nhiệm vụ hằng ngày của các công nhân gồm quét dọn đường, cắt cỏ, khơi nước, nắn chỉnh cột tiêu, biển báo, sửa mái ta luy, chống sụt sạt lề đường... Mỗi năm, ngân sách chi gần 42 tỷ đồng cho hoạt động của bộ máy và sửa chữa nhỏ như trám vá ổ gà, xử lý mặt đường bong bật. Khi có sửa chữa lớn hoặc làm thêm đường, kinh phí được cấp riêng.

Hiện chưa có số liệu chính xác trong số gần 42 tỷ đồng ngân sách cấp, bao nhiêu chi cho con người, bao nhiêu cho hoạt động sửa chữa nhỏ nhưng qua số liệu của một số Hạt Giao thông huyện thì con số chi cho sửa chữa chỉ chiếm từ 8-10%. Năm 2018, Hạt Giao thông huyện Kinh Môn được giao kinh phí tự chủ 3,1 tỷ đồng nhưng dự kiến chi cho sửa chữa nhỏ cả năm khoảng 200 triệu đồng. Hạt Giao thông Thanh Hà được giao hơn 3,3 tỷ đồng, kinh phí sửa chữa 10 tháng đầu năm 150 triệu đồng, cả năm dự kiến gần 200 triệu đồng...

Kinh phí sửa chữa ít nhưng thu nhập của công nhân cũng không cao, bình quân khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng. Theo số liệu của các Hạt Giao thông, tất cả các lao động đều làm 8 tiếng/ngày, mỗi tháng làm đủ 22 ngày công. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, công nhân lao động ở nhiều Hạt Giao thông làm luân phiên, số ngày công thực làm thấp hơn so với số liệu các hạt cung cấp.


Công nhân Hạt Giao thông Thanh Hà quét dọn đường khu vực thị trấn

Cử nhân cắt cỏ, kỹ sư khơi nước...

Phần lớn công nhân của các Hạt Giao thông là lao động phổ thông nhưng một số nơi có cả kỹ sư cầu đường, cử nhân luật, tài chính... Hạt Giao thông huyện Thanh Miện có 7 kỹ sư, cử nhân các chuyên ngành cầu đường, luật, tài chính; Hạt Giao thông Ninh Giang có 3 người; Hạt Giao thông Gia Lộc có 4 người... Những cử nhân, kỹ sư cũng làm nhiệm vụ cắt cỏ, quét rác, khơi nước như các lao động khác. Anh P.V.P. (sinh năm 1993), cử nhân cao đẳng chuyên ngành kỹ thuật cầu đường đang làm việc tại Hạt Giao thông Gia Lộc cho biết anh đã làm việc được 4 năm tại đây. Hiện anh đang học đại học chuyên ngành cầu đường, cuối năm nay sẽ tốt nghiệp. Do làm công việc chân tay nên các kỹ sư, cử nhân không được xếp lương theo hệ số của bậc cao đẳng, đại học mà chấp nhận ăn lương theo bậc thợ. "Tôi đang hưởng lương bậc 1 nghề, thu nhập 3,1 triệu đồng/tháng", anh P. nói.

Nguyên nhân khiến các kỹ sư, cử nhân chấp nhận làm công việc không cần tới bằng cấp bởi tư tưởng "người Nhà nước" vẫn ăn sâu vào tâm thức họ. Họ chấp nhận thu nhập thấp để trở thành viên chức nhà nước với công việc ổn định, làm việc gần nhà. 

Không chỉ kỹ sư, cử nhân mà những lao động phổ thông cũng còn nặng tư tưởng chọn công việc để được trở thành "người Nhà nước". Anh L.Q.H. (sinh năm 1986) làm việc tại Hạt Giao thông huyện Nam Sách được 4 năm, thu nhập 3,3 triệu đồng/tháng. Hằng ngày, anh H. cùng 4-5 anh chị em mang theo cuốc, xẻng đi khơi nước, bấm cỏ ở cung đường 5B được giao phụ trách. Anh H. cho biết mặc dù thu nhập thấp nhưng anh vẫn chấp nhận vì là người Nhà nước nên không sợ thất nghiệp. 

Khi chúng tôi nêu vấn đề nếu tới đây đơn vị thực hiện cổ phần hóa, Hạt Giao thông trở thành công ty cổ phần, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, công nhân không còn là viên chức nhà nước nữa, anh H. cho biết nếu điều đó xảy ra, anh sẽ chọn làm cho doanh nghiệp trả lương cao hơn.

Cách giao kinh phí duy tu, bảo dưỡng đường huyện theo số km như hiện nay trong khi định mức biên chế được giao cách đây đã hơn 20 năm tại các Hạt Giao thông đang bộc lộ bất cập, chất lượng công trình nhanh xuống cấp. 

SỸ THẮNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sắp xếp lại Hạt Giao thông cấp huyện. Bài 1: Kinh phí chủ yếu chi cho con người