Sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn phục hồi sau dịch

20/09/2021 19:37

Để chuẩn bị cho các hoạt động kinh tế quay lại nhịp sống bình thường, Chính phủ và một số địa phương đã ban hành các kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch.


Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+

Với vai trò là "huyết mạch" của nền kinh tế, ngay từ bây giờ, ngành ngân hàng đã tích cực chuẩn bị các phương án hậu COVID-19 để sẵn sàng tiếp sức doanh nghiệp khôi phục sản xuất.

Để tìm hiểu rõ hơn về những giải pháp này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước.

Sẽ có cơ chế hỗ trợ riêng với lĩnh vực đặc thù

- Hiện một số tỉnh, thành phố đã bắt đầu nới lỏng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ vì tình hình dịch đang được kiểm soát tốt, do đó các doanh nghiệp sẽ có điều kiện dễ dàng hơn để tập trung vào sản xuất kinh doanh. Vậy xin ông cho biết ngành ngân hàng đã chuẩn bị nguồn vốn như thế nào để hỗ trợ quá trình phục hồi này?

- Từ nay đến cuối năm và sang đầu năm 2022, để vừa tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vừa chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai một số giải pháp, điều hành tín dụng trọng tâm như tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và đặc biệt kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ theo dõi, đôn đốc các tổ chức tín dụng trong triển khai Thông tư 14 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ tốt hơn nữa cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đặc biệt, đối với một số lĩnh vực đặc thù như hàng không, thủy sản, ngành ngân hàng cũng đã có những cơ chế hỗ trợ riêng. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư quy định về tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng sau khi tổ chức tín dụng cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) vay và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của VNA do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành xong việc tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng để các ngân hàng cho vay VNA.

Sau VNA, ngành ngân hàng cũng đang tính đến cho vay các hãng hàng không tư nhân, mặc dù trước đó các tổ chức tín dụng đã cho vay với lãi suất ưu đãi và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các hãng hàng không này.

Đối với lĩnh vực thủy sản, ngành ngân hàng đã tổ chức hội thảo trực tuyến để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Ngành ngân hàng cũng đã tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của thương nhân kinh doanh, đầu tư, chế biến thóc, gạo, người sản xuất lúa với thời hạn và lãi suất hợp lý; mở rộng, tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp để bảo đảm đủ nguồn vốn thu mua, tạm trữ thóc, gạo cho người nông dân trong vụ hè thu, tới đây là vụ thu đông nhằm góp phần ổn định giá thóc gạo, bảo đảm lợi nhuận cho người trồng lúa.

Ngành ngân hàng cũng linh hoạt áp dụng các hình thức bảo đảm tiền vay, xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở quản lý dòng tiền; tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng để tạo thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng.

Với quan điểm, chủ trương luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Bên cạnh đó, các ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu thông hàng hóa trong bối cảnh COVID-19 nói chung, đặc biệt là vấn đề sản xuất, lưu thông hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm nói riêng với thời hạn và lãi suất hợp lý.

Hơn 26.000 tỷ đồng tiền miễn, giảm, hạ lãi suất 

- Trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, vậy đến nay cam kết của các ngân hàng được triển khai như thế nào, thưa ông?

- Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất với tổng mức giảm 1,5%-2,0%/năm đối với lãi suất điều hành, giảm 0,6%-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 4,5%/năm), sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh.

Như vậy, đến thời điểm này, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và xu hướng giảm lãi suất này vẫn tiếp tục trong hơn nửa năm 2021 với mức giảm khoảng 0,55%/năm (tổng cộng giảm 1,55%/năm so với trước dịch).

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, 16 ngân hàng (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế), thông qua Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đã thống nhất nguyên tắc tiếp tục giảm lãi suất cho vay lên đến 1%/năm trên dư nợ hiện hữu bằng đồng Việt Nam trong 5 tháng cuối năm 2021 đối với khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo đó, 16 ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay áp dụng từ ngày 15.7 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng. Riêng 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay, giảm các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tính đến ngày 31.8, các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23.1.2020 đến nay đạt 4,46 triệu tỷ đồng cho 628.662 khách hàng. Lũy kế từ 23.1.2020 đến 31.8.2021, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 26.000 tỷ đồng.

Trong số đó, tổng số tiền lãi giảm theo cam kết của 16 ngân hàng lũy kế từ 15.7 đến 31.8 là 8.865 tỷ đồng, đạt 43,01% so với cam kết.

- Vậy kết quả của việc triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí… đến thời điểm này ra sao thưa ông?

- Ngay từ khi dịch bệnh xuất hiện tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01 cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; sau đó là Thông tư 03, sửa đổi, bổ sung cho Thông tư 01.

Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01, trong đó sửa đổi các mốc giới hạn thời gian khoản nợ được cơ cấu lại, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ để phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch bệnh đang diễn ra, như mở rộng phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ phát sinh từ trước ngày 1.8.2021, kéo dài thời gian áp dụng đối với khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi trong khoảng thời gian từ 23.1.2020 đến ngày 30.6.2022.

Tính đến ngày 31.8, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 215.320 khách hàng với dư nợ 227.009 tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ được cơ cấu từ 23.1.2020 là khoảng 520.000 tỷ đồng.

Cầu tín dụng sẽ tăng trong thời gian tới

- Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng, tuy nhiên hiện tình hình dịch COVID-19 vẫn đang phức tạp, liệu kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2021 có đạt như dự kiến không thưa ông?

- Tính đến ngày 31.8, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 9,87 triệu tỷ đồng, tăng 7,42% so với cuối năm 2020. Tín dụng đối với các ngành kinh tế đều có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ 2020, tín dụng lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá, trong đó lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng trưởng cao hơn nhiều tăng trưởng tín dụng chung.


Sản xuất tại một doanh nghiệp may tại Đà Nẵng. Ảnh: Vietnam+

Thực tế, đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng cho năm 2021. Ở kịch bản 1, việc tiêm chủng vaccine đại trà và dịch COVID-19 được khống chế, tín dụng sẽ tăng 12%-13%, có thể đạt 14%. Kịch bản 2, dịch kéo dài đến tháng 6, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được thực hiện, thời gian tiêm vaccine kéo dài, tín dụng có thể tăng từ 10%-12%. Kịch bản 3, dịch kéo dài đến hết năm, tăng trưởng khoảng 7%-8%.

Nếu như không có “trận quét” của dịch trong hai tháng vừa qua thì tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 12%, tuy nhiên, tôi hy vọng dịch kiểm soát tốt trong tháng này, sang tháng 10, cầu tín dụng tăng lại theo đà phục hồi sản xuất của doanh nghiệp. 

- Xin cảm ơn ông!

Theo Vietnam+

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn phục hồi sau dịch