Đời sống đã đổi thay mà sao tôi vẫn thấy xót xa khi nhìn những người trẻ vì miếng cơm manh áo bỏ quê hương ở lại để mưu sinh biền biệt xứ người…
Chị bay lúc một giờ chiều, bỏ lại hai đứa con nhỏ cho ông bà ngoại. Đây cũng không phải lần đầu tiên chị đi xuất khẩu lao động. Hai năm trước chị trở về quê hương sau nhiều năm đi làm ăn xa nhà. Lúc đi con gái đầu của chị vẫn còn chưa biết chạy, lúc về con đã vào lớp một. Chị về sinh thêm một bé gái, chờ con chập chững bước đi chị lại lên đường. Bố mẹ chị thêm một lần nữa tiễn con đi xa. Tám người con cả trai lẫn gái, dâu lẫn rể đều kéo nhau đi hết bỏ lại cho bố mẹ già sáu đứa cháu thơ. Nhà xây cao tường rào, cổng khóa lại, đường xuống ao bịt kín. Những đứa trẻ co cụm trong góc sân bé nhỏ chụm đầu xem điện thoại. Thỉnh thoảng đứng trong nhà ngó ra ngoài cánh đồng qua những song cửa sắt. Ông bà chúng không thể nào lường trước được những tai họa có thể ập đến với các cháu bất cứ lúc nào. Nên chỉ biết nhốt cháu mình trong sự an toàn đã được tính toán kỹ. Nhà chỉ có hai ông bà, nếu có chuyện gì biết xoay xở làm sao. Con dế mèn, lũ cào cào châu chấu và bày chim chiền chiện, tất cả đều bên ngoài cánh cổng. Tôi vài lần nhìn thấy những ánh mắt buồn thiu ngó theo một cánh diều. Không còn những đứa trẻ mục đồng lẽo đẽo theo đuôi trâu với cây sáo trên tay. Với lon ống bơ treo lủng lẳng chứa đầy than ấm vào những ngày miền Bắc lạnh căm, sương giăng mờ mịt. Không có trận đấu bóng nào diễn ra dưới cánh đồng còn nguyên gốc rạ. Không đống lửa nào được đốt lên nướng củ khoai củ sắn. Thời lam lũ đã qua rồi, tôi nên vui mới phải…
Những đứa trẻ quê tôi giờ mặc quần áo đẹp, dính một vết bẩn thôi cũng có thể ăn đòn. Không hun dế, không mò cua bắt ốc, không lê la nghịch cát ngoài vườn. Một đống đồ chơi được bày ra: Rô bốt biến hình, siêu nhân, người nhện, khủng long, súng, kiếm… Những trò chơi dân gian: Que mốt que mai, ô quan, nhảy nụ, rồng rắn lên mây… sắp trở thành cổ tích. Còn đâu cảnh những người xa quê khi về đến đầu làng là nghe thấy trẻ con đang ngồi quây tròn đọc: “Chi chi chành chành/ Cái đanh thổi lửa/ Con ngựa chết trương/ Ba vương ngũ đế/ Chấp chế đi tìm/ Ù à ù ập”. Sân đình còn đó, những con ngõ vắng tanh. Đi xa trở về làng chỉ còn nghe thấy tiếng ti vi vọng qua những hàng rào. Trẻ con dán mắt vào ti vi xem hoạt hình, vài đứa đã bắt đầu phải đeo kính cận. Một tổ trứng chim trên cây hay một bầy chuồn chuồn bay qua vùng cỏ may cũng không làm trẻ con bây giờ thích thú. Rồi sẽ quên hết sim chín trên đồi, quả mâm xôi đỏ, con muồm muỗm dưới cánh đồng tháng tám hay “thị thơm thị rụng bị bà/ Bà để bà ngửi chứ bà không ăn”. Tất cả những trò chơi dân gian, quả dại trên rừng, ốc cua dưới ruộng đã từng nuôi nấng tâm hồn biết bao đứa trẻ như tôi. Tưới tắm vào miền ấu thơ bằng những điều mộc mạc. Tôi có quyền tiếc chứ, vì biết trong những chiếc smartphone kia không thể cho trẻ thơ những trải nghiệm sinh động. Càng không thể lưu giữ cho thế hệ tương lai những ký ức đẹp đẽ về một nơi chôn rau cắt rốn.
Ở quê tôi nhiều ngôi nhà cao tầng được xây lên. Nhà này giống nhà kia, san sát. Nhưng chỉ có người già và trẻ nhỏ ở nhà. Những người trẻ đều đã kéo nhau đi xuất khẩu lao động bên Đài Loan, Nhật, Hàn. Hằng tháng gửi tiền về xây nhà, mua xe, nuôi con ăn học. Những người già gặp nhau thường khoe chuyện lương tháng của các con. Thay vì phải nhớ một sào lúa bón bao nhiêu cân đạm thì họ đã biết tính một yên Nhật bằng bao nhiêu tiền Việt Nam? Hằng tháng con họ phải đóng những loại thuế gì? Gạo bên Nhật bao nhiêu tiền một cân? Họ cũng bắt đầu nói với nhau về động đất, mưa tuyết, những vụ củ cải Nhật được mùa. Trong khi ruộng đồng trước nhà bỏ hoang đã rất lâu. Ngoài trông những đứa cháu họ không còn sức cho một mùa gieo hạt. Quê hương thiếu dần đi những thửa ruộng chín vàng, từng đàn chim cũng đi tìm một vùng đất mới. Lũ trẻ sẽ lớn lên, đến một lúc nào đó khi rời mắt khỏi chiếc smartphone, chúng ngơ ngác nhìn quê hương đìu hiu. Những ngôi nhà cao tầng thiếu vắng sự sum vầy. Những đứa trẻ dần quen với việc không có bố mẹ kề bên. Những người già trong làng yếu dần đi, nheo mắt nhìn các con gọi về qua màn hình điện thoại. Đời sống đã đổi thay mà sao tôi vẫn thấy xót xa khi nhìn những người trẻ vì miếng cơm manh áo bỏ quê hương ở lại để mưu sinh biền biệt xứ người…
Tản văn của VŨ THỊ HUYỀN TRANG