TP Hải Dương - Đô thị loại I. Bài 6: Quyết liệt cải cách hành chính

Xã hội - Ngày đăng : 10:11, 24/10/2019

Là trung tâm hành chính của tỉnh, TP Hải Dương luôn nỗ lực đi đầu trong cải cách hành chính (CCHC), tạo thuận lợi cho nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp.

>> Bài 1: Kinh tế phát triển nhanh
>> Bài 2: Mở rộng không gian đô thị
>> Bài 3: Xây dựng TP Hải Dương xanh-sạch-đẹp
>> Bài 4: Hình thành nếp sống văn minh đô thị
>> Bài 5: Lĩnh vực văn hóa, xã hội khởi sắc

Nhân viên bộ phận "một cửa" TP Hải Dương hướng dẫn công dân đến giải quyết thủ tục hành chính

Bứt phá

Gần 10 năm về trước, TP Hải Dương đã là một trong những địa phương đi đầu thực hiện giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thông qua bộ phận "một cửa".

Từ năm 2015 trở lại đây, thành phố quyết tâm xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm việc có hiệu quả.

Nhà số 1 phố Đồng Xuân có quy mô 4 tầng, tổng mức đầu tư xây dựng 7,5 tỷ đồng khi đó được dành riêng cho bộ phận "một cửa" của thành phố. Thời gian này, đây là bộ phận "một cửa" hiện đại với hệ thống camera giám sát, hạ tầng công nghệ thông tin thông suốt, cập nhật đầy đủ thông tin.

Các phòng, ban, đơn vị trực thuộc thành phố đều kết nối qua hệ thống mạng LAN; tỷ lệ trung bình cán bộ, công chức, viên chức sử dụng máy vi tính đạt 95%. Cũng trong thời gian này, TP Hải Dương triển khai thí điểm bộ phận "một cửa" liên thông đầu tiên tại các phường Nguyễn Trãi và Trần Phú.

Tài khoản thư điện tử được thiết lập tới tất cả cán bộ, công chức các phòng, ban, đơn vị, phục vụ việc trao đổi văn bản, thông tin trên môi trường mạng... Tuy nhiên, những năm này, thành phố vẫn chưa đạt mục tiêu là đơn vị dẫn đầu tỉnh về CCHC.

Với kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin thông suốt, chi tiết cho từng năm, thành phố quyết tâm tạo bứt phá, nâng cao chất lượng CCHC bằng các mục tiêu cụ thể.

Năm 2016, thành phố đã nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin "một cửa" liên thông từ thành phố đến các xã, phường; 100% số cán bộ, công chức, viên chức sử dụng máy vi tính có kết nối mạng LAN và internet; ứng dụng số hóa trong lưu trữ, tra cứu hồ sơ qua các thời kỳ ở các phòng, ban, đơn vị; các văn bản chỉ đạo, điều hành của thành phố được đăng tải trên trang thông tin điện tử thành phố...

Trong 2 năm 2016-2017, thành phố đã dành hơn 2,9 tỷ đồng cho nhiệm vụ liên thông các bộ phận "một cửa" tới xã, phường và số hóa hồ sơ lưu trữ...

Để tạo sự tập trung cao, năm 2018, thành phố di chuyển toàn bộ bộ phận "một cửa" về khu vực UBND thành phố tại số 106 đường Trần Hưng Đạo.

Ở địa điểm mới, bộ phận "một cửa" có 13 quầy tiếp nhận, giải quyết TTHC trên 10 lĩnh vực và được đầu tư đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về hiện đại hóa hành chính công với hệ thống phần mềm hỗ trợ giải quyết theo cơ chế "một cửa" liên thông; đường truyền kết nối mạng LAN, internet ổn định; 3 màn hình điện tử để công dân tra cứu hồ sơ, trình tự giải quyết TTHC...

Tạo thuận lợi cho người dân

Các xã, phường, cơ quan, đơn vị thuộc TP Hải Dương đều dành vị trí đẹp, thuận tiện nhất để phục vụ người dân tới làm thủ tục hành chính. Bộ phận "một cửa" các xã, phường được trang bị đầy đủ thiết bị làm việc, kết nối liên thông với thành phố. Phong cách làm việc của cán bộ, công chức ở nhiều bộ phận "một cửa" phường, xã đã chuyên nghiệp hơn.

Các bộ phận “một cửa" đều có hòm thư góp ý, đánh giá mức độ hài lòng của công dân. Thành phố chủ trương thay thế ngay nếu phát hiện cán bộ, công chức gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân.

Từ ngày 15.9.2018, quy trình giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của các phòng, cơ quan chuyên môn thành phố đã được hệ thống hóa vào phần mềm dùng chung của tỉnh.

Hệ thống số hóa hồ sơ lưu trữ được nâng cao ở giai đoạn 2 giúp thành phố quản lý toàn bộ văn bản, tài liệu, TTHC đã giải quyết, tạo thuận lợi cho công tác tra cứu, khai thác chính xác, nhanh chóng.

Với quyết tâm không ngừng nâng cao chất lượng CCHC, thành phố đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 tại UBND thành phố và các xã, phường; mở rộng liên thông các lĩnh vực tới cấp xã; ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan, bảo đảm 100% số xã, phường kết nối với thành phố bằng internet....

Để huy động sự vào cuộc của các tổ chức, cơ quan, thành phố đang khuyến khích các sáng kiến, mô hình, cách làm sáng tạo nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số CCHC, giữ vững vị trí dẫn đầu tỉnh về chỉ số CCHC...

Riêng năm 2019, thành phố tiếp tục dành 13,5 tỷ đồng từ các nguồn ngân sách để thực hiện các dự án, nhiệm vụ nâng cao chất lượng nền hành chính công, gồm: Trung tâm điều hành đô thị thông minh; cổng giao tiếp điện tử thành phố; hệ thống camera giám sát các bộ phận "một cửa"; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin các đơn vị trực thuộc; hệ thống chấm điểm chỉ số CCHC và xây dựng chính quyền điện tử cấp thành phố, cấp xã...

THU MINH