Một ngày sau, IPP Air Cargo đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không để xin dừng cấp phép. Hiện tại, hồ sơ xin phê duyệt của hãng này cơ bản đã đáp ứng các yêu cầu của cơ quan quản lý. Hồi cuối tháng 9, Bộ Giao thông vận tải cũng đã kiến nghị Thủ tướng cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho IPP Air Cargo.
Cuối ngày 29.10, Chủ tịch IPP Air Cargo Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết tình hình kinh tế thế giới sẽ khó khăn và vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không dự kiến sụt giảm. Đồng thời, theo ông, hiện nay giá cước hàng hoá bằng đường hàng không đã trở về mức mà các doanh nghiệp FDI và công ty xuất nhập khẩu Việt Nam chấp nhận được.
"Vì vậy, chúng tôi quyết định tạm dừng để tránh gây thêm thiệt hại cho các hãng hàng không còn đang thua lỗ", ông nói và khẳng định IPP Air Cargo cũng phải chịu nhiều thiệt hại. IPP Air Cargo sẽ cân nhắc trở lại (bao gồm cả việc nộp sơ xin cấp phép lại từ đầu) vào thời điểm thích hợp khi thị trường thế giới hồi phục và ổn định.
Cách đây hơn một tháng, IPP Air Cargo đã hoàn tất thủ tục thuê 4 máy bay B737 800BCF, trong đó có 1 chiếc đã xuất xưởng hồi cuối tháng 7 chỉ chờ hoàn thiện thủ tục, giấy phép để về Việt Nam.
Dự án IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng (100 triệu USD), trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% vốn huy động. Theo kế hoạch ban đầu, hãng sẽ khai thác 5 tàu bay trong năm thứ nhất, sau đó tăng lên 7 và 10 tàu trong 2 năm tiếp theo. Tương ứng với đó là doanh thu hơn 71 triệu USD năm đầu cất cánh và tăng lên xấp xỉ 170 triệu USD vào năm thứ 5.
Mạng đường bay nội địa IPP Air Cargo theo ý định ban đầu sẽ bắt đầu từ trung tâm sản xuất như Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hải Phòng, Quảng Ninh... tới trung tâm vận chuyển hàng hóa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh để kết nối quốc tế khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu... Hãng dự kiến có lãi từ năm thứ 4.
Theo VnExpress