Những người "sống mãi tuổi hai mươi"

23/07/2023 08:12

“Khúc bảy” khiến người đọc rưng rưng, xót xa mà cũng rất đỗi tự hào về một thế hệ “sống mãi tuổi hai mươi”.

KHÚC BẢY

(Trích trường ca “Những người đi tới biển” - Thanh Thảo)

Chúng tôi không mệt đâu
Nhưng cỏ sắc mà ấm quá!

Tuổi hai mươi thằng em tôi sững sờ một 
                                             cánh chim mảnh như nét vẽ
Nhiều đổi thay như một thoáng mây
Khi chúng tôi nằm nó vẫn ngồi nguyên đó
Ngậm im lìm một cọng cỏ may...

Những dấu chân lùi lại phía sau
Dấu chân in trên đời chúng tôi những tháng năm trẻ nhất
Mười tám hai mươi sắc như cỏ
Dày như cỏ
Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ
Cơn gió lạ một chiều không rõ rệt
Hoa chuẩn bị âm thầm trong đất
Nơi đó nhất định mùa xuân sẽ bùng lên
Hơn một điều bất chợt

Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?

Cỏ sắc mà ấm quá, phải không em...     

Nhà thơ Thanh Thảo (tên thật là Hồ Thành Công), quê ở tỉnh Quảng Ngãi, trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Từ những trải nghiệm của mình trong quá trình công tác ở chiến trường miền Nam, ông đã sáng tác nhiều tác phẩm xuất sắc mang âm hưởng của thời đại, vinh dự được nhận nhiều giải thưởng văn học cao quý. Sau năm 1975, Thanh Thảo vẫn tiếp tục làm thơ đồng thời viết báo, tiểu luận phê bình và nhiều thể loại khác nhưng đóng góp quan trọng và đặc sắc nhất của ông vẫn là thơ ca. Đặc biệt, ông được công chúng chú ý qua trường ca “Những người đi tới biển” (1977), mang diện mạo độc đáo viết về chiến tranh và hình tượng người lính. “Những người đi tới biển” gồm bốn chương, mỗi chương có một tiêu đề riêng, với từng đoạn, từng khúc ca. “Khúc bảy” khiến người đọc rưng rưng, xót xa mà cũng rất đỗi tự hào về một thế hệ “sống mãi tuổi hai mươi”.

Bài thơ mở đầu bằng một lời thông báo về sự ra đi của những chàng trai, cô gái anh hùng, dũng cảm và lạc quan: "Chúng tôi không mệt đâu/ Nhưng cỏ sắc mà ấm quá!". Chúng tôi - là cả một thế hệ xung phong lên đường ra mặt trận, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Họ đã “ra đi” để giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc. Lời thơ, giọng thơ nhẹ bẫng, thủ thỉ, tâm tình. Câu thơ diễn tả sự hy sinh thầm lặng nhưng không hề bi thương. Tuổi hai mươi của những con người trẻ trung, tràn đầy sức sống và nhiệt huyết ấy đã nằm lại dưới cỏ, nằm lại nơi chiến trường vì mưa bom bão đạn: "Tuổi hai mươi thằng em tôi sững sờ một cánh chim mảnh như nét vẽ/ Nhiều đổi thay như một thoáng mây/ Khi chúng tôi nằm nó vẫn ngồi nguyên đó/ Ngậm im lìm một cọng cỏ may…/ Những dấu chân lùi lại phía sau".

Tác giả khéo léo vận dụng biện pháp tu từ so sánh: "Tuổi hai mươi thằng em tôi sững sờ một cánh chim mảnh như nét vẽ". Hình ảnh so sánh độc đáo ấy giúp người đọc dễ hình dung những đặc điểm nổi bật của tuổi 20: kiên cường, mạnh mẽ, lãng mạn, nhiệt huyết... Đồng thời nhà thơ còn kín đáo bộc lộ thái độ ngợi ca, trân trọng với những năm tháng đẹp đẽ nhất của cuộc đời người chiến sĩ.

Trong cuộc chiến đấu khốc liệt, không ít đồng đội của nhà thơ đã nằm lại dưới cỏ và chính nơi ấy là nguồn nhựa sống bởi sự ra đi của người lính trẻ đã góp phần giành lại hòa bình cho đất nước. Một loại hình ảnh ví von đã làm bật lên sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ một thời: "Mười tám hai mươi như sắc cỏ/ Dày như cỏ/ Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ". Sắc cỏ vốn xanh lắm, tươi lắm. Và tuổi hai mươi của người lính cũng đẹp lắm. Họ đã thanh thản gửi lại những cái đẹp đẽ ấy nơi chiến trường.

Họ ngã xuống, vĩnh viễn nằm trong lòng đất mẹ nhưng đất lại nở hoa. Ngọn cỏ dại ấy mang nét đẹp can trường, dũng cảm, dẫu yếu mềm nhưng cũng mãnh liệt, bi tráng. Họ ra đi nhưng sự sống mãi tiếp diễn, sự sống tiếp tục tái sinh. Nhà thơ tin rằng, sự hy sinh ấy sẽ tạo nên hoa thơm trái ngọt, làm nên mùa xuân thắng lợi cho đất nước: "Hoa chuẩn bị âm thầm trong đất/ Nơi đó nhất định mùa xuân sẽ bùng lên/ Hơn một điều bất chợt".
Bài thơ khép lại bằng những dòng thơ mang âm hưởng bi tráng, phản ánh tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của cả một thế hệ: "Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ (Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?".

Đó là tinh thần trách nhiệm của mỗi công dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ: tự nguyện, sẵn sàng hy sinh tuổi trẻ của mình để bảo vệ non sông, đất nước.

Thế hệ những người như nhà thơ Thanh Thảo đã xung phong vào tuyến lửa ác liệt, đầy khó khăn, gian khổ nhưng “không tiếc đời mình” bởi họ có lòng yêu Tổ quốc. Nhà thơ Chế Lan Viên cũng từng viết tứ thơ tương tự: “Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt” nên “Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết”. 

Mỗi lần đọc lại bài thơ, hẳn người đọc đều rưng rưng: “Cỏ sắc mà ấm quá, phải không em...” - câu thơ cứ ngân nga, du dương trong lòng ta. Chiến tranh đã lùi xa nhưng những đau thương mất mát của thế hệ cha ông ngày trước vẫn hiển hiện. Từng vần thơ, từng nhịp điệu cứ phảng phất trong trái tim con người thời bình dáng dấp, nụ cười và tâm hồn đẹp của người chiến sĩ cách mạng. 

Bài thơ “Khúc bảy” của Thanh Thảo không chỉ mang âm hưởng, không khí của một thời đại hào hùng mà còn thức dậy trong chúng ta hôm nay tình yêu và trách nhiệm với đất nước. Tuổi trẻ thế hệ hôm nay luôn tự hào và biết ơn, cúi đầu tưởng nhớ những con người “sống mãi tuổi hai mươi”, phải sống thế nào để xứng đáng với sự hy sinh của cha ông thuở trước, cho đất nước mãi trường tồn.

NAM HỒNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những người "sống mãi tuổi hai mươi"