Nghề giáo đòi hỏi sự hy sinh, yêu nghề, mến trẻ. Với các giáo viên dạy trẻ khuyết tật ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh thì sự hy sinh, vất vả đó cần lớn hơn nhiều. Họ thực sự là người mẹ thứ hai của các em.
Cô giáo kiên trì dạy phát âm cho trẻ khuyết tật
Yêu thương, vỗ về
Vốn là giáo viên một trường tiểu học công lập ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương), hơn 10 năm trước cô giáo Nguyễn Thị Hồng Trang quyết định trở thành giáo viên dạy trẻ khuyết tật nghe, nói của Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) tỉnh. Đến một môi trường sư phạm đặc biệt, ban đầu không ít người thân của cô ngăn cản, chỉ ra những khó khăn mà cô sẽ gặp phải khi chuyển công tác đến đây. “Những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu không làm tôi nản chí. Tôi muốn bù đắp phần nào cho những trẻ khuyết tật. Các em sinh ra đã thiệt thòi thì việc được đến trường là một kỳ tích. Không thể phủ nhận việc nuôi dạy trẻ khuyết tật vất vả nhưng tình yêu thương và sẻ chia đã giúp chúng tôi có sức mạnh, niềm tin của những người mẹ, sẵn sàng hy sinh để đến với công việc này”, chị Trang nói.
Không ít người đến với Trung tâm BTXH tỉnh đã từng trải qua nghề giáo ở các trường công lập, thậm chí có cô là giáo viên dạy giỏi nhưng vẫn quyết định đến với nơi này. Nhớ lại những ngày đầu đứng lớp ở đây, cô Nguyễn Thị Vân Hương kể: “Lớp học dành cho trẻ khuyết tật rất đặc biệt. Có em thích sống thu mình, khép kín, ngại giao tiếp, có em không nghe được, nói được… Thậm chí có em mắc chứng tăng động, đang giờ học trèo lên bàn nhảy nhót, tranh đồ, xé vở của các bạn. Ban đầu tôi cũng hoảng sợ nhưng khi đặt mình vào vị trí của người mẹ, tôi đã đến gần ôm chặt, vỗ về và nhẹ nhàng khuyên nhủ thì em dần dịu lại. Dạy dỗ, chăm sóc trẻ khuyết tật cần có một tình yêu lớn của một người mẹ với con thì mới gắn bó lâu dài được với nghề”.
Lớp học toán của cô và trò Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh
Trực tiếp quan sát các cô giáo của Trung tâm BTXH tỉnh chăm sóc, dạy dỗ trẻ khuyết tật mới thấy công việc của họ không dễ dàng gì. Nhiều em ở tuổi 9-10 nhưng hành vi chỉ như trẻ lên 4-5 tuổi, khóc cười bất cứ lúc nào.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm BTXH tỉnh khẳng định những người yếu thế luôn cần được quan tâm, trợ giúp. Vì thế, giáo viên của trung tâm gần như là người mẹ thứ hai của các em. Nhiều em ở nhà giao tiếp với người thân, thậm chí với bố mẹ gặp khó khăn, ngại chia sẻ, nhất là những vấn đề tế nhị trong cuộc sống nhưng các em lại sẵn sàng bộc bạch với giáo viên. Các cô giáo ở đây ngoài thạo kỹ năng, nghiệp vụ, còn phải có sự thấu hiểu mới có thể giúp các em khuyết tật hòa nhập cuộc sống.
Giúp các em trưởng thành
Để trẻ khuyết tật có thể tập trung chơi bóng cũng cần sự khéo léo của cô giáo
Chị Nguyễn Thị Vân Hương vui vẻ, tự hào khi nhắc đến cậu học trò tên Dũng mà chị có ấn tượng sâu đậm. "Ngày đầu đến trung tâm Dũng là một đứa trẻ ngờ nghệch, ngỗ nghịch, có lúc lại sống thu mình, ngại giao tiếp. Sau một thời gian gần gũi, chia sẻ và thấu hiểu như một người mẹ, tôi thấy Dũng đã mạnh dạn, hòa đồng và học tiến bộ hơn nhiều. Dũng đã biết đọc, biết viết, biết lắng nghe và chững chạc hơn hẳn. Giờ em làm phụ xe ở một doanh nghiệp. Dũng tình cảm nên rất nhớ sinh nhật của cô. Năm nào em cũng nhắn tin, gọi điện chúc mừng. Với những giáo viên dạy trẻ khuyết tật như chúng tôi đó là thành quả, là niềm vui lớn khi các em có thể hòa nhập và sống vui giữa cộng đồng”, chị Hương chia sẻ.
Giờ ra chơi, cô giáo cũng phải quản lý trẻ khuyết tật
Trung tâm BTXH tỉnh hiện có gần 200 cán bộ, giáo viên và nhân viên nuôi dạy gần 400 trẻ khuyết tật. Trong đó có hơn 50 giáo viên trực tiếp đứng lớp. Phần lớn giáo viên ở đây đã gắn bó với nghề hơn 10 năm. Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho biết thêm nơi đây mỗi cô giáo như một ngọn lửa ấm áp sưởi ấm tâm hồn mỗi trẻ khuyết tật. Ngoài tình yêu nghề, niềm đam mê, sáng tạo, họ còn có sự bao dung, tình thương của người mẹ để gieo niềm tin, nghị lực sống cho trẻ thiệt thòi.
HẢI MINH