Những bác sĩ quân y tình nguyện vào Nam chống dịch

27/08/2021 10:30

Dù xác định sẽ có nhiều khó khăn, vất vả và đối mặt với nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao nhưng các y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 7 vẫn sẵn sàng tình nguyện tăng cường cho miền Nam chống dịch.


Thượng tá, bác sĩ Hoàng Văn Lý trao chứng nhận cho người ra viện

Để kịp thời hỗ trợ các địa phương trong cuộc chiến chống Covid-19, 47 y, bác sĩ của Bệnh viện Quân y 7 đã xung phong tình nguyện vào Nam tiếp sức cho đồng bào, đồng đội.

Mệnh lệnh từ trái tim

Dù không nằm trong danh sách điều động đi tăng cường hỗ trợ phòng chống dịch đợt này nhưng thiếu tá Nguyễn Thị Kiên, điều dưỡng viên Khoa Ngoại 2 đã tình nguyện viết đơn xin tham gia đoàn chi viện cho miền Nam chống dịch. Chồng chị Kiên công tác tại Ban Chỉ huy quân sự huyện Gia Lộc, cũng đang đi tăng cường phòng chống dịch, hai con của chị còn nhỏ. Vậy nhưng khi biết tình hình dịch bệnh tại các tỉnh phía Nam đang diễn biến phức tạp, nhận được thông báo của Ban lãnh đạo Bệnh viện Quân y 7 về việc thành lập đoàn công tác hỗ trợ các tỉnh phía Nam, chị Kiên đã viết đơn tình nguyện xin được tham gia. 

Trung tá chuyên nghiệp Lưu Thị Nguyệt Anh, nhân viên Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Quân y 7 may mắn hơn nhiều đồng nghiệp tình nguyện lên đường vào miền Nam tham gia phòng chống dịch vì có chồng trong ngành công an - cũng đang tham gia tuyến đầu chống dịch của tỉnh - luôn thấu hiểu với công việc của người bác sĩ. Các con chị cũng đã lớn, có thể tự chăm sóc bản thân. “Nhận lệnh lên đường lúc 3 giờ đêm, chúng tôi chỉ có 2 tiếng để chuẩn bị quân tư trang hành lý nên không kịp gọi điện thoại về cho gia đình. Xác định sẽ có những khó khăn, vất vả và áp lực nhưng y đức luôn trong tim mỗi người thầy thuốc, vì miền Nam chúng tôi động viên nhau cố gắng hết sức mình”, chị Nguyệt Anh nói.

Tất cả vì bệnh nhân

Sáng 6.8, 47 cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Quân y 7 và của một số đơn vị khác lên đường vào miền Nam hỗ trợ chống dịch. Sau khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất, đoàn di chuyển tới Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm 5D đặt tại ký túc xá Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh ở TP Dĩ An (Bình Dương).

Khó khăn lắm chúng tôi mới liên lạc được với đại úy, bác sĩ Nguyễn Hữu Cường, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Quân y 7 hiện là bác sĩ Khoa Điều trị bệnh nhân Covid mức độ vừa Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm 5D. Bác sĩ Cường cho biết anh vừa làm thủ tục xuất viện cho 20 người khỏi bệnh. Anh Cường bảo ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ tại đây, mọi thứ đều mới mẻ, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Số bệnh nhân liên tục tăng, trong khi việc quản lý bệnh nhân không được ứng dụng các phần mềm như các bệnh viện thông thường nên mọi thông tin các bác sĩ đều phải làm thủ công.  Khoa Điều trị bệnh nhân Covid mức độ vừa đã thành lập nhóm quản lý trên Zalo, kết nối với các khoa, phòng khác của bệnh viện để chia sẻ thông tin từng bệnh nhân, giúp kịp thời xử lý tình huống. Hiện tại, khoa đang phụ trách 6 tầng nhà với trên 300 bệnh nhân. Một ngày các y, bác sĩ trong khoa được chia làm 6 kíp trực, mỗi kíp trực 4 tiếng gồm 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng. Một ngày mỗi kíp trực 2 lần. Số bệnh nhân nhiều, lực lượng y tế mỏng nên các y, bác sĩ trong khoa liên tục quay cuồng trong công việc. “Đã vào kíp trực là chỉ có công việc, thăm, khám, làm công tác tư tưởng, động viên bệnh nhân. Áp lực và vất vả nhưng chúng tôi đều động viên nhau cùng cố gắng, tất cả vì bà con, vì bệnh nhân”, bác sĩ Cường cho biết. Ngoài thời gian trực, các y, bác sĩ sẽ phải làm bệnh án, hoàn thiện các thủ tục hành chính, rà soát bệnh nhân, chỉ định xét nghiệm, lập danh sách xét nghiệm, lập danh sách ra viện...

Là điều dưỡng viên có nhiều năm công tác tại Bệnh viện Quân y 7 nhưng lần làm nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm 5D này, thượng úy Nguyễn Trọng Hiếu cho biết công việc tăng gấp 5 - 6 lần so với thông thường. Các y, bác sĩ đều phải căng mình tranh thủ từng giây, từng phút để thăm gặp được hết lượt bệnh nhân trong kíp trực. Nhiều bệnh nhân vào đây hoang mang, lo lắng nên ngoài điều trị bệnh, các y bác sĩ còn phải ổn định tâm lý cho họ. Có không ít bệnh nhân ban đầu vào không hợp tác, không để cho bác sĩ thăm khám, không chịu uống thuốc, thậm chí có bệnh nhân còn quậy phá. Mỗi lần như vậy các y, bác sĩ đều phải kiên trì trò chuyện, động viên để họ vượt qua nỗi sợ hãi, cô đơn. “Tâm lý người bệnh có tốt, suy nghĩ tích cực thì việc chữa trị mới thuận lợi và đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên cũng đã có những mất mát, mỗi lần chứng kiến bệnh nhân tử vong chúng tôi chỉ biết lặng lẽ nhìn nhau qua lớp kính chắn giọt bắn”, điều dưỡng Hiếu nói.

Thượng tá, bác sĩ Hoàng Văn Lý, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 7 đang là Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm 5D cho biết hiện bệnh viện đang điều trị trên 1.000 bệnh nhân Covid-19 từ mức độ nhẹ, vừa đến nặng. Bệnh viện hiện có trên 200 cán bộ, y, bác sĩ, trong đó 47 y, bác sĩ của Bệnh viện Quân y 7 có mặt ở tất cả các khoa, phòng. Đến nay, sau 20 ngày tăng cường cho tỉnh Bình Dương, sức khỏe của đoàn y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 7 đều tốt. Đến ngày 25.8, bệnh viện đã có 596 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh, ra viện. 

Được biết, hiện 22 y, bác sĩ của Bệnh viện Quân y 7 cũng đã tình nguyện viết đơn tham gia, sẵn sàng lên đường khi có yêu cầu. 

TRƯƠNG HÀ

(0) Bình luận
Những bác sĩ quân y tình nguyện vào Nam chống dịch