Di sản hát Xoan gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Tỉnh Phú Thọ đã đưa hát Xoan vào giảng dạy cho học sinh tại các trường tiểu học, THCS trong tỉnh
Mối quan hệ giữa hát Xoan và tín ngưỡng Hùng Vương đã tạo nên sức sống mãnh liệt để hai di sản cùng song song tồn tại, phát triển. Tỉnh Phú Thọ luôn quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị của hai di sản này.
Là nghệ thuật trình diễn hát thờ Vua Hùng, vị vua đầu tiên của người Việt, hát Xoan gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, một tín ngưỡng bắt nguồn từ tập quán thờ cúng tổ tiên của người Việt.
Lịch sử phát triển của hát Xoan, từ tên gọi, nguồn gốc ra đời đều gắn chặt và hòa quyện với các truyền thuyết liên quan tới thời Hùng Vương. Lối trình diễn, sắp đặt các bài bản, chặng hát cũng tuân thủ theo các nghi thức hát thờ các Vua Hùng một cách thành kính. Những lời ca Xoan mang ý nghĩa chúc tụng, ca ngợi công đức các Vua Hùng xuất hiện trong nhiều bài bản Xoan, xuyên suốt từ chặng hát thờ cho đến phần hát hội. Đặc biệt, hát Xoan được thực hành trình diễn ở các di tích đình, đền, miếu thờ Hùng Vương. Mối quan hệ chặt chẽ giữa hát Xoan và tín ngưỡng Hùng Vương đã tạo nên sức sống mãnh liệt để hai di sản cùng song song tồn tại, phát triển vượt thời gian cho đến tận ngày nay.
Để bảo tồn, phát huy giá trị di sản hát Xoan một cách bền vững, từ năm 2012, đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - hát Xoan Phú Thọ (giai đoạn 2013 - 2020) của tỉnh Phú Thọ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo hướng liên kết bảo tồn, phát huy giá trị cả 2 di sản hát Xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Bảo tồn không gian văn hóa thờ cúng Hùng Vương là giải pháp quan trọng để phát huy giá trị hát Xoan đã và đang được tỉnh Phú Thọ thực hiện một cách toàn diện, đồng bộ với tầm nhìn có tính chiến lược, toàn diện, sâu sắc. Đó là việc nhận diện những bài bản cốt lõi của hát Xoan, hỗ trợ việc trao truyền từ các nghệ nhân tuổi đã cao cho học trò kế cận của họ một cách hiệu quả. Từ đó, những người này có thể dần thay thế được các nghệ nhân điều hành các phường Xoan và chủ động tổ chức các lớp truyền dạy cho con em của họ. Việc củng cố 4 phường Xoan với nền tảng vững chắc chủ yếu là trao truyền trong gia đình, dòng họ... đã tăng nhanh số lượng người hiểu về lịch sử hát Xoan, về thờ cúng Hùng Vương. Với sự sáng tạo và nỗ lực, tỉnh Phú Thọ đã tạo ra được những cơ hội cho người hát Xoan thực hành thường xuyên, từ hát thờ, hát nghi thức trong làng mình đến hát ở các làng khác có tập tục thờ cúng Vua Hùng; từ trình diễn trong nhóm cộng đồng đến trình diễn giao lưu với các cộng đồng khác, tham gia các chương trình văn hóa và tự giới thiệu di sản của mình trên các phương tiện truyền thông.
Tỉnh Phú Thọ đã có chiến lược về nguồn lực và kế hoạch cụ thể tiếp tục đào tạo, truyền dạy, phục hồi đầy đủ các không gian hát Xoan đến năm 2020. Đó là điều kiện cơ bản và là cơ hội bảo đảm môi trường, sức sống cho hát Xoan. Đến nay, tỉnh Phú Thọ đã phục hồi 20/30 di tích đình, miếu là nơi có tục lệ hát Xoan thờ Vua Hùng, thờ thần vào dịp đầu xuân. Tại các làng Xoan gốc, 100% số di tích đình, miếu gắn với hát Xoan đã được phục hồi. Như vậy, các cộng đồng làng Xoan gốc có đầy đủ không gian văn hóa bảo lưu tập tục thờ cúng Hùng Vương, để tổ chức thực hành truyền dạy di sản hát Xoan ngay tại nơi phát tích, nơi sản sinh và nuôi dưỡng di sản.
Bảo vệ báu vật hát Xoan là một trong những nhiệm vụ luôn được chú trọng nhiều năm qua thông qua các hoạt động khai thác và bảo hộ nghệ nhân như đãi ngộ nghệ nhân, tổ chức trình diễn, khai thác truyền nghề, tài trợ tài chính để lưu giữ, truyền dạy di sản... Năm2015, 17 nghệ nhân hát Xoan đã được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Năm 2017, tỉnh Phú Thọ tiếp tục triển khai thực hiện công tác xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ hai - năm 2018, đề nghị Hội đồng Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân cho 6 nghệ nhân và danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú cho 8 nghệ nhân hát Xoan. UBND tỉnh Phú Thọ đã phong tặng cho 52 nghệ nhân hát Xoan qua 2 lần xét tặng năm 2012 - 2015. Tiếp tục thực hiện “Quy chế xét tặng danh hiệu Nghệ nhân hát Xoan Phú Thọ”, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt là các xã có phường Xoan gốc ở TP Việt Trì triển khai thực hiện công tác xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân hát Xoan Phú Thọ” lần thứ ba - năm 2018. Chính sách bảo vệ “Báu vật nhân văn sống” còn khuyến khích được những người trẻ tuổi theo đuổi và tiếp nối sự nghiệp của những nghệ nhân cao tuổi.
Xác định di sản có được gìn giữ, thực hành hay không phụ thuộc phần lớn vào ý thức của cộng đồng. Chính vì thế, đến nay, tỉnh Phú Thọ đã đào tạo được 68 nghệ nhân kế cận có đủ kỹ năng trình diễn và thực hành hát Xoan; thành lập 34 câu lạc bộ với 1.557 thành viên yêu thích và trình diễn hát Xoan, tất cả các trường tiểu học, THCS trong tỉnh đã đưa hát Xoan vào giảng dạy thông qua bộ môn âm nhạc.
Di sản hát Xoan ngày nay càng gắn bó chặt chẽ với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và thờ cúng tổ tiên của người Việt. Vinh dự, tự hào cùng với nghĩa vụ và trách nhiệm cao cả, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ đang tiếp tục nỗ lực để bảo vệ di sản hát Xoan theo tinh thần công ước 2003 của UNESCO, bảo đảm cho di sản này được bảo vệ và phát huy giá trị gắn với di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương một cách bền vững.
NGUYỄN ĐẮC THỦY
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ