Nhà báo Trần Lâm đưa tin về Cách mạng Tháng Tám

01/09/2012 17:20

Cố Nhà báo Trần Lâm được nhiều người biết đến với tư cách là Tổng Giám đốc đầu tiên của cả Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam.


Cố nhà báo Trần Lâm. Ảnh tư liệu

Cố Nhà báo Trần Lâm tên thật là Trần Quang Vận, sinh ra trong một gia đình nho giáo nhiều đời ở làng Phạm Lâm, nôm gọi là làng Thông, thuộc xã Đoàn Tùng (Thanh Miện). Gia đình ông có 7 anh em, trong đó có 4 anh em trai đều được theo Tây học và đều nhiệt tâm tham gia cách mạng, có người đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong đó Trần Quang Vận xuất sắc hơn cả.

Từ nhỏ, Trần Quang Vận đã học giỏi. Trước khi cách mạng thành công, ông học cử nhân luật ở Trường Đại học Đông Dương (Hà Nội). Là một trí thức trẻ, được giáo dục chu đáo từ nhỏ, trưởng thành ở quê hương có truyền thống yêu nước, lại được sống trong một trung tâm văn hoá rất nhạy cảm với vấn đề chính trị - xã hội, Trần Quang Vận sớm tham gia các tổ chức yêu nước với cái tên mới - Trần Lâm.
Năm 1941, ông tham gia "Hội Truyền bá quốc ngữ" do cụ Nguyễn Văn Tố và những người đồng chí khởi xướng. Trước khởi nghĩa, ông hoạt động trong phong trào sinh viên yêu nước, là thành viên "Hội Cứu quốc", tham gia nhiều cuộc tuyên truyền cách mạng trước quần chúng.

Ngày 14-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện, tình hình cách mạng trong nước diễn biến từng giờ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Minh chuẩn bị tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Do biết trước chiều 17-8 chính phủ Trần Trọng Kim do Nhật dựng lên sẽ tổ chức một cuộc mít-tinh lớn tại Quảng trường Nhà hát Lớn (Hà Nội), nhằm biểu dương thanh thế trước Đồng minh. Để tạo thời cơ giành chính quyền khi Nhật rút khỏi Đông Dương, lực lượng Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Thành uỷ, chủ trương biến cuộc mít-tinh của Đại Việt thành cuộc mít-tinh ủng hộ Việt Minh giành chính quyền. Được phân công và chuẩn bị chu đáo từ trước, đúng vào lúc đội kèn đồng của Đinh Ngọc Liên cử bài "Tiếng gọi thanh niên" của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước thì ở trên hiên tầng hai Nhà hát Lớn, Trần Lâm đã treo xong lá cờ đỏ sao vàng cỡ lớn, dài tới 9m, khi cờ quẻ ly của chính phủ bù nhìn chưa kịp kéo lên. Tiếng hò reo như sấm dậy, lập tức hàng loạt cờ đỏ sao vàng cầm tay được phất lên. Bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng tiến lên lễ đài, giành micro đọc hiệu triệu của Việt Minh kêu gọi khởi nghĩa. Từ cuộc mít-tinh hàng vạn người biến thành cuộc tuần hành diễu qua các phố, biểu dương lực lượng, hô vang khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh, giành chính quyền.

Thành công của cuộc mít-tinh cần được loan tin cho khắp nơi biết, nhất là cơ quan của Đồng minh chống phát-xít. Để phát huy thành quả này, ngay đêm hôm đó, Trần Lâm cùng Chu Văn Tích - người bạn thân thiết đã đến toà soạn Báo Tin mới (một tờ báo tư nhân) yêu cầu phải đăng tin cuộc mít-tinh ủng hộ Việt Minh ở trang nhất. Mặc dù báo đã lên khuôn, chủ bút buộc phải rút một bài của một quan lớn triều Nguyễn để đăng "Hiệu triệu của Việt Minh" và tin cuộc biểu tình của Việt Minh. Bản tin chỉ có khoảng 30 dòng nhưng đã có hiệu quả vô cùng lớn trong thời khắc lịch sử đó. Qua sự kiện này, Trần Lâm đã thấy vai trò to lớn của báo chí với cách mạng và xã hội. 

Những việc làm và thử thách đầu tiên nói trên đã được các đồng chí lãnh đạo cách mạng biết đến. Sau 3 ngày giành chính quyền ở Hà Nội, ngày 22-8, đồng chí Xuân Thuỷ thay mặt Tổng bộ Việt Minh mời 3 trí thức trẻ vốn cùng học một trường đến Phủ Chủ tịch để giao nhiệm vụ mới theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo đó, Trần Kim Xuyến được giao nhiệm vụ tổ chức bộ máy của Bộ Tuyên truyền do Trần Huy Liệu làm Bộ trưởng; Chu Văn Tích lập bộ máy Sở Tuyên truyền Bắc bộ; Trần Lâm lập Đài Phát thanh, trực thuộc Bộ Tuyên truyền. Đồng chí Xuân Thuỷ còn nhấn mạnh ý kiến của Chủ tịch nước: Việc quan trọng nhất, cấp bách nhất lúc này là lập cho được Đài Tiếng nói Việt Nam.

Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn và thiếu thốn nhưng mọi người được giao nhiệm vụ tham gia xây dựng đài đều có quyết tâm rất cao. Ngày 7-9, đài đã có thể phát sóng. Sau khi đã chọn được phát thanh viên tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Anh, cũng như những người biên tập thành thạo Anh ngữ và Pháp ngữ, để ngay ngày đầu tiên đã có thể phát thanh bằng 3 thứ tiếng, còn 3 vấn đề cấp thiết phải giải quyết ngay: là quyết định ngày khánh thành đài, đặt tên đài và chọn nhạc hiệu.

Sau khi thảo luận, ngày 7-9 được quyết định làm ngày phát sóng đầu tiên của đài. Anh em đề nghị lấy tên đài là Đài Tiếng nói Việt Nam vì gần một thế kỷ thuộc Pháp, tên nước Việt Nam đã bị bọn thực dân xoá trên bản đồ thế giới, thay vào đó là xứ Đông Dương thuộc Pháp, nay ta giành được độc lập, phải xác định quốc hiệu của mình trước thế giới. Bài "Diệt phát xít" của Nguyễn Đình Thi làm nhạc hiệu. Không ai nghĩ rằng tên đài và nhạc hiệu được quyết định trong hoàn cảnh khẩn trương và đặc biệt đó tồn tại cho đến nay. Đồng chí Trần Lâm trở thành Giám đốc, Tổng Biên tập, người lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam từ đó.

Những năm đầu ở Đài Tiếng nói Việt Nam, tất cả đều phải làm trực tiếp, chỉ vì không có băng ghi âm để dựng chương trình trước khi phát chính thức như ngày nay. Mỗi buổi phát thanh, phải có 10 ca sĩ và một dàn nhạc nhẹ tấu và hát lên bài "Diệt phát xít" . Sau mỗi bài phát thanh đọc trực tiếp, nhạc trưởng lại ra hiệu hát tiếp những bài ca đã ấn định từ trước. Rất thủ công, nhưng do nhiệt tâm nên cũng rất thành công.

Ngày 15-9, đồng chí Trần Lâm cùng tập thể quyết định lấy hai bản tin tiếng Anh và tiếng Pháp soạn theo thể thông tấn, đặt tên cho bản tin này là "VNA", từ viết tắt của các chữ: Viet Nam News Agency (Hãng Thông tấn Việt Nam) và "AIV"(Angence d' information du Viet Nam), được truyền lên không trung bằng tín hiệu morse. Có thể nói, ngày 15-9-1945 là ngày khai sinh Thông tấn xã Việt Nam.

Sau này, tuy không được Chính phủ giao trách nhiệm lập Đài truyền hình, bấy giờ có nhiều người quan niệm rằng truyền hình thuộc điện ảnh, nhưng với tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, trong thời gian không đầy một năm đồng chí Trần Lâm cùng tập thể cán bộ, kỹ sư, công nhân của đài đã xây dựng thành công Đài Truyền hình Việt Nam bằng những linh kiện tự tạo và thải loại của đài nước bạn. Trong suốt 43 năm, ông đã giữ cương vị là Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi Chủ nhiệm Uỷ ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam. Hạnh phúc nhất của một cuộc đời hoạt động báo chí là ông đã vinh dự tham gia sáng lập ba cơ quan ngôn luận quan trọng bậc nhất của đất nước: Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, đặc biệt là người có công đầu đưa tin về thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 trên phương tiện thông tin đại chúng.

TĂNG BÁ HOÀNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà báo Trần Lâm đưa tin về Cách mạng Tháng Tám