Nguyễn Chế Nghĩa là một vị tướng tài thời Trần nổi danh cùng những chiến công huyền thoại. Ngày nay trên quê hương ông vẫn hiện hữu nhiều di sản quý.
Trò "đánh thó" do tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa truyền dạy nay là nét sinh hoạt đặc sắc của lễ hội đền Cuối
Cuộc đời huyền thoại“Người này chẳng kém gì Phạm Ngũ Lão, ta lại được thêm một tướng tài”. |
|
Ở thị trấn Gia Lộc, có một vị tướng thời Trần mà mỗi lần nhắc tên, người dân đều tỏ lòng tôn kính. Đó là tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa. Những câu chuyện về ông không chỉ được lưu truyền trong dân gian mà còn ghi chép lại trong nhiều tài liệu, văn bản quan trọng như "Trần triều thế phả hành trạng", "Hội Xuyên xã thần tích"...
Nguyễn Chế Nghĩa sinh năm 1265 tại Cối Xuyên (còn gọi Hội Xuyên, nay là thị trấn Gia Lộc). Từ nhỏ ông đã nổi tiếng văn võ toàn tài, thông thạo võ nghệ, đặc biệt là đánh gậy. Năm Thiệu Bảo thứ 6 (1284), quân Nguyên xâm lược nước ta lần thứ hai, Nguyễn Chế Nghĩa 17 tuổi đến dinh của Trần Hưng Đạo xin đầu quân. Hưng Đạo thử tài thấy Nguyễn Chế Nghĩa bắn cung giỏi phong là "thần tiễn" và khen: “Người này chẳng kém gì Phạm Ngũ Lão, ta lại được thêm một tướng tài”. Ông được Hưng Đạo Vương sai đem dân binh của Lộ Hồng đi chặn giặc ở Nội Bàng, Vạn Kiếp, làm cho chúng phải tiến quân chậm chạp.
Năm 19 tuổi, Nguyễn Chế Nghĩa đeo ấn tiên phong cùng tướng Phạm Ngũ Lão đem 3.000 quân lên Lạng Sơn lập trại cản địch. Trận đầu ông cầm quân đánh lui các tướng giặc là Trịnh Bằng Phi và Áo Lỗ Xích. Nguyễn Chế Nghĩa xông vào quân giặc như vào chốn không người khiến chúng khiếp sợ gọi ông là thần tướng, được nhà vua phong làm Khống bắc tướng quân. Khi vua Trần cho triều đình và nhân dân rút khỏi kinh thành, Nguyễn Chế Nghĩa được cử giữ Nội Bàng để chống giặc, bảo vệ đại bản doanh Vạn Kiếp. Sau đó Nguyễn Chế Nghĩa được giao giữ mặt trận từ Kiêu Kỵ (Gia Lâm) đến đê Cơ Xá (Hải Dương). Ông chỉ huy trận phục kích giặc ở cánh đồng Kiêu Kỵ, giết 300 tên giặc. Khi quân ta chuẩn bị tổng phản công, Nguyễn Chế Nghĩa được lệnh của Quốc công tiết chế phối hợp với các cánh quân tiêu diệt địch ở ngoại thành Thăng Long và phục kích giặc trên sông Thiên Đức (sông Đuống) diệt hàng nghìn tên.
Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ ba (1287 - 1288), Hưng Đạo Vương phong cho Nguyễn Chế Nghĩa làm chánh tướng tiên phong đóng đồn ở Yên Hưng (Quảng Ninh). Khi biết Thoát Hoan chạy theo đường núi, ông cùng Phạm Ngũ Lão mang quân chặn giặc ở Vạn Kiếp, chém chết tướng giặc là Trương Quân ở Nội Bàng.
Giặc tan, Nguyễn Chế Nghĩa được vua Trần phong chức Đại tướng quân, cử đi trấn ải ở Lạng Sơn 6 năm. Sau ông được nhà vua triệu về triều ban tước Nghĩa Xuyên công và cử đi sứ Nguyên ba lần, được nhà vua gả công chúa Nguyệt Hoa (đây là điều hiếm gặp vào thời nhà Trần).
Nguyễn Chế Nghĩa làm quan trải bốn triều vua. Đến cuối đời Trần Minh Tông, triều đình nhiễu nhương, Nguyễn Chế Nghĩa khuyên can không được bèn từ quan về ở đất Cối Xuyên. Tại đây ông giúp dân mở mang nghề nông, mở chợ, mở lò dạy võ cho thanh niên.
Khi vua Trần Hiến Tông mất, Trần Dụ Tông lên ngôi (1341 - 1369) liền trả thù vì ông phản đối việc lên ngôi của Dụ Tông. Dụ Tông đã sai bọn võ sĩ phục kích chém chết ông ở quán Ninh Kiều, Kiêu Kỵ (Gia Lâm). Nhưng với công lao hiển hách của ông, triều đình vẫn cử Bộ Lễ về tổ chức tang lễ theo nghi thức vương giả và phong ông là An Nghĩa đại vương. Sau khi ông mất, quê hương Cối Xuyên và 84 địa phương nơi ông từng đóng quân lập miếu thờ phụng. Trong quyển "Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam" của Hà Văn Thơ và Trần Hồng Đức (phát hành năm 2001) phần ghi những nhân vật lịch sử nổi tiếng triều Trần gồm 12 người, trong đó Nguyễn Chế Nghĩa được xếp trên Lê Văn Hưu và Chu Văn An.
Nhiều di sản liên quanTrải hơn 6 thế kỷ, về thị trấn Gia Lộc hôm nay vẫn hiện hữu nhiều di sản về vị tướng tài danh này. Nổi tiếng là đền Cuối và khu lăng mộ tướng quân và gia đình. Lăng mộ tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa nằm ở phía bắc làng, rộng 2 sào, được xây bằng gạch từ thời Trần còn nguyên vẹn. Trước lăng có táp môn, trên đắp chữ vạn thọ, hai bên lối vào có rồng chầu. Ông Bùi Bá Ngá, người trông coi khu lăng mộ cho biết: Lăng mộ của tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa được đặt trên gò đất thế “Bạch tượng quyển hồ” nên phía sau có đắp nổi hình con voi trắng. Trong lăng có bia đá khắc chữ Hán: Mộ quan nhập nội thị, Thái úy, Phò mã đô úy triều Trần, tôn thần họ Nguyễn, tên Chế Nghĩa, người bản xã cùng công chúa Nguyệt Hoa sắc phong thành hoàng... Lăng công chúa Nguyệt Hoa (vợ), lăng công tử Sùng Phúc (con trai) và lăng phát tích (mẹ) gần đó được làm bằng đá xây kiểu long đình, có tường đá bao quanh.
Còn đền Cuối và chùa La Khởi chính là giáo trường (nơi ông rèn luyện võ nghệ và môn đánh thó cho dân binh xưa). Ông Nguyễn Kim Năm, Bí thư Chi bộ khu 5, nơi có đền Cuối cho biết: "Trong các sinh hoạt của lễ hội đền Cuối, ngoài lễ rước kiệu, rước các cỗ, các trò chơi dân gian, nhất thiết phải có trò “đánh thó”. Đây là môn võ nghệ sở trường của tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa và quân lính của ông. Khi về trí sĩ, ông đã mở phường dạy môn võ cho dân binh. Khi ông mất, hằng năm, mỗi kỳ lễ hội, nhân dân địa phương lại tổ chức trò này để tưởng nhớ và tái hiện công lao của tướng quân".
Đánh thó được thực hiện hai người một, với cây gậy dài chừng 1,7m. Khi trống nổi lên hai bên ra sân, mỗi người múa một bài để chào quan viên. Trong đánh thó, quy định các miếng đánh rất chặt chẽ. Cấm đánh từ đầu xuống cổ, cấm đánh đòn dọc, cấm đánh dóc mía, cấm hất dốc. Đòn đánh từ khuỷu tay trở ra, từ đầu gối trở xuống không được tính điểm, chỉ tính theo dấu vôi trên quần áo do gậy có nhúng vôi ướt chạm vào. Vào cuộc, trống đánh 3 tiếng một, chậm rãi, sau nhanh dần, dồn dập, thúc giục đôi bên hăng hái công thủ. Người nào ra đòn cấm kỵ sẽ bị người cầm trịch gõ vào tang trống nhắc nhở. Người nào có thế võ hay, trống sẽ đánh liên hồi khích lệ.
Giới thiệu về chợ Cuối, ông Bùi Văn Bạt, Trưởng Ban Quản lý di tích đền Cuối cho biết: Đây cũng là một trong những di sản mà tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa để lại đến ngày nay. Theo đó, khi từ quan về Cối Xuyên, ông giúp dân khai khẩn ruộng hoang và mở chợ Cuối để nhân dân buôn bán. Trải qua nhiều thế kỷ, chợ Cuối vẫn là nơi giao thương sầm uất của cả một vùng. Cùng với chợ Cuối, ở đây hiện vẫn còn “ao Sao”, tương truyền là ao Nguyễn Chế Nghĩa cho đào để xem thiên văn, hướng dẫn cho dân cấy trồng.
Anh Đoàn Văn Long, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Gia Lộc cho biết: Cùng với đền Cuối, trên địa bàn thị trấn còn hai di tích thờ tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa là đình Phương Điếm, đền Đức Đại. Hằng năm, vào dịp tháng 8 âm lịch, cả ba di tích đều mở hội với những nghi thức như lễ rước kiệu, rước cỗ hoa quả, cỗ đường, cỗ thầu, cỗ tam sinh... và nhiều trò chơi dân gian độc đáo.
Lịch sử đã lùi xa song với những chiến công oanh liệt với 31 đạo sắc phong trong 300 năm liên tục (triều Lê 21 đạo, triều Tây Sơn 2 đạo, triều Nguyễn 8 đạo) cùng nhiều di sản liên quan đến cuộc đời ông, tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa đã trở thành niềm tự hào của quê hương Gia Lộc. Ngày nay tên ông được đặt cho đường phố ở TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Hải Dương.
NGỌC HÙNG