Ngôi đình thờ con rể Vua Hùng

09/04/2017 08:00

Tản Viên Sơn Thánh (tục gọi Sơn Tinh), con rể Vua Hùng Vương thứ 18 (Hùng Duệ Vương) nổi tiếng ngay thẳng, chính trực, có công lớn chống quân Thục, cứu dân độ thế.



Đình Thủ Pháp - nơi thờ Tản Viên  Sơn Thánh  Ảnh: PV

Hiếm có ở tỉnh Đông

Đình Thủ Pháp ở thôn Thủ Pháp, xã Đoàn Kết (Thanh Miện) là nơi hiếm hoi ở tỉnh ta thờ Tản Viên Sơn Thánh. Ngôi đình tọa lạc trên khuôn viên rộng rãi, cổ kính, thoáng đãng, phía trước còn có ao hồ tạo phong cảnh hữu tình. Bên trái ngôi đình có đền thờ Ma Thị Cao Sơn thần nữ (mẹ nuôi của ngài Tản Viên Sơn Thánh).

Đình được xây dựng vào thời Lê, được trùng tu lần đầu vào thời Nguyễn (năm Nhâm Tuất 1922) với quy mô rất lớn gồm 5 gian tiền bái, 5 gian thiêu hương, 3 gian hậu cung, hai bên có 2 dải vũ (mỗi dải vũ gồm 5 gian). Trải qua thời gian và do chiến tranh tàn phá nên ngôi đền chỉ còn 3 gian. Các cột, xà, bẩy, cốn kẻ trong đình đều làm bằng gỗ lim và được chạm trổ tứ linh, tứ quý, hoa lá cách điệu tinh tế. Bờ nóc ngôi đình được đắp nổi lưỡng long chầu nguyệt, đầu rồng dữ tợn, râu dài cong vút, thân rồng cuộn 5 khúc. Trong đền có ban thờ công đồng, nhang án và các đồ thờ tự như bát hương, mâm bồng, bát bửu, hạc thờ. Ở hậu cung, chính giữa có ngai thờ Tản Viên Sơn Thánh rộng 1 m, cao 2 m. Hai bên có 2 bát hương thờ 2 vị tướng có công theo phò Sơn Thánh đánh đuổi quân Thục. Trước đây, di tích đình Thủ Pháp có nhiều đồ tế tự và những cổ vật có giá trị như bia ký, sắc phong, thần tích, câu đối, đại tự, kiệu bát, kiệu long đình. Nhưng qua thời gian và chiến tranh, một số đồ tế tự đã bị thất lạc. Hiện nay, trong di tích còn các hiện vật như: Bản thần tích bằng chữ Hán nói về sự tích Sơn Thánh Tản Viên, sắc phong triều Khải Định, 1 bức trâm chữ Hán, một kiệu bát cống, 7 bát bửu, 2 án thư.

Truyền thuyết về Tản Viên Sơn Thánh có rất nhiều dị bản. Song qua nội dung bản thần tích và truyền thuyết dân gian có thể tóm lược về thân thế của ngài như sau: Đời Hùng Vương thứ 18 ở động Lăng Sương (nay là đền mẫu Lăng Sương, xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ) có vợ chồng ông Nguyễn Cao Hành và bà Định Thị Vân (Đen) sống hiền lành, nhân đức nhưng tuổi đã cao mà chưa có con. Một lần ra sông nhìn thấy rồng hiện xuống uống nước, lão bà cảm động, về nhà mang thai và 14 tháng sau thì sinh được một cậu con trai hình mạo khôi ngô, khác hẳn người thường. Được 100 ngày, ông bà đặt tên con là Nguyễn Tuấn (sau đổi tên là Tùng). Dân tình ai cũng thấy lạ, vịnh thành 4 câu thơ: “Lăng Sương tạo dựng con người ngọc/Gửi thác rồng thiêng giáng hạ trần/Thái bà cũng được trời gọi mẹ/Sau này lo nghiệp lớn thế gian”.

Nguyễn Tuấn lên 6 tuổi thì cha qua đời. 7 tuổi ngài theo mẹ lên núi Tản Viên và gặp được bà Ma Thị Cao Sơn (con gái thần núi). Sau khi mẹ qua đời, Nguyễn Tuấn ở lại với bà Ma Thị Cao Sơn và xin nhận làm con nuôi. Một hôm, Nguyễn Tuấn lên núi đốn củi gặp thần Thái Bạch Lão Quân, được thần trao cho một cây gậy sinh tử và dạy cho một câu thần chú để cứu đời. Sau khi nhận gậy thiêng, ngài cứu sống một con rắn vốn là con Long Vương bị trẻ chăn trâu đuổi đánh, được Long Vương đền ơn biếu một cuốn thiên thư, xem có thể hiểu thấu mọi việc trên trời dưới đất.

Nghe các cụ cao niên trong làng kể, trong một lần về động Lăng Sương, Nguyễn Tuấn cùng mẹ nuôi đi qua quê hương Thủ Pháp (trước gọi là thôn Vắp) và nghỉ chân tại khu đất cao nhất của làng, cạnh sông Cửu An. Tức thì có 500 con voi và hổ tới quỳ phục xung quanh. Ngài giơ gậy thiêng lập tức voi về nam, hổ về bắc. Dân làng vui mừng ra thỉnh tấu nhã ý muốn làm cơm mời 2 mẹ con. Thấy dân làng có tâm nên Nguyễn Tuấn đã dùng gậy thiêng ban phép “cầu gì được nấy”. Xưa cả xã Đoàn Kết chỉ là một vùng đất bãi, xung quanh bốn bề sông nước, cây cối, cỏ dại mọc um tùm. Dân làng xin ban đất đai màu mỡ, mưa thuận gió hòa, cấy cày, làm ăn được thuận lợi. Ước nguyện của dân làng ngay lập tức được ngài thực hiện. Hai mẹ con còn dạy dân làng cách làm ruộng, săn bắn, kéo vó, múa hát… Từ đây, việc sinh sống, làm ăn của người dân thuận lợi và ngày càng thịnh vượng. Từ chỗ chỉ có vài chục hộ dân lúc ban đầu, vùng đất này ngày càng có nhiều gia đình rủ nhau tới sinh sống.

Nguyễn Tuấn sau này đã gặp và được Vua Hùng Duệ Vương gả cho công chúa Ngọc Hoa xinh đẹp, đồng thời phong làm Tản Viên Sơn Thánh. Về sau quân Thục sang đánh chiếm nước ta, vua sai thần Tản Viên đi đánh dẹp. Nhờ có gậy thần, Tản Viên Sơn Thánh phá được quân Thục. Vua Hùng thấy con rể là người tài giỏi bèn trao cho quyền trị nước. Sơn Thánh chỉ nhận chức ấy trong mấy tháng rồi xin vua cho đi chu du khắp nơi cứu dân độ thế.

Tản Viên Sơn Thánh hóa về trời vào ngày 15 tháng giêng giữa thanh thiên bạch nhật. Dân làng tưởng nhớ công ơn nên lập đền thờ (nghè Vắp) bằng gỗ lim ngay tại khu đất ngài ngự, quanh năm hương khói phụng thờ. Tuy nhiên đến năm 1949, nghè Vắp đã bị thực dân Pháp phá hủy.

Chui gầm kiệu thánh

Cụ Nguyễn Văn Nhỡ (83 tuổi) là thủ nhang trông coi đình Vắp suốt 30 năm qua cho biết sau này nhân dân Thủ Pháp đã làm lễ rước ngài từ khu nghè Vắp về đình Thủ Pháp hiện tại để hương khói, thờ phụng. Để tưởng nhớ công ơn to lớn của Sơn Thánh Tản Viên, xưa kia nhân dân địa phương thường mở lễ tế vào các tiết trong năm: 15 tháng giêng (ngày Sơn Thánh hóa về trời), dân làng dùng 2 con trâu, 6 vò rượu, 40 đấu gạo, hoa quả, bánh, trầu cau để dâng cúng Sơn Thánh. Ngày 12.3 âm lịch (tương truyền là ngày Sơn Thánh đi qua làng Thủ Pháp), nhân dân thường dùng đồ chay để tế lễ. Ngày 25.7 âm lịch (ngày giỗ Ma Thị Cao Sơn thần nữ) cũng dùng đồ chay để cúng tế. Ngày nay, lễ hội đình Thủ Pháp chỉ diễn ra từ ngày 12 đến 14.3 âm lịch hằng năm. Vào ngày 12 (mở cửa đình), dân làng tổ chức rước kiệu Tản Viên Sơn Thánh và Ma Thị Cao Sơn thần nữ từ đình Thủ Pháp ra nền đất xây dựng nghè Vắp trước kia để tế lễ. Các hộ dân sinh sống hai bên đường kiệu thánh đi qua đều sắm hoa, quả, trà, rượu, bánh kẹo bày ra trước cửa nhà để thắp hương tưởng niệm công đức. Người dân trong làng từ già tới trẻ lần lượt chui qua gầm kiệu Tản Viên Sơn Thánh với mong muốn được ngài che chở, ban cho sức khỏe, may mắn và tài lộc trong suốt một năm học tập và công tác. Sau khi làm lễ tại khu di tích nghè Vắp, dân làng lại tổ chức rước kiệu Sơn Thánh và mẹ nuôi về đình Thủ Pháp. Các hoạt động dâng hương, tế lễ, chiêm bái tiếp tục diễn ra đến hết ngày 14.3. Xung quanh lễ hội, làng Thủ Pháp tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi như: giao lưu văn nghệ, múa lân, tổ chức trò chơi bịt mắt bắt vịt, cờ người…

Đình Thủ Pháp như một minh chứng lịch sử rõ nét về thời kỳ Hùng Vương. Việc bảo tồn và phát huy giá trị ngôi đình thể hiện đạo lý tốt đẹp, lòng biết ơn sâu sắc của các thế hệ người Việt đối với cha ông đã có công dựng nước và giữ nước.

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngôi đình thờ con rể Vua Hùng