Nghề bẻ vải thuê đắt "sô"

11/06/2018 06:32

Vào mùa thu hoạch vải, nhiều lao động nông nhàn lại có thêm việc làm. Những ngày này, người đi bẻ vải thuê ở huyện Thanh Hà đang bộn việc.


 Ông Phạm Trọng Linh bẻ vải thuê tại xã Thanh Bính

Ông Phạm Trọng Linh ở thôn Phúc Giới, xã Thanh Bính có khoảng 7 sào vải sớm thu hoạch muộn hơn những nhà khác. Nhưng ông không vì thế mà có thời gian rảnh rỗi, bởi cứ đến mùa, ông thường nhận được nhiều cuộc điện thoại gọi đi bẻ vải thuê.

Nông dân thường thu hoạch vải vào sáng sớm, từ khoảng 8 giờ trở đi sẽ rất ít người thu hoạch. Vì thế, nhiều hôm ông Linh phải dậy từ 3 giờ sáng, cơm nước xong xuôi để 4 giờ đến một nhà trong làng bẻ vải thuê. Theo nhiều chủ vườn, ông Linh rất chịu khó, tính tình lại dễ chịu nên ông được nhiều chủ vườn quý mến, tin cậy gọi đi làm từ mùa này sang mùa khác.

Tranh thủ lúc nghỉ giải lao, ông Linh cho biết: "Nếu ở nhà chơi không cũng buồn, đi làm thế này vừa có đồng ra đồng vào chi tiêu sinh hoạt. Mỗi ngày, tôi được trả công 400.000 đồng". Trong các khâu thu hoạch vải thì khâu bẻ vải là mệt nhọc nhất vì phải trèo lên cao, phải mất nhiều công sức. Thanh Bính là vùng trồng nhiều vải sớm, sau khi thu hoạch xong ở đây ông Linh lại lên các xã có vải thiều như Thanh Thủy, Thanh Xá bẻ vải thuê.

Vì mùa thu hoạch vải rất ngắn nên nhà nào cũng phải tranh thủ bẻ để bán cho được giá. Nhiều nhà neo người phải thuê thêm. Vì thế, ngoài bẻ vải thuê, nhiều lao động cũng được tận dụng để nhặt lá. Nhiều năm nay, bà Phạm Thị Luyên ở xã Thanh Hồng đi nhặt lá vải thuê. Nhưng không phải ai cũng được nhiều người thuê như bà bởi nhặt lá cũng phải có kinh nghiệm và phải cẩn thận. Đây cũng là khâu làm đẹp cho quả vải trước khi bán cho lái buôn. Chủ vườn sẽ yêu cầu người làm phải nhặt sạch sẽ lá vải, nhặt cuống héo và những quả nứt, sâu bỏ đi. Nếu làm không cẩn thận vụ sau họ không thuê nữa.


Những người nhặt lá vải thuê được trả công 200.000 đồng/ngày/người

Bà Luyên cho biết: "Đây là việc nhàn nhất trong các khâu thu hoạch vải. Chúng tôi chỉ việc ngồi nhặt lá dưới gốc cây mát nên cố gắng làm đẹp cho chủ vườn để lần sau họ còn gọi mình". Mỗi ngày ngồi nhặt lá, bà Luyên được trả công 200.000 đồng, được chủ vườn cho ăn cơm trưa. So với nghề đi gặt lúa hay cấy thuê thì ngồi nhặt lá vải vẫn là công việc nhàn nhất. Tuy đã được trang bị găng tay rất cẩn thận nhưng mỗi lần nhặt lá vải xong bàn tay bà Luyên vẫn đầy nhựa bẩn mà phải rửa nhiều ngày sau mới sạch.

Trước đây, Thanh Hà cũng có nhiều vải nhưng lao động dồi dào. Nhà nào cũng có từ 4-5 người, nếu nhiều vải thì nhà này sẽ bẻ đổi cho nhà kia. Những năm gần đây, lao động trẻ đi làm ăn xa hoặc đi làm công ty nên không ở nhà chăm sóc, thu hoạch vải. Người trồng và thu hoạch chủ yếu chỉ còn lại những người trung và lớn tuổi nên họ phải thuê thêm người làm. Chỉ trong vòng 1 tháng thu hoạch vải, nhiều người thu được 4-5 triệu đồng tiền công.

Nghề bẻ vải thuê cũng có nhiều nguy hiểm rình rập. Bẻ vải thường phải trèo cao, nếu không cẩn thận sẽ bị ngã. Những người đi bẻ vải thuê là lao động tự do nên không mấy ai có bảo hiểm.

MINH NGUYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghề bẻ vải thuê đắt "sô"