Mỹ - Triều: Một cục diện khác

07/06/2018 15:06

Bình Nhưỡng đến với hội nghị ngày 12.6 tới đây với mục tiêu chiến lược “giành điểm đàm phán” bằng việc duy trì quản lý thay vì phá hủy kho vũ khí hạt nhân của mình.

Viễn cảnh của hòa bình phía cuối chân trời hay cái bóng của những sai lầm nghiêm trọng chắc chắn là điều không chỉ Mỹ hay Triều Tiên đang cân nhắc. Càng gần thời điểm dự kiến diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, cộng đồng thế giới càng tập trung quan sát hơn bao giờ hết.

Triều Tiên và tâm thế của sức mạnh cô độc

Theo nhận định chung từ nhiều chuyên gia, Bình Nhưỡng đến với hội nghị ngày 12.6 tới đây với mục tiêu chiến lược “giành điểm đàm phán” bằng việc duy trì quản lý thay vì phá hủy kho vũ khí hạt nhân của mình.

Bình Nhưỡng muốn Washington hiểu về sức mạnh từ hạt nhân hay ít nhất là nhận thức được về tình trạng từ kho vũ khí hạt nhân của nước này. Nói một cách khác, Triều Tiên mong muốn một bản thỏa thuận về việc làm thế nào để Bình Nhưỡng có thể kiểm soát, quản lý vũ khí hạt nhânthay vì phải làm thế nào để giải trừ năng lực hạt nhân.


Thế giới đổ dồn sự chú ý vào cuộc đối thoại đầy kịch tính Mỹ-Triều. Ảnh: Sputnik

Một mục tiêu chiến lược khác, Triều Tiên mong muốn được nới lỏng các lệnh trừng phạt hiện đang chống lại Bình Nhưỡng do chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân của nước này. Theo giới quan sát, chiếm 90% tỷ trọng thương mại với Triều Tiên, Trung Quốc hiện đang là “đối tác thương mại quan trọng nhất”. Trong trường hợp Mỹ hay Nhật Bản không nhượng bộ, Triều Tiên cần phải có được sự ủng hộ từ Trung Quốc. Một là để công khai quan hệ thương mại, hai là nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ Trung-Triều.

Trong diễn biến khác liên quan, ba nhân vật quân sự quan trọng hàng đầu Triều Tiên đã được Kim Jong-un thay thế. Theo hãng tin Yonhap, 3 quan chức quân sự Triều Tiên bị thay thế là Bộ trưởng Quốc phòng Pak Yong-sik, Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Triều Tiên Ri Myong-su và Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Kim Jong-gak.

Giới quan sát tin rằng sự thay thế một loạt các tướng lĩnh cấp cao ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều này xuất phát từ lo ngại của Kim Jong-un rằng các nhân vật kể trên đã nắm giữ những vị trí có thể “bị các nguồn lực bên ngoài tận dụng”.

Mỹ và phương châm hành xử phong cách Donald Trump

Về phần mình, Tổng thống Donald Trump cần đạt được ít nhất năm mục tiêu để có thể “coi rằng” đàm phán thượng đỉnh Mỹ-Triều thành công.

Thứ nhất, không được để bên nào “về nhà” sớm. Nói một cách khác, điều này được hiểu là cần duy trì đối thoại theo kế hoạch. Sẽ không có chuyện Mỹ hay Triều Tiên rời khỏi bàn đàm phán sớm vì những gì bên kia nói hoặc làm. Và kết quả chung, dù có thế nào cũng cần duy trì thế đối thoại.

Thứ hai, định nghĩa rõ ràng về khái niệm phi hạt nhân hóa. Tổng thống Donald Trump sẽ “ghi điểm” nếu có thể đưa xử lý được vấn đề này một cách rõ ràng trên bàn đàm phán. Chính quyền Nhà Trắng có thể sẽ mô tả và tìm cách định nghĩa về khái niệm này rằng đó là việc Bình Nhưỡng giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, các linh kiện hạt nhân, nhiên liệu hạt nhân và thậm chí cần xóa bỏ khả năng sản xuất nhiên liệu hạt nhân (quá trình làm giàu uranium). Washington cho rằng nếu Bình Nhưỡng ngừng làm giàu uranium, dù Triều Tiên “thủ sẵn” một số vũ khí hạt nhân nhất định, cũng sẽ không còn năng lực sản xuất thêm. Một vài chuyên gia cho rằng Mỹ sẽ “thắng” ngay cả khi chỉ đạt được duy nhất điều kiện này tại bàn đàm phán.

Thứ ba, một khởi điểm khả thi. Kết quả tốt nhất có thể và thực tế nhất có thể dự đoán là Mỹ-Triều sẽ thông qua một tuyên bố chung về việc xác định phi hạt nhân hóa là mục tiêu cuối cùng cần phải đạt được. Một thỏa thuận như vậy sẽ giúp hai bên có thêm thời gian nhằm xác lập các lợi ích chung. Bình Nhưỡng muốn tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình, bình thường hóa quan hệ với Mỹ, bảo đảm an ninh quốc phòng, nới lỏng các lệnh trừng phạt, kéo dài thời gian xử lý vấn đề hạt nhân nhằm đổi lấy sự nhượng bộ lâu dài từ Mỹ.

Thứ tư, tiếp tục duy trì đối thoại hậu hội nghị. Một dấu hiệu về thượng đỉnh Mỹ-Triều thành công sẽ là việc hai nhà lãnh đạo cùng lùi lại phía sau, các quan chức cấp dưới sẽ triển khai các nhiệm vụ chi tiết. Mỹ-Triều có thể thiết lập các cuộc đối thoại giữa các quan chức quân sự hoặc ngoại giao, hoặc cũng có thể thiết lập đường dây nóng. Trong quá khứ, một đường dây nóng giữa Bộ Ngoại giao hai bên đã được thiết lập vào khoảng những năm 1990, song chưa từng được sử dụng.

Thứ năm, đồng thuận về vấn đề thanh sát viên quốc tế. Trong quá khứ, thời kỳ “êm đẹp” nhất của mối quan hệ Mỹ-Triều là vào những năm 1990, khi Bình Nhưỡng chấp thuận để các quan sát viên chứng kiến việc đóng băng chương trình phát triển hạt nhân nước này tại thời điểm đó. Song, thời điểm hiện tại có quá nhiều khác biệt, việc Bình Nhưỡng có chấp thuận điều kiện này hay không sẽ là câu trả lời cho phép thử của Donald Trump.

Theo giới chuyên gia, một tuyên bố hòa bình sẽ là điều có thể đạt được sau đối thoại thượng đỉnh Mỹ-Triều tới đây. Song, Mỹ sẽ là phía cần nhượng bộ. Sau các cuộc đối thoại trực tiếp với phái đoàn cấp cao Triều Tiên sang thăm hồi cuối tuần trước, Donald Trump đột ngột thay đổi quan điểm về vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Từ việc mong muốn Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa hoàn toàn, nhanh chóng, ông chủ Nhà Trắng đã đưa ra một viễn cảnh mới. Một văn kiện nhằm chấm dứt tình trạng chiến tranh kéo dài gần 65 năm giữa hai miền bán đảo. Và đó sẽ là một thỏa thuận đình chiến thay cho một hiệp ước hòa bình.

Đây chính là điều Triều Tiên mong muốn, dù trước đó, Washington yêu cầu Bình Nhưỡng phải từ bỏ vũ khí hạt nhân trước khi có được bất kỳ điều gì.

Theo một số chuyên gia, nếu Nhà Trắng đồng ý về một tuyên bố chấm dứt chiến tranh không đi kèm vấn đề phi hạt nhân hóa, Mỹ sẽ mất dần vị thế đàm phán trước Triều Tiên. Đồng thời, điều này có thể sẽ tăng thêm ảnh hưởng của Bình Nhưỡng trong việc gây sức ép về vấn đề tập trận chung Mỹ-Hàn cũng như việc Mỹ rút quân đồn trú tại miền Nam vĩ tuyến 38.

Theo quan chức Mỹ trong nhóm chuẩn bị hội nghị, một thỏa thuận đình chiến, hay thậm chí một hiệp ước hòa bình rút gọn, sẽ là một “kết quả đẹp” cho đối thoại Mỹ-Triều lịch sử lần này. Song, chưa chắc đã loại bỏ đi những rủi ro tiềm ẩn mà Triều Tiên có thể gây ra cho khu vực từ những chương trình phát triển quân sự.

Nga-Trung và những lời cảnh báo

Một số chuyên gia Nga nhận định, một thỏa thuận giữa Hàn Quốc, Mỹ và Triều Tiên nhằm thiết lập tình trạng cho bán đảo Triều Tiên sẽ không có giá trị pháp lý, nếu lợi ích của Nga và Trung Quốc bị bỏ qua. Đàm phán Mỹ-Triều hiện tại được chia thành hai nhánh: Hàn-Triều và Mỹ-Triều. Một trong những mánh khóe của Donald Trump, sẵn sàng chấp thuận hủy bỏ đối thoại, nhằm đạt lợi thế tốt nhất trên bàn đàm phán với Kim Jong-un.


Nga-Trung và cục diện mới trước đối thoại Mỹ-Triều. Ảnh: CNN

Về phần mình, Triều Tiên đương nhiên sẽ không chấp thuận việc đơn phương phi hạt nhân hóa hoàn toàn, nhưng có thể sẽ nhượng bộ trên điều kiện nào đó, nhằm giúp phía Mỹ “giữ thể diện”. Trong cục diện mới này, Kim Jong-un đã “ghi một điểm”, và buộc Washington phải tìm cách giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, hoặc “giả bộ” tìm cách xử lý vấn đề.

Theo giới quan sát, kịch bản này khá “đúng ý” Nga, song Điện Kremlin sẽ không thể chấp nhận việc Hàn-Mỹ-Triều tiếp tục cơ chế đối thoại ba bên và đồng thuận về mặt nào đó mà bỏ qua vai trò của Moskva và Bắc Kinh.

Tại đối thoại Mỹ-Triều tới đây, với sự tham dự của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, câu hỏi đặt ra là Nga sẽ làm gì nếu một thỏa thuận nào đó được ba bên thông qua về mặt văn bản đi ngược lợi ích của Nga trong khu vực? Chắc chắn Điện Kremlin sẽ phản đối và tìm cách can thiệp. Tương lai khu vựcđang được thiết lập lại, và dường như đang thiếu đi “bóng dáng Nga”.Moskva có thể cho rằng lợi ích và các vấn đề liên quan đến an ninh tại khu vực biên giới của cả Nga và Trung Quốc không có sự can dự của hai quốc gia này sẽ đều vô giá trị.

Ngày 4.7 năm ngoái, Moskva và Bắc Kinh đã cùng đưa ra một bản đề xuất chung về việc “đóng băng kép”: dừng chương trình tên lửa và hạt nhân Triều Tiên, đồng thời dừng các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn. Và có thể, Nga-Trung vẫn đang “bắt tay nhau” cùng triển khai các bước đi chung nhằm hiện thực hóa sáng kiến này.

Donald Trump, vị Tổng thống hiện đang được biết đến với phương châm hành động dựa theo “thuyết của kẻ điên rồ”. Với một loạt các động thái bốc đồng, ích kỷ, mù mờ và mong muốn xóa bỏ toàn bộ những thành quả mà người tiền nhiệm đã đạt được. Có điều, chiến lược này có vẻ đang mang lại kết quả, đặc biệt là với vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, còn quá sớm để có thể nhận định kết cục nào đó rõ ràng cho mối quan hệ Mỹ-Triều, bởi vẫn còn đó Kim Jong-un. Cục diện bàn cờ đã thay đổi rất nhiều kể từ thời điểm hủy-kết nối lại đối thoại. Rất nhiều động thái được đưa ra, rất nhiều nhân vật được thay thế. Tương lai bán đảo Triều Tiên và tình hình ngoại giao khu vực sẽ phần nào được hé lộ, sau cuộc gặp trong một vài ngày tới.

HÀ KIÊN (dịch và tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ - Triều: Một cục diện khác