Hoàng Thùy Linh có thể tự tin trước tranh cãi “áo dài không quần” trong MV vì giới chuyên môn đã lên tiếng bênh vực cô. Song, sản phẩm của nữ ca sĩ cũng có những tiếc nuối khác.
Kẻ cắp gặp bà già là MV mới nhất của Hoàng Thùy Linh. Sản phẩm được ra mắt sau khi nữ ca sĩ đại thắng ở cả hai giải thưởng âm nhạc là Làn sóng xanh và Cống hiến.
Sau 2 ngày đăng tải, thành phẩm đạt hơn 3 triệu lượt xem với nhiều khen ngợi. Song, MV cũng gây ồn ào vì xuất hiện trang phục bị cho là giống “áo dài không quần”.
Tuy nhiên, cáo buộc này sớm lắng xuống sau khi chính giới chuyên môn, các nhà thiết kế áo dài khẳng định trang phục mà Hoàng Thùy Linh sử dụng trong MV không phải áo dài. Do đó, sự sáng tạo của nữ ca sĩ và cộng sự được chấp nhận.
Thực tế, một trang phục bị cho là giống “áo dài không quần” dù gây tranh cãi cũng chỉ là một chi tiết trong MV của giọng ca 8X. Tổng thể Kẻ cắp gặp bà già là sự đầu tư lớn về ý tưởng và chất liệu dân gian cho một sản phẩm âm nhạc đương đại.
Nhưng, việc cài cắm nhiều ý tứ trong một sản phẩm chỉ vỏn vẹn 4 phút rưỡi cũng dễ cho người xem cảm giác ôm đồm.
Hoàng Thùy Linh vào vai hoàng hậu trong MV |
Nỗ lực tìm tòi văn hóa dân gian
Kẻ cắp gặp bà già mở đầu bằng một hình ảnh tương đối đẹp: Hoàng Thùy Linh trong vai hoàng hậu với trang phục rực rỡ sắc màu, ngồi chống chân như một nữ hiệp khanh và nhẹ nâng tay nhận một miếng trầu.
Không phải trầu thường, đó là trầu têm cánh phượng, vốn là kết quả của nghệ thuật têm trầu tinh hoa bậc nhất miền Kinh Bắc xưa, gắn bó đặc biệt với loại hình dân ca quan họ.
Khi miếng trầu chuẩn bị được đưa vào miệng thì vị vua xuất hiện.
Hai người sau đó ngồi xuống và chơi một ván cờ Gánh, vốn là một trò chơi dân gian của Việt Nam, xuất xứ từ miền Trung. Tất nhiên, quân cờ gánh và đường kẻ đi đã được cách điệu tràn đầy màu sắc như trang phục của hai nhân vật.
Vòng đấu của vua và hoàng hậu diễn ra trên bàn cờ. Bên vua “tay quỳnh tay quế” hai hàng, trong khi hoàng hậu chỉ có 2 người hầu cận, hỗ trợ. Ván cờ nhìn tưởng thong dong những cũng không kém phần kịch tính.
Sự kịch tính ấy thể hiện trước hết ở nét trầm tư của hoàng hậu và người hậu cận hay sự đắc thắng, tự mãn trong gương mặt của vị vua trẻ.
Và để tăng thêm sự kịch tính, mỗi sự thắng thua của từng nước cờ lại được minh họa bằng những bức tranh dân gian, bao gồm cả tranh Hàng Trống và tranh Đông Hồ.
Qua đó, người xem có thể thấy cảnh Ngưu Lang Chức Nữ, mỗi năm chỉ gặp nhau một lần hay khoảnh khắc ngàn vàng Thuý Kiều gặp Kim Trọng, cùng với đó là hình ảnh mực thước uy nghi của Mẫu Thượng Ngàn cai quản miền núi rừng…
Có sự nguy nga, lỗng lẫy của quyền lực, có tình yêu nồng thắm, keo sơn, cũng có cả cảnh chia lìa, duyên tan. Từng nước cờ của vua và hoàng hậu lại ẩn chứa nhiều thông điệp về kiếp người, về số phận, về cả sắc hương bên ngoài lẫn nội tại bên trong.
Ê-kíp của Hoàng Thùy Linh không chỉ cho thấy những nỗ lực trong việc gửi gắm thông điệp về con người, về tình yêu, về quyền lực, về quan hệ xã hội.
Quan trọng hơn, đó còn là những tìm tòi đáng trân trọng về văn hóa dân gian, về đạo Mẫu, về văn học, sử sách và nghệ thuật dân gian hàng nghìn năm.
Bức tranh Bà Chúa Thượng Ngàn được tái hiện trong MV |
Có tất cả 5 bức tranh dân gian đã được tái hiện. Trong đó, hai bức tranh thể hiện thông điệp mang tính thời đại là Đám cưới chuột và Cá chép hóa rồng, một của Đông Hồ, một của Hàng Trống.
Bên thể hiện thông điệp về kẻ yếu và kẻ mạnh, bên truyền tải ý nghĩa của nỗ lực chuyển hóa, thăng hoa, cá chép qua vũ môn, ắt sẽ thành rồng.
Nếu không phải những người thực sự yêu tranh và tìm tòi nghiên cứu về hai dòng tranh dân gian này, rất khó có thể đặt để và bố trí hợp lý như vậy.
Một dòng tranh trên giấy điệp, một dòng tranh chỉ thuần trên giấy dó nhưng cả hai đều là những tích tụ của tinh hoa qua các thế hệ, đều thể hiện những kỳ công khuôn thước, nhiều lần lật, nhiều lần khuôn, nhiều lần phơi, nhiều thứ màu mới ra được một bức tranh.
Việc đưa tranh dân gian vào một sản phẩm MV tiền tỷ, việc tái hiện cảnh tranh thành cảnh thật của người cũng cho thấy những sáng tạo của ê-kíp.
Tuy nhiên, sản phẩm vẫn có những nuối tiếc.
Trang phục giống “áo dài không quần” vẫn là điểm trừ
Kẻ cặp gặp bà già chứa đựng 5 bức tranh và tổng thể MV cũng giống như một bức tranh khổng lồ trải dài với nhiều màu sắc. Tất cả các nhân vật đều có trang phục lộng lẫy, rực rỡ. Có trang phục được cho là giống thời Lê sơ, có cả những thiết kế tương đối hiện đại.
Song, do có nhiều nhân vật cùng xuất hiện trong một MV chuyển cảnh liên tục nên sự lòe loẹt của màu sắc cũng là khó tránh khỏi.
Thực ra, ngay trong tranh dân gian cách đặt từng lớp màu cũng rất tinh tế, phơi xong màu này khô nghệ nhân mới làm tiếp màu khác, để tránh sự lẫn lộn.
Nhưng, MV do Kawaii đạo diễn chưa thuyết phục hoàn toàn về phối màu. Một số màu trong MV của Hoàng Thùy Linh pha với nhau không hợp nên một số cảnh cho cảm giác hỗn độn.
Dù khi ê-kíp có thể cho rằng đó là những chủ ý, những sắp đặt đã được tính toán. Nhưng rõ ràng, khán giả cũng có quyền đưa ra chủ kiến của mình và cũng có quyền cho rằng ê-kíp đã quá tham lam trong việc bày vẽ quá nhiều loại màu sắc, quá nhiều đạo cụ, có đạo cụ không cần thiết và thậm chí không liên quan đến nhau.
Ngoài ra, trang phục bị cho là giống “áo dài không quần” hoặc bị cho là giống xường xám của Trung Quốc mà Hoàng Thùy Linh mặc cũng vẫn là một điểm trừ thấy rõ.
Trong toàn bộ MV, trang phục này bị nhận xét là tệ nhất, thậm chí là “thảm họa”. Trên mạng, có khán giả bình luận đó là trang phục không thể hiện được nguồn gốc, “không giống Tây, chẳng giống Tàu, lại càng khác Việt Nam”.
Có ý kiến cho rằng bộ trang phục vừa “quê mùa, lỗi mốt với kiểu ống tay bó chặt” nhưng lại cố tình tạo ra sự sexy, thời thượng khi không kèm quần.
Trang phục gây tranh cãi là điểm trừ của MV Kẻ cắp gặp bà già |
Nhìn chung, ngay cả khi được bênh vực là không phải áo dài, trang phục này vẫn là một sự mất điểm, là một tiếc nuối của Hoàng Thùy Linh trong sản phẩm đầu tư tiền tỷ và nhằm ôn vinh văn hóa dân gian.
Trên một trang phục không mấy ưa nhìn, việc in vào đó những bức tranh Hàng Trống cũng bị cho là không phù hợp. Ngay cả khi ê-kíp đã cố lựa ra những bức tranh không phải tranh thờ của tranh Hàng Trống thì sự phản cảm vẫn nằm trong cảm xúc của một số người xem.
Dù cũng có những tiếc nuối, song, không thể phủ nhận đường hướng rất riêng của Hoàng Thùy Linh trong âm nhạc, đặc biệt là album Hoàng và các sản phẩm MV gần đây.
Vốn không phải là ca khúc quá nổi bật trong album Hoàng nhưng Kẻ cắp gặp bà già khẳng định được sự đắt giá của hình ảnh và ý tưởng trong loại hình MV và cũng góp phần thể hiện màu sắc riêng biệt của giọng ca 8X trong đời sống nhạc Việt.
Theo Zing