Lùm xùm chuyện thu góp đầu năm học

06/10/2017 06:02

Đến hẹn lại... lo, trong tháng đầu của năm học mới, hầu hết các trường từ mầm non đến THPT đều triển khai việc thu góp kinh phí.



Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu Trường Tiểu học Hồng Đức (Ninh Giang)
trả lại tiền học hè cho phụ huynh do thu sai quy định


Bên cạnh những trường thực hiện nghiêm túc thì vẫn còn không ít nơi lợi dụng việc xã hội hóa (XHH) để thu quá đà, tạo dư luận không tốt và gánh nặng kinh tế cho phụ huynh học sinh.

Phụ huynh bức xúc

Những ngày cuối tháng 9, việc thu góp đầu năm học được nhiều phụ huynh của Trường Tiểu học Quang Trung (Kinh Môn) bàn tán sôi nổi. Cả Chi hội trưởng Hội Phụ huynh của nhiều lớp, những người xưa nay vốn được coi là "cánh tay nối dài" của nhà trường cũng phải lên tiếng phản đối việc nhà trường thu góp một số khoản không hợp lý. Theo một Chi hội trưởng Hội Phụ huynh của khối lớp 2 Trường Tiểu học Quang Trung (xin được giấu tên), do thiếu giáo viên, nhiều người phải dạy thừa tiết nên nhà trường sẽ thu 640.000 đồng/học sinh/năm để chi trả cho người dạy. Ngoài ra, trường thu tiền ăn bán trú 15.000đồng/học sinh/ngày quá cao so với thu nhập cũng như sinh hoạt thực tế của người dân. Việc thu tiền học kỹ năng sống, học tiếng Anh, mỗi môn 50.000 đồng/tuần cũng không phù hợp. Kỹ năng sống và tiếng Anh là những môn học tự chọn, nhà trường chưa thỏa thuận và được sự đồng ý của phụ huynh đã triển khai thu.

Anh N.L.T. có con đang học lớp 4 Trường Tiểu học Quang Trung cho biết: "Năm nào nhà trường cũng yêu cầu đóng tiền may đồng phục. Năm nay, con trai tôi phải nộp 450.000 đồng mua quần áo mới trong khi đồng phục của năm học trước cháu vẫn mặc được. Nhà trường làm như vậy vừa lãng phí, vừa làm tăng gánh nặng đóng góp cho phụ huynh".

Đầu tháng 9 vừa qua, một phụ huynh tên H. (37 tuổi) có con học lớp 1 tại Trường Tiểu học Ngọc Liên (Cẩm Giàng) đã đăng tải ý kiến thắc mắc về các khoản đóng góp đầu năm của trường trên trang Facebook cá nhân. Theo anh H. ngoài các khoản đóng cứng như học phí, tiền ăn bán trú, tiền mua sách giáo khoa, bảo hiểm y tế... gia đình phải đóng thêm các khoản khác với tổng số hơn 5 triệu đồng (!?)

Không "ăn" được thì trả

Ngày 18.9 vừa qua, chúng tôi nhận được phản ánh của một số phụ huynh Trường Mầm non Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) thắc mắc về khoản XHH của năm học 2016-2017 với số tiền hơn 130triệu đồng được dùng không đúng mục đích. Được biết, năm học 2016-2017, nhà trường phát động XHH để xây cầu bắc qua mương làm lối đi, do lối đi cũ sẽ không còn khi xây dãy phòng học mới. Tuy nhiên, sau đó do một số nguyên nhân nên cầu không được xây, tiền vẫn chưa được sử dụng. Trong cuộc họp phụ huynh vào ngày 10.9 vừa qua, nhà trường có thông báo xin dùng số tiền trên làm một số công trình phụ trợ, mua sắm mành che nắng, bảng biển cho các phòng học mới được xây dựng.



Không phải phụ huynh nào cũng mạnh dạn lên tiếng phản đối chuyện thu góp không đúng của nhà trường

Trao đổi với phóng viên Báo Hải Dương, bà Phan Thị Trinh, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Cẩm Vũ giải thích: "Từ năm học 2016-2017, địa phương đầu tư xây dựng cho trường dãy nhà 2 tầng, với 10 phòng. Theo thiết kế, dãy nhà nằm vào lối đi cũ. Do nhiều nguyên nhân nên đến đầu năm học 2017-2018 dãy nhà mới xây được 6 phòng học và không ảnh hưởng đến lối đi cũ nữa. Vì vậy, nhà trường mới xin ý kiến của phụ huynh cho chuyển đổi mục đích sử dụng. Nhưng phụ huynh không đồng ý nên nhà trường sẽ trả lại toàn bộ số tiền 130 triệu đồng".

Trong cuộc họp phụ huynh toàn trường vào cuối tháng8.2017, ngoài triển khai các khoản thu theo quy định, Trường Mầm non Tuấn Hưng (Kim Thành) còn đưa ra chủ trương XHH để lắp máy điều hòa nhiệt độ cho các phòng học, may đồng phục, thay mới một số đồ dùng cá nhân cho học sinh... Tuy mới chỉ đưa ra chủ trương, chưa có mức đóng góp cụ thể nhưng nhiều phụ huynh đã phản đối kịch liệt. Họ cho rằng điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn nên lắp điều hòa sẽ phải đóng góp nhiều; các cháu mầm non chưa biết giữ gìn vệ sinh, đôi khi còn chưa tự chủ được trong vệ sinh cá nhân nên việc may đồng phục không hợp lý... Ngay sau khi có ý kiến phản ánh từ phụ huynh, UBND xã Tuấn Hưng, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Kim Thành đã vào cuộc kiểm tra và yêu cầu nhà trường dừng việc thu góp nói trên.

Sau khi anh H. đăng tải bức xúc về khoản thu góp đầu năm học lên trang Facebook cá nhân, nhà trường đã mời anh này lên làm việc và đề nghị gỡ bỏ nội dung trên. Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Liên khẳng định: "Thông tin trên là không chính xác. Đến nay, nhà trường mới thu 2 triệu đồng/học sinh". Tuy nhiên, bà Lý cũng cho biết năm nay nhà trường đang có chủ trương XHH để xây mới, cải tạo, nâng cấp một số hạng mục như nhà vệ sinh (do trường có gần 1.000 học sinh mà chỉ có một khu vệ sinh chung), tôn cao một khoảng sân trường do thấp hơn mặt đường nên thường xuyên bị ngập... Mức tiền XHH sẽ do Ban đại diện cha mẹ học sinh thống nhất. Như vậy, mức đóng góp của học sinh Trường Tiểu học Ngọc Liên chắc chắn sẽ không dừng ở con số 2 triệu đồng khi chủ trương XHH này được triển khai.

Kiểm tra, giám sát

Từ đầu năm học đến nay, để giúp các nhà trường trên địa bàn tỉnh triển khai việc đóng góp đúng quy định và ngăn chặn tình trạng lạm thu, Sở GDĐT đã thành lập 2đoàn thanh tra, kiểm tra toàn bộ 12 Phòng GDĐT và hơn 100trường học các cấp. Qua đó đã phát hiện nhiều trường thực hiện không đúng; không phân biệt rõ khoản bắt buộc với khoản có thỏa thuận và tự nguyện, thậm chí đã thu cả tiền quỹ đội, khuyến học, học hè... Ông Phạm Hồng Quân, Chánh Thanh tra Sở GDĐT cho biết: "Đoàn yêu cầu các Phòng GDĐT đẩy mạnh công tác chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra công tác thu góp của các nhà trường. Những trường thu góp không đúng, đoàn đã yêu cầu trả lại như yêu cầu Trường Tiểu học Hồng Đức (Ninh Giang) trả lại tiền học hè cho phụ huynh. Nhiều trường thực hiện công tác XHH chưa đúng quy trình, đồng thời còn tiến hành thu cùng một lúc khiến nhiều gia đình gặp khó khăn".

Việc triển khai XHH là một chủ trương tích cực nhằm huy động sức dân đầu tư cho giáo dục, tạo điều kiện học tập tốt hơn cho con em địa phương. Nhưng việc thu góp tạo dư luận không tốt một phần do địa phương, nhà trường chưa tuyên truyền, giải thích rõ ràng; thực hiện thiếu công khai, dân chủ... dẫn đến việc phụ huynh không đồng thuận.

Đầu năm học thu góp tiền trường lớp là chuyện đương nhiên, nhưng để giải quyết nạn lạm thu đòi hỏi ngành giáo dục, các cấp chính quyền siết chặt quản lý và phụ huynh cần giám sát và lên tiếng kịp thời.

TRUNG TÂM

(0) Bình luận
Lùm xùm chuyện thu góp đầu năm học