Lúa bị ngập úng ở Liên Hồng, trách nhiệm thuộc về ai?

21/08/2019 06:32

Bão số 3 dù không gây mưa lớn nhưng khoảng 30 ha lúa của ông Tống Văn Ngăn ở thôn Đồng Lại, xã Liên Hồng (Gia Lộc) vẫn bị ngập úng.


Diện tích lúa của gia đình ông Ngăn bị thiệt hại do bão số 3

Báo Hải Dương nhận được phản ánh của ông Tống Văn Ngăn ở thôn Đồng Lại, xã Liên Hồng (Gia Lộc) về việc chính quyền xã chậm trễ trong việc nạo vét kênh mương làm cho diện tích lúa của gia đình ông bị ngập nặng, thiệt hại lớn.

Theo ông Ngăn, tháng 11.2018, ông thuê 54 ha đất 03 của hơn 250 hộ dân thôn Đồng Lại (do HTX Dịch vụ nông nghiệp thôn đứng ra làm đại diện cho thuê) để sản xuất. Gia đình ông đã đầu tư khoảng 1 tỷ đồng cải tạo ruộng, chuyển đổi khu đồng cỏ thành cánh đồng lúa tươi tốt. Cuối vụ lúa chiêm xuân vừa qua, khi thấy việc tiêu thoát nước ở khu đồng không tốt, ông đã đề nghị UBND xã quan tâm khơi thông dòng chảy, bảo đảm cho sản xuất thuận lợi song xã không triển khai thực hiện. Chính vì vậy, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 đầu tháng 8 vừa qua, dù mưa không lớn nhưng có khoảng 30 ha lúa của ông bị ngập, trong đó có hơn 3,7 ha lúa không thể phục hồi.

Sau khi thuê đất, ông Ngăn làm đơn đề nghị UBND xã được sử dụng diện tích trũng thấp làm nhà tạm chứa vật tư nông nghiệp, máy móc sản xuất và cam kết không làm ảnh hưởng tới khu vực xung quanh nhưng không được xã chấp thuận. Ông Ngăn bức xúc: “Tôi xin dựng lán tạm để phục vụ sản xuất chính đáng mà xã không tạo điều kiện. Trong khi một số hộ dân trong xã vẫn xây dựng trên đất 03. Như vậy là không công bằng với gia đình tôi”.

Về sự việc của gia đình ông Ngăn, ông Vũ Vinh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Liên Hồng cho biết ông đã trả lời tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp HĐND xã lần thứ 8. Vụ đông xuân vừa qua, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) huyện đã nạo vét kênh cấp I và hỗ trợ HTX làm kênh cấp II. Khi xảy ra ngập úng, ông Ngăn cho rằng cống tại kênh cấp II nhỏ, gây ách tắc dòng chảy. Về việc này, xã đã tham khảo ý kiến của Xí nghiệp KTCTTL huyện, dù cống không rộng nhưng vẫn bảo đảm tưới tiêu. Tuy nhiên, trước yêu cầu của ông Ngăn là bỏ cống cũ, xã đã huy động người thực hiện. Cơn bão số 3 gây mưa lớn, ông Tuấn đã đi kiểm tra sản xuất. Cánh đồng thôn Đồng Lại có 3 hộ thuê đất cấy lúa thì chỉ có diện tích lúa của nhà ông Ngăn bị ngập úng nặng. Nguyên nhân do ông Ngăn gieo cấy không đúng lịch thời vụ và kênh mương nội đồng không được nạo vét. Muốn tiêu úng thuận lợi phải có sự kết nối đồng bộ giữa các tuyến kênh. Nhà nước chỉ hỗ trợ thủy lợi phí đến các cống đầu kênh. "HTX đã chuyển đổi nên không có trách nhiệm phải nạo vét kênh mương nội đồng nếu không có thỏa thuận với hộ sản xuất. Nếu có nhu cầu, ông Ngăn có thể thuê HTX thực hiện phần việc này", ông Tuấn cho biết.

Đối với đề nghị của ông Ngăn được xây dựng lán tạm trên đất 03, xã cũng đã trả lời rõ ràng. Nguyện vọng của ông là xây nhà xưởng để vừa chứa vật tư, máy móc vừa đặt lò sấy thóc. Vấn đề này không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND xã. Nếu muốn thực hiện, ông Ngăn phải lập dự án và phải được UBND tỉnh phê duyệt. Về việc ông Ngăn lấy dẫn chứng có một số hộ trong xã cũng xây dựng trên đất nông nghiệp, UBND xã thừa nhận có những vi phạm này. Một số hộ lợi dụng việc chuyển đổi để xây dựng chuồng trại và làm nhà quá diện tích so với quy định của tỉnh. Hiện xã đang tập trung xử lý những trường hợp này. Ông Tuấn cho biết UBND xã sẽ bố trí một buổi làm việc riêng với ông Ngăn và đại diện HTX để giải thích cụ thể những quy định liên quan tới vấn đề mà ông Ngăn kiến nghị. "Căn cứ vào quy định hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, hộ ông Ngăn cũng không đủ điều kiện để nhận hỗ trợ. Nhưng xét thấy ông Ngăn là hộ tích tụ ruộng đất lớn, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của địa phương nên xã đã đề nghị cấp trên xem xét hỗ trợ", ông Tuấn cho biết thêm.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, một phần nguyên nhân dẫn đến diện tích lúa bị ngập và chết là do ông Ngăn gieo vãi muộn hơn khung thời vụ khoảng 15 ngày nên cây thấp. Như vậy, việc diện tích lúa của gia đình ông Ngăn bị ngập úng không thể quy hết trách nhiệm cho UBND xã Liên Hồng. Tuy vậy, UBND xã cần có định hướng sản xuất phù hợp, nhất là trong việc phòng chống úng để cùng người dân bảo vệ sản xuất trước ảnh hưởng của thiên tai.

DC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lúa bị ngập úng ở Liên Hồng, trách nhiệm thuộc về ai?