Cửa hàng sửa chữa xe của ông Bao lúc nào cũng có khách. Không chỉ có khách chữa xe mà một số người dừng chân nghe tin phòng chống dịch Covid-19, bệnh sốt xuất huyết.
Từ chùm loa gắn trên cột điện, tin tức thường xuyên phát đi. Ông chủ quán luôn tay làm việc, nhưng hễ thấy có ai tuổi ngang mình đến là gợi chuyện:
- Nghe loa phường tôi lại nhớ cái thời thị xã mình chống chiến tranh phá hoại bảo vệ cầu Phú Lương với đường 5. Cứ nghe loa báo động máy bay Mỹ đến là bộ đội, dân quân, tự vệ sẵn sàng chiến đấu, người già, trẻ em vào hầm trú ẩn. Còn bây giờ, những lúc phát thông tin chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của tỉnh, thành phố đến phường ai cũng chăm chú nghe để biết mà phòng tránh.
- Thời gian qua, dịch dã diễn biến phức tạp, tinh thần của dân ta có khác gì thời chống giặc - một ông khách vừa đẩy cái xe máy vào vừa nói.
- Ông tắt máy đi, để chúng tôi nghe đài - một bà dừng xe đạp giục.
Ông Bao nói nhỏ với ông xe máy:
- Có thời, một số người bảo loa phường là “lạc hậu”, là “tra tấn” vì các phương tiện nghe nhìn hiện đại chiếm chỗ. Nhưng từ mấy tháng nay, loa phường lại “lên ngôi” chống dịch như hồi kháng chiến. Với lại loa phường nói toàn những việc cần nhớ, cần làm, chứ không như mấy ông xem mạng xã hội rồi ra đây nghe đài phường, đài thành phố mới bảo “mạng xã hội có nhiều chuyện không tin được”…
- Đúng đấy! Đó là những tin tức không được kiểm chứng. Khối “anh hùng bàn phím” đã bị phạt vì bịa đặt đấy thôi…
Ông chữa xe nổ máy đi thì lại một cụ già đứng chờ dắt xe vào thế chỗ:
- Vừa xịt hơi, vừa tuột phanh, đi sợ lắm! Tôi nghe hai ông nói về loa phường rồi. Nhưng tôi nghĩ chẳng chỉ thời chiến mà thời bình hệ thống loa truyền thanh vẫn cần duy trì cho sản xuất và đời sống. Loa chỉ phát tin bài một nơi nhưng lan tỏa đến nhiều người biết những thông tin thiết thực, chứ có phải ai cũng có điều kiện đọc báo, bật điện thoại, xem ti vi đâu…
- Phải, phải… - ông Bao đã dò ra chỗ săm thủng, nối tiếp lời - Tôi ở đây nhiều năm nên “nghiện” nghe đài rồi. Mỗi thời đều có cái hay, cái tốt, nghe được là bổ ích lắm!
THẾ NGUYỄN