Giá vàng nhẫn trong nước liên tục sụt giảm theo giá thế giới khiến nhiều người mua vàng từ đầu tháng 8 đến nay đã lỗ hơn 3 triệu đồng/lượng.
Trong bối cảnh giá vàng thế giới giảm mất mốc 1.700 USD/ounce, rơi về vùng thấp nhất kể từ tháng 4.2020, diễn biến thị trường vàng trong nước cũng ghi nhận xu hướng tiêu cực, đặc biệt với mặt hàng vàng nhẫn.
Đầu tháng 8, vợ chồng anh Quốc Vương (28 tuổi, Hà Nội) đã dành hơn 200 triệu đồng tiền tiết kiệm để mua 4 lượng vàng nhẫn tại Bảo Tín Minh Châu, giá 53,31 triệu đồng/lượng.
Sau hơn một tháng, đến nay, giá vàng nhẫn tại doanh nghiệp này đã giảm về mức 51,03 triệu/lượng, thấp hơn 2,28 triệu đồng so với thời điểm vợ chồng anh Vương mua vào. Thậm chí, nếu tính theo giá bán lại cho Bảo Tín Minh Châu, hiện ở mức 50,28 triệu/lượng, khoản đầu tư của anh Vương đang lỗ hơn 3 triệu đồng trên mỗi lượng vàng.
“Ngay từ đầu tôi đã xác định không mua vàng miếng vì chênh lệch giá mua - bán trong nước so với thế giới quá cao. Tuy nhiên, không ngờ mặt hàng vàng nhẫn cũng chịu biến động mạnh trong thời gian ngắn như vậy”, anh Vương cho biết.
Thực tế, anh Vương không phải người duy nhất chịu thua lỗ khi đầu tư vào vàng cách đây một tháng, việc giá vàng trong nước giảm mạnh gần đây đã khiến hầu hết người mua vàng từ tháng 8.2020 đến nay đều chịu thua lỗ.
Toàn bộ nhà đầu tư mua vàng nhẫn trong nước từ đầu tháng 8 đến nay đã thua lỗ hơn 3 triệu đồng/lượng. Ảnh: Chí Hùng.
Trong phiên giao dịch đang diễn ra, giá vàng thế giới chủ yếu giao dịch ở vùng dưới 1.660 USD/ounce, giảm 0,3% so với phiên liền trước và thấp hơn 3,4% so với tuần gần nhất. Tính từ đỉnh gần nhất (2.050 USD) ghi nhận vào đầu tháng 3 năm nay, giá vàng thế giới giao ngay đã giảm liên tục gần 20%.
Với việc đánh mất mốc hỗ trợ quan trọng 1.700 USD/ounce cũng khiến kim quý thế giới giảm về vùng thấp nhất kể từ tháng 4/2020.
Diễn biến tiêu cực này đã tác động mạnh đến thị trường vàng trong nước gần đây, đặc biệt là vàng nhẫn.
Cụ thể, Công ty Vàng bạc Đá quý SJC hiện niêm yết giá vàng miếng ở mức 65,75 - 66,55 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 200.000 đồng so với cuối ngày hôm qua (15.9). Trong khi đó, giá vàng nhẫn 99,99 tại đây giảm tới 400.000 đồng, hiện mua vào ở mức 50,15 triệu/lượng và bán ra ở 51,05 triệu đồng.
Tính trong một tuần gần nhất, trong khi giá vàng miếng SJC giảm 450.000 đồng/lượng thì giá vàng nhẫn tại đây đã mất tới 1 triệu đồng. Còn tính từ đầu tháng 8, mức giảm của hai mặt hàng vàng tại SJC lần lượt là 1,25 triệu và 2,3 triệu đồng/lượng.
Xét trên biểu đồ giá vàng ngày, giá giao dịch hiện tại của vàng miếng SJC đang ở vùng thấp nhất kể từ tháng 8, trong khi giá vàng nhẫn 99,99 đã ở vùng thấp nhất kể từ tháng 8/2020.
Với chênh lệch giá mua - bán ở mức 900.000 đồng/lượng, toàn bộ người mua vàng nhẫn SJC kể từ tháng 8/2020 đến nay đều đang thua lỗ trên 1 triệu đồng/lượng.
Diễn biến tương tự cũng ghi nhận tại Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ). Trong đó, PNJ hiện niêm yết giá vàng miếng ở mức 65,7 - 66,5 triệu/lượng (mua vào - bán ra), thấp hơn 250.000 đồng so với cuối ngày qua và giảm nửa triệu đồng so với cuối tuần trước. Tính từ đầu tháng 8, giá vàng miếng do PNJ bán ra đã giảm 1,5 triệu/lượng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn do doanh nghiệp này chế tác đầu tháng 8 vẫn được giao dịch ở mức 52,4 - 53,5 triệu/lượng (mua vào - bán ra), đến nay đã giảm về 50,2 triệu/lượng (mua) và 51,2 triệu/lượng (bán).
Tại các doanh nghiệp vàng lớn khác như Tập đoàn DOJI; Công ty Bảo Tín Minh Châu; Tập đoàn Phú Quý; Vàng Mi Hồng… giá hai mặt hàng vàng miếng và vàng nhẫn đều đã sụt giảm mạnh trong hơn một tháng qua.
Trong đó, mức giảm phổ biến của vàng miếng vào khoảng 1,3 triệu/lượng, trong khi mức giảm của vàng nhẫn lên tới trên dưới 2,5 triệu đồng, tùy doanh nghiệp.
Cộng cả chênh lệch giá mua - bán các công ty đưa ra, toàn bộ nhà đầu tư mua vàng nhẫn trong nước từ đầu tháng 8 đến nay đều đang chịu khoản lỗ trên 3 triệu đồng/lượng.
Theo Zing