​Liên Triều: Thế cờ khó sau Tuyên bố Bàn Môn Điếm

03/05/2018 07:40

Thật khó có thể kỳ vọng quá nhiều vào tính khả thi hoàn toàn của Tuyên bố Bàn Môn Điếm, ít nhất là trong ngắn hạn. Và cái khó ở đây chính là về vấn đề hạt nhân.


Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm liệu có khả thi?! Ảnh: Reuters

Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm, kết quả của hội nghị thượng đỉnh liên Triều lịch sử diễn ra một tuần trước, đã được cả hai miền bán đảo Triều Tiên từng bước triển khai kể từ ngày đầu tiên của tháng 5, theo điều khoản ngừng tất cả các hành động thù địch bao gồm phát thanh và truyền đơn chống phá lẫn nhau dọc biên giới.

Đây có thể là “khoảng lặng trước cơn bão” khi những nguy cơ có thể gây căng thẳng đang được hạ nhiệt. Tuy nhiên, thật khó có thể kỳ vọng quá nhiều vào tính khả thi hoàn toàn của Tuyên bố Bàn Môn Điếm, ít nhất là trong ngắn hạn. Và cái khó ở đây chính là về vấn đề hạt nhân.

Phi hạt nhân hóa

Theo một số chuyên gia phân tích, hội nghị liên Triều lịch sử vừa qua không thể thay đổi quan điểm rằng “có rất ít cơ hội” cho vấn đề phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, thậm chí đến khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2021.

Trong bối cảnh Seoul và Bình Nhưỡng cùng ra tuyên bố chung, nhấn mạnh đến các hoạt động đối thoại và ngoại giao nhằm hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, điều không thể thay đổi chính là các toan tính lâu dài của chính quyền Bình Nhưỡng trong việc duy trì sự bảo đảm cho việc ổn định chính trị, chí ít là dựa trên “sự đe dọa hạt nhân”.

Câu hỏi đặt ra là định nghĩa phi hạt nhân hóa hoàn toàn là gì? Và quan điểm của Mỹ và Triều Tiên như thế nào? Trở lại thời điểm Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thăm không chính thức Bắc Kinh hồi cuối tháng 3, khi nói về vấn đề phi hạt nhân hóa, ông Kim không nói việc chấm dứt các hoạt động hạt nhân của nước này mà dùng cụm từ “phi hạt nhân hóa bán đảo (Triều Tiên)”. Giới quan sát cho rằng vấn đề phi hạt nhân hóa trong định nghĩa của Bình Nhưỡng là việc phi hạt nhân toàn bộ bán đảo, bao gồm cả Hàn Quốc. 

Một trong những vấn đề được Bình Nhưỡng ưu tiên đưa lên bàn đàm phán là sự hiện diện quân sự của Mỹ dọc biên giới hai miền bán đảo. Thời kỳ Chiến tranh lạnh, Washington từng triển khai vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc và đã rút toàn bộ vào năm 1992, song chính quyền Kim Jong-un cho rằng sự hiện diện quân sự Mỹ tại Nam vĩ tuyến 38 tiềm ẩn nguy cơ đe dọa hạt nhân tới quốc gia này. Do đó, Bình Nhưỡng cần dùng tới các chương trình phát triển hạt nhân nhằm cân bằng với sức mạnh quân sự từ liên minh Mỹ-Hàn.

Về phần mình, Nhà Trắng lại có một định nghĩa hoàn toàn khác về vấn đề phi hạt nhân Triều Tiên. Đó là CVID – viết tắt (tiếng Anh) của cụm từ hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Đây cũng là khái niệm Liên hợp quốc đưa ra trong các nghị quyết lên án chương trình hạt nhân Triều Tiên từ thời điểm tháng 10.2006. Theo đó, việc phi hạt nhân hóa của Triều Tiên phải được tiến hành một cách triệt để; được kiểm chứng dưới sự giám sát của các nhà quan sát độc lập, các hoạt động thanh sát có thể được tiến hành bởi một cơ quan quốc tế như Cơ quan Năng lượng nguyên tửquốc tế (IAEA) và không thể tái hoạt động sau khi đã giải trừ hạt nhân. 

Một số chuyên gia cho rằng mục đích thật sự của Bình Nhưỡng khi đàm phán về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân, có thể không chỉ liên quan đến sự hiện diện quân sự Mỹ tại Hàn Quốc mà nhằm tham gia vào một quá trình hướng tới một điều gì đó chưa rõ ràng. Có thể Kim Jong-un lo ngại về “sự kết thúc triều đại” khi từ bỏ vũ khí hạt nhân. Đó có thể sẽ là một kịch bản bi thảm. Do đó, bất kỳ một sự đàm phán nào về việc giải trừ vũ khí hạt nhân có vẻ như sẽ khó đem lại kết quả, bởi khi đó sẽ khó có thể bảo đảmcho chính Kim Jong-un cũng như chính quyền Bình Nhưỡng tồn tại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nghĩ về đối thoại Mỹ-Triều như một cơ hội nhằm “tước bỏ” sự răn đe từ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, trong khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tham dự hội nghị này với mục đích khiến Mỹ rút quân nhanh nhất có thể khỏi bán đảo hoặc tìm kiếm một điều gì đó lâu dài hơn. Có thể nhận thấy chỉ riêng vấn đề phi hạt nhân hóa, Bình Nhưỡng và Washington đã như hai đường thẳng song song, khó có thể trùng nhau.

Cường quốc bên lề

Trong bối cảnh đó, dường như Trung Quốc, Nhật Bản và Nga lại đang “phải đóng vai phụ”, chấp nhận quan sát từ phía ngoài bàn cờ. 


Liên Triều: một bàn cờ, 6 bên tham gia. Ảnh: Nautilus

Với Trung Quốc, mặc dù quốc gia này tìm kiếm sự ổn định khu vực, tránh xung đột có thể xảy ra, đồng thời lo ngại về dòng người tị nạn và bụi phóng xạ từ những vụ thử hạt nhân dưới lòng đất tại đông bắc Triều Tiên, song Bắc Kinh không cùng chung quan điểm với Nhà Trắng.


Theo giới chuyên gia, thông điệp nhất quán mà Bắc Kinh đưa ra là “không chiến tranh, không hỗn loạn và không vũ khí hạt nhân trên toàn bán đảo Triều Tiên”. 

Tuy nhiên, Bình Nhưỡng là một “đồng minh không dễ kiểm soát”. Bắc Kinh đã bị “bẽ mặt” khi thất bại trong cơ chế 6 bên: Trung-Nga-Mỹ-Nhật và liên Triều, cơ chế mà Bắc Kinh mong muốn. Tuy nhiên, mối quan hệ Trung-Triều thời gian ngắn vừa qua có nhiều dấu hiệu “ấm lên lạ thường”. Giới quan sát cho rằng đây không phải do yếu tố địa chính trị đặc thù, mà do chính quyền Tập Cận Bình lo ngại rằng Kim Jong-un sẽ “ngả về” Mỹ, đặc biệt là sau đối thoại Mỹ-Triều tới đây. Đó có thể là câu trả lời cho việc Bắc Kinh “trải thảm đỏ” mời Kim Jong-un thăm không chính thức hồi cuối tháng 3.

Với Nhật Bản, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Shinzo Abe hồi trung tuần tháng 4 vừa qua cho thấy sự lo ngại về “vị trí phụ” trong thế cờ liên Triều 6 bên phức tạp này. Năm ngoái, Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Donald Trump tỏ ra “đồng điệu” trong việc cùng tối đa hóa sức ép nhằm vào Bình Nhưỡng, song hiện tại, Tokyo nhận thấy bị Nhà Trắng bỏ lại phía sau khi Donald Trump đột ngột chuyển sang cơ chế đối thoại với Kim Jong-un.

Giới quan sát cho rằng Nhật Bản thực sự lo ngại về các mối đe dọa từ Triều Tiên, điều đó khiến Tokyo thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận phòng thủ tên lửa dân sự và tăng chi tiêu quốc phòng vào hệ thống Aegis – hệ thống phòng thủ tên lửa trên đất liền duy nhất có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo Triều Tiên. Trong quá khứ, Nhật Bản từng từ chối đàm phán về vấn đề sở hữu vũ khí hạt nhân hồi năm 2006, một số ý kiến cho rằng đây có thể là một sai lầm của Nhật Bản, bởi đó cũng là thời điểm Triều Tiên thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần đầu tiên.

Về phần mình, Nga đang thiếu đi sức mạnh kinh tế cần thiết để làm chủ cuộc chơi. Song, giống như Bắc Kinh, điện Kremlin cũng đang tham gia vào sự cạnh tranh chiến lược với Nhà Trắng. Liên Xô đã bảo đảm cho Nhà nước Triều Tiên từ thời kỳ đầu thành lập, tuy nhiên sau đó lại rời bỏ Bình Nhưỡng, tạo cơ hội để Bắc Kinh “xen vào can dự”. 

Thời điểm hiện tại, Moskva cũng như Bình Nhưỡng, đều đang hứng chịu sức ép từ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc. Điều mà Điện Kremlin cần làm lúc này là tăng cường các cơ chế hợp tác ngoại giao đa phương, toàn cầu. Sau cuộc họp với người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong-ho, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moskva chưa có kế hoạch cho đối thoại Nga-Triều, song Điện Kremlin hoan nghênh các cuộc đối thoại song phương và đa phương về vấn đề Triều Tiên sắp tới.

Mặc dù cả 4 cường quốc bên lề đều thể hiện thiện chí và sự hoan nghênh đối thoại liên Triều hay cơ chế đối thoại 3 bên Mỹ-Hàn-Triều theo tinh thần Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm, song đằng sau đó là những toan tính phức tạp. Nga và Trung Quốc, những đồng minh hiếm hoi của Triều Tiên có thể đang cảm thấy “nóng mặt” khi bị phớt lờ khỏi các cơ chế đối thoại. Điều này thậm chí dẫn tới kịch bản “phá ngang” từ các cường quốc liên quan. Trung Quốc rơi vào thế dự bị khi cơ chế 4 bên Mỹ-Trung-Hàn-Triều chỉ được nhắc đến sau cơ chế 3 bên Mỹ-Hàn-Triều. Riêng Nga và Nhật Bản hoàn toàn không nằm trong bất kỳ cơ chế đối thoại nào sau Tuyên bố chung hai miền. Việc phi hạt nhân hóa hay hòa bình trên bán đảo Triều Tiên có thể sẽ không được quyết định bởi chính các bên liên quan trực tiếp. Và đối thoại Mỹ-Triều sắp tới có thể sẽ là câu trả lời cho câu hỏi về vấn đề hạt nhân Triều Tiên cũng như tính khả thi của Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm.

HÀ KIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ​Liên Triều: Thế cờ khó sau Tuyên bố Bàn Môn Điếm