Trong lòng nhiều sinh viên, bác bảo vệ Trần Thúc Bảo đã "tốt nghiệp" với tấm bằng hạng xuất sắc bởi tình yêu thương, sự chu đáo, tận tụy mà không phải ai cũng có...
Ông Trần Thúc Bảo tại buổi “lễ tốt nghiệp” do sinh viên tổ chức cho mình
Ông Trần Thúc Bảo - nhân viên bảo vệ của ký túc xá Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh - vừa về hưu sau gần 20 năm gắn bó với công việc. Để chia tay người bảo vệ tận tụy này, sinh viên đã tổ chức một buổi tiệc "tốt nghiệp ký túc xá" cho ông.
Gọi là lễ tốt nghiệp vì ông đã "qua môn", một môn học mà sinh viên cho rằng cần rất nhiều trách nhiệm và yêu thương. Và trong lòng nhiều sinh viên, ông chắc chắn đã "tốt nghiệp với tấm bằng hạng xuất sắc".
Ông Bảo chia sẻ: "Bí quyết để sinh viên quý mình thì tôi chẳng có bí quyết gì đặc biệt, chỉ là xem sinh viên như con cháu mình. Tôi cho đi yêu thương chân thành nên điều nhận lại là sự yêu mến, quý trọng của sinh viên. Và tôi xem đó là gia tài không gì quý báu hơn".
Công việc chính của ông Bảo là giữ gìn trật tự an ninh. Nhưng những hành động quan tâm và gần gũi khiến ông trở thành "ông bố quốc dân" của biết bao thế hệ sinh viên tại đây. Nếu ai đã từng ở ký túc xá Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đủ lâu, chắc chắn sẽ không thể không biết đến người bảo vệ luôn cười hiền hậu với sinh viên ra vào cổng ký túc xá.
Nhiều sinh viên thường hay đi làm thêm về trễ, nếu gặp ca trực của ông thì luôn cảm thấy an tâm vì ông luôn thức để mở cổng và hỏi han, động viên. Đôi khi lời nhắc mang dù, mang áo mưa của ông cũng khiến sinh viên ấm lòng.
Ngày đóng tiền phòng, nhiều sinh viên chưa có tiền, ông lại cho mượn tiền hoặc đứng ra nói với trưởng nhà cho thêm vài ngày để xoay xở. Có đồ ăn ngon ông luôn gói ghém, dành phần và chia cho mỗi người một ít.
Hoa Nguyễn, sinh viên ở ký túc xá, chia sẻ: "Những ngày đầu ra vào ký túc xá mình thấy ấm áp bởi nụ cười hiền hậu của bác. Thỉnh thoảng có quà bánh gì bác cũng dành phần. Gói xôi, cục kẹo hay bánh trái chẳng đắt đỏ gì, cái đắt giá là sự quan tâm, chu đáo của bác mà có tiền người ta cũng chẳng mua được đâu".
Cuộc sống xa nhà không dễ gì có người cười hiền hậu với mình mỗi ngày, động viên an ủi, bảo ban ân cần... Có bác bảo vệ như ông Bảo, những sinh viên xa gia đình cảm thấy ấm lòng vì những quan tâm thấu đáo.
Theo Tuổi trẻ