Tại Hải Dương, từ ngày 5-8.12, Sở Giáo dục và Đào tạo đã lựa chọn 90 giáo viên lớp 2 và 160 giáo viên lớp 6 tham gia góp ý vào các bản mẫu sách giáo khoa do bộ cung cấp.
Thầy giáo Vũ Văn Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phan Bội Châu truy cập website các nhà xuất bản để góp ý vào bản mẫu môn toán sách giáo khoa lớp 6
Từ năm học 2021-2022, các cơ sở giáo dục sẽ bắt đầu dạy sách giáo khoa (SGK) lớp 2 và lớp 6 mới biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngành giáo dục và đào tạo (GDĐT) đã bắt đầu hành động để lọc “sạn” cho những bộ SGK này.
3 đợt lấy ý kiến
Thời gian qua, SGK lớp 1 mới biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là môn tiếng Việt trong bộ Cánh Diều đã làm "dậy sóng" trong cộng đồng, gây ra nhiều tranh cãi trên các diễn đàn vì những ngữ liệu chưa phù hợp. SGK lớp 1 sau đó đã phải lấy ý kiến rộng rãi trong giới chuyên gia, giáo viên, nhân dân để sửa và in lại.
Để không tiếp tục có những hạn chế trên khi đưa SGK lớp 2 và lớp 6 vào giảng dạy, Bộ GDĐT mới đây đã chỉ đạo Sở GDĐT các địa phương tổ chức cho giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục (gọi chung là môn học) tham gia góp ý các bản mẫu SGK 2 khối lớp này. Việc lấy ý kiến được chia làm 3 đợt. Đợt 1, Sở GDĐT mỗi địa phương chọn 10 giáo viên có kinh nghiệm/môn học để nghiên cứu, góp ý các bản mẫu SGK (định dạng PDF) qua website của các nhà xuất bản. Từ ngày 27.11-9.12, các giáo viên được cung cấp thông tin về tài khoản để đăng nhập website và góp ý cho các bản mẫu SGK. Ý kiến góp ý của các giáo viên đối với từng bản mẫu SGK được tổng hợp và gửi về Bộ GDĐT. Đợt 2, Sở GDĐT tổ chức cho giáo viên dạy lớp 2 và lớp 6 năm học 2021-2022 góp ý. Các trường nhận tài khoản do Sở GDĐT cấp và hướng dẫn cho toàn bộ giáo viên được phân công dạy lớp 2 và lớp 6 vào website của các nhà xuất bản để nghiên cứu, góp ý các bản mẫu SGK đã được các nhà xuất bản hoàn thiện sau góp ý đợt 1. Chỉ đạo các tổ chuyên môn đưa việc tìm hiểu nội dung các bản mẫu SGK vào các buổi sinh hoạt để nghiên cứu, góp ý và chuẩn bị việc đề xuất lựa chọn SGK, bắt đầu từ ngày 25.12. Đợt 3, các trường thông báo cho giáo viên, cán bộ quản lý tìm hiểu, góp ý các bản mẫu SGK đã được các nhà xuất bản hoàn thiện trước khi in và phát hành.
Theo tìm hiểu, Bộ GDĐT đã thẩm định 33 bản mẫu SGK lớp 2 và 43 bản mẫu SGK lớp 6 với đầy đủ các môn học của nhiều nhà xuất bản. Bộ sẽ gửi dần các bản mẫu SGK đã thẩm định để giáo viên nghiên cứu, góp ý chứ không gửi cùng lúc tất cả các bộ SGK nhằm tránh quá tải. Tại Hải Dương, từ ngày 5-8.12, Sở GDĐT đã lựa chọn 90 giáo viên lớp 2 và 160 giáo viên lớp 6 tham gia góp ý vào các bản mẫu SGK do Bộ GDĐT cung cấp.
Thầy giáo Vũ Văn Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phan Bội Châu (Tứ Kỳ) là một trong những người được Sở GDĐT phân công tham gia góp ý vào bản mẫu SGK toán lớp 6 của 2 bộ “Chân trời sáng tạo” và “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Thầy Tiến cho biết chưa có nhiều thời gian để nghiên cứu kỹ nhưng bước đầu ghi nhận so với SGK toán lớp 6 cũ, sách mới đa dạng hơn về nội dung nhưng vẫn phù hợp, không làm khó học sinh. “Bản mẫu SGK toán lớp 6 mới đã thực hiện đúng quan điểm đổi mới là học kiến thức gắn liền với thực tiễn. Các ví dụ đưa ra đều có hình ảnh minh họa với thực tiễn. Học sinh học xong kiến thức là có thể trải nghiệm và thực hành”.
Còn cô giáo Vũ Thị Quyên, giáo viên dạy ngữ văn lớp 6 Trường THCS Phú Thái (Kim Thành) cho rằng bản mẫu SGK môn ngữ văn lớp 6 của bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” được trình bày đẹp, sinh động, nội dung, ngữ liệu khá ổn. Mặc dù vậy, ngữ liệu trong một số bài học quá dài, cần cắt bớt. Hình ảnh minh họa trong một số bài học còn mờ. Sau mỗi bài học đòi hỏi học sinh phải thuyết minh, viết nghị luận là quá nặng. Chỉ nên yêu cầu học sinh đặt câu hỏi đơn giản hoặc bày tỏ ý kiến của mình về nội dung bài học thì phù hợp hơn.
Cần thêm thời gian
Việc tổ chức cho các giáo viên góp ý vào SGK mới một cách rộng rãi trước khi Hội đồng thẩm định công bố kết quả và Bộ trưởng GDĐT phê duyệt là điểm mới. Theo quy định cũ, chỉ các thành viên hội đồng thẩm định SGK mới được xem xét, góp ý bản thảo SGK. Một số nhà quản lý giáo dục và cha mẹ học sinh cho rằng ngoài các giáo viên thì Bộ GDĐT cần lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia và người dân nhằm tạo sự khách quan.
Một cán bộ thuộc Sở GDĐT cho rằng các bản mẫu SGK lớp 2 và lớp 6 nhiều nhưng thời gian để giáo viên được nghiên cứu theo hướng dẫn của bộ lại ít, gấp gáp. Những ngày qua, do gặp phải một số trục trặc nên không ít giáo viên chưa thể truy cập vào website của các nhà xuất bản để góp ý. Thời gian từ nay đến năm học 2021-2022 còn dài, Bộ GDĐT nên nới thêm thời gian để các giáo viên nghiên cứu, thảo luận, góp ý sẽ phù hợp hơn.
BÌNH MINH