Chị không đẹp, lại còn thấp. Ngay từ hồi học cấp 2, chị đã bị đám bạn cùng lớp gọi là “Hiên lùn”. Cái tên ấy còn theo chị đến tận bây giờ. Nhưng bù lại chị rất nhanh nhẹn, khéo thu vén.
Là kế toán trưởng một công ty của Nhật, thu nhập của chị đến vài chục triệu mỗi tháng. Năm chị bước vào tuổi 27 nhưng chưa có ai nhòm ngó đến, bố mẹ chị dẫu có sốt ruột cũng không đến mức quá lo lắng. Bởi chị có công việc tốt, lại tháo vát, khéo lo toan như thế thì lấy chồng có khó gì. Đúng như các cụ nghĩ, cuối năm ấy chị yêu anh rồi kết hôn chỉ qua vài tháng tìm hiểu.
Anh hiền lành, là nhân viên văn phòng của một cơ quan nhà nước. Chị nhanh nhẹn, tháo vát bao nhiêu thì nhìn anh thảnh thơi, nhàn hạ bấy nhiêu. Hàng xóm thường hay trêu đùa: Nhà này vợ chồng đúng là bù trừ, chả bao giờ xung khắc. Trong hai năm đầu kết hôn anh chị chưa một lần to tiếng. Hai bên bố mẹ cho anh chị ít vốn, cộng thêm chị có một khoản kha khá sau vài năm đi làm nên hai vợ chồng dồn vào mua được căn nhà nhỏ trong ngõ ở thành phố. Được ở riêng ngay sau đám cưới, cuộc sống của đôi vợ chồng son cứ thế trôi qua vui vẻ cho đến khi hai đứa trẻ lần lượt chào đời.
Công việc của chị vốn vất vả, có khi phải làm cả thứ bảy, chủ nhật, lại có hôm 8-9 giờ tối mới về. Việc chăm con nhỏ chị phải dựa cả vào mẹ chồng và thuê thêm một người giúp việc. Hai đứa nhỏ một đứa 2 tuổi, một đứa mới chập chững biết đi. Mẹ chồng chị đã ngoài 60 tuổi. Mấy năm nay vì trông cháu mà bệnh xương khớp của bà lại tái phát, thường kêu nhức mỏi tay chân. Bà đã nhiều lần “đánh tháo” muốn về quê, mặc kệ vợ chồng chị với hai đứa nhỏ. Nghĩ cũng khổ cho mẹ chồng nhưng xót con còn nhỏ không có người chăm sóc, thời gian đầu khi bà kêu ca chị tìm đủ mọi cách để nịnh bà. Kỳ nào bà kêu đau, chị lại mời bác sĩ đến châm cứu, rồi mua thuốc bổ về cho bà dùng. Nhưng gần đây, bà càng quyết tâm muốn về quê khiến chị quay ra buồn bực, loay hoay không biết làm thế nào. Vì thế mà hai mẹ con bằng mặt nhưng không bằng lòng. Bà nghĩ con dâu chỉ biết xót con mà không thương mình. Còn chị lại có ý trách bà không thương cháu, cháu còn nhỏ thế đã không muốn chăm chút.
Giận mẹ chồng, nghĩ đến chồng chị càng bực. Có hai đứa con rồi nhưng anh vẫn giữ nếp sống cũ. Trong khi chị bươn chải với việc nhà, việc công ty thì anh lại vô tâm, thảnh thơi như không. Công việc của anh vốn nhàn hạ, hết 8 tiếng làm việc là thôi. Nhưng về đến nhà anh chẳng giúp gì vợ, chỉ chăm chú vào ti vi, điện thoại.
Ngôi nhà 1 tầng vốn thoải mái với hai vợ chồng son thì nay có trẻ nhỏ, lại đến 4 người lớn nên quá chật chội. Chị bàn với anh lên một tầng nữa để cả nhà thoải mái. Nhiều lần bàn nhưng anh chỉ ậm ừ cho qua.
Công việc mệt mỏi, về nhà thấy chồng dửng dưng, chị đâm ra chán ghét anh. Chị nghĩ bao năm nay một mình chị phải lo chi phí cho cả nhà. Từ chuyện ăn uống, sinh hoạt đến tiền thuê người giúp việc, thuốc thang cho mẹ chồng hoàn toàn dùng tiền của chị. Anh vốn lương thấp nên ngay từ khi lấy nhau chị cũng không đòi hỏi anh phải đưa tiền cho vợ. Lâu thành quen đến khi có con anh cũng chưa một lần lo chuyện góp một đồng nào. Ngay chuyện sửa nhà anh cũng không dám quyết vì anh không có tiền. Mâu thuẫn cứ thế nảy sinh, chị ngày càng tỏ thái độ coi thường chồng.
Hôm ấy, chị đang làm thì mẹ chồng gọi điện. “Thằng nhỏ bị co giật, về ngay”. Chị vội vàng phóng xe về. Do đi quá nhanh mà chị tông vào người ta, ngã bất tỉnh. Lúc tỉnh lại, chị thấy chồng bên cạnh với vẻ lo lắng.
Anh kể: “Con sốt cao quá nên co giật, hiện đang ở khoa nhi bên cạnh, không sao rồi”. Chị thở phào.
Hai mẹ con chị nằm viện gần 1 tuần. Mẹ chồng chị chăm cháu, chồng chị chạy qua chạy lại giữa hai khoa. Xuất viện về nhà, chị thấy chồng chị đã thay đổi. Một tay anh lo chăm con, rồi làm cả việc nhà. Chị thấy vậy thì mừng lắm. Chị nghĩ chỉ cần anh quan tâm đến vợ con, còn chuyện anh có kiếm được nhiều tiền hay không không còn quan trọng nữa. Chị cũng bảo mẹ chồng ít hôm nữa khỏe hẳn bà cứ về quê nghỉ ngơi, con lớn cũng đến tuổi đi mẫu giáo, còn thằng nhỏ để người giúp việc lo, thi thoảng bà lên chơi với cháu.
Sau tai nạn ấy, cả nhà như tháo được gánh nặng bao lâu nay. Chị thầm nghĩ “trong cái rủi có cái may”.
NGUYÊN THẢO