Ngân hàng Nhà nước bơm ròng tiền trên thị trường mở trong tuần từ 21-25.11 sau khi lãi suất qua đêm tăng và không còn ở mức tiệm cận với lãi suất liên ngân hàng trên thị trường nước Mỹ.
Bơm hơn 29.400 tỷ đồng
Trong tuần từ ngày 21-25.11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm ra thị trường qua kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO) trong cả 5 phiên với tổng cộng 29.408 tỷ đồng. Tất cả có kỳ hạn 14 ngày, lãi suất đều ở 6%/năm. Trong khi đó, NHNN ghi nhận đáo hạn hơn 23.028 tỷ đồng số giấy tờ có giá trong 5 phiên từ 7-11.11, tất cả đều có kỳ hạn 14 ngày.
Như vậy, qua kênh OMO, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng gần 6.380 tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng.
Trong tuần từ 21-25.11, NHNN không phát hành tín phiếu, đồng nghĩa với không hút tiền từ hệ thống ngân hàng về.
NHNN cũng không ghi nhận tín phiếu đáo hạn trong 5 phiên từ 21-24.11.
Ngân hàng Nhà nước bơm tiền khi lãi suất liên ngân hàng lên cao và tỷ giá hạ nhiệt
NHNN bơm tiền ra hệ thống ngân hàng trong bối cảnh lãi suất qua đêm trên thị trường ngân hàng trong tuần 14-18.11 giảm về gần chạm lãi suất liên ngân hàng trên thị trường nước Mỹ. Hôm 15.11 lãi suất qua đêm về mức 4,2%.
NHNN bơm ròng tiền trong tuần 21-25.11 trong bối cảnh đồng USD trên thị trường thế giới có xu hướng hạ nhiệt nhanh chóng sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm 23.11 công bố biên bản họp kỳ trước với một nội dung quan trọng: phần lớn các thành viên đồng thuận cho rằng, việc giảm tốc độ tăng lãi suất sẽ phù hợp hơn.
Điều này đồng nghĩa với việc Fed sẽ áp dụng những bước tăng lãi suất ở mức thấp hơn trong các đợt tăng năm 2022 và 2023.
Trong tuần 21-25.11, chỉ số DXY giảm mạnh, có lúc xuống 105,6 điểm, thấp nhất trong vòng 3 tháng qua. So với đỉnh cao 115 điểm ghi nhận hồi cuối tháng 9, đồng USD đã giảm 8,1%.
Tại Việt Nam, đồng USD cũng hạ nhiệt. Tỷ giá trung tâm giảm từ mức trên 23.674 đồng/USD hôm 21.11 xuống 23.669 đồng/USD hôm 25.11.
Cùng lúc, NHNN hạ giá bán USD ở Hội sở NHNN từ mức 24.850 đồng/USD xuống 24.840 đồng/USD trong phiên cuối tuần 25.11.
Tỷ giá giảm, lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại
Trên hệ thống ngân hàng, giá USD cũng hạ nhiệt. Giá USD bán ra tại Vietcombank giảm từ mức 24.857 đồng/USD hồi đầu tuần xuống 24.840 đồng/USD hôm 25.11.
Tính từ đầu năm 2022 đến 25.11, giá bán USD tại Vietcombank tăng 8,38%. Giá USD tại Vietcombank tăng khoảng 3,6% so với VND trong tháng 10.
Giá USD trên thị trường tự do cũng giảm nhanh về ngưỡng 25.000 đồng/USD.
Áp lực tỷ giá giảm trên thị trường ngân hàng và cả thị trường chợ đen giúp NHNN có thêm dư địa và bơm thanh khoản cho thị trường.
Sau nhiều tuần hút ròng mạnh nhằm ổn định tỷ giá, NHNN đã có những đợt bơm ròng.
Việc bơm ròng góp phần giúp ổn định lãi suất qua đêm (chiếm 80-90% khối lượng giao dịch) sau khi lãi suất đã tăng liên tục trong 3 phiên đầu tuần, từ mức 5,87% hôm 21.11 lên 5,92% hôm 22.11 và 6,1% hôm 24.11, trước khi về 5,97% hôm 24.11.
Lãi suất qua đêm được kéo lên mỗi khi chạm về ngưỡng 4%/năm. (Biểu đồ: M. Hà)
Hiện tại khoảng cách giữa lãi suất liên ngân hàng đồng VND (khoảng 6%) và lãi suất liên ngân hàng đồng USD (khoảng hơn 4%) đã có độ rộng tương đối an toàn. Đây là động thái NHNN chuẩn bị cho cuộc họp của Fed vào tháng 12, với dự báo Fed sẽ tăng lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản.
Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 6-9 tháng trên thị trường tăng nhẹ, lên mức 8,5%-9,17%/năm.
Trước đó, NHNN hôm 25.10 tăng lãi suất điều hành lần thứ 2 trong năm, nâng lãi suất tái chiết khấu được tăng từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng được nâng từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm.
Trên hệ thống ngân hàng thương mại, lãi suất huy động lên khá cao, hầu hết ở mức 7,4-10%/năm cho mức kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên.
Theo Vietnamnet