Bước vào Bảo tàng Hải Dương, hiện vật đầu tiên thu hút sự chú ý của mọi người đó là chiếc máy bay chiến đấu sừng sững, oai nghiêm. Nhưng tại sao chiếc máy bay ở đó và "lý lịch" của nó thế nào thì ít người biết đến.
Chiếc MIG 21 được trưng bày tại Bảo tàng Hải Dương có ý nghĩa quan trọng trong tuyên truyền, giáo dục truyền thống anh dũng của quân và dân ta
Hiện vật quý
Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ giai đoạn từ 1966-1972, Hải Dương là nơi diễn ra nhiều trận đánh của các đơn vị bộ đội phòng không - không quân.
Những chiến công của bộ đội phòng không Tiểu đoàn 58, 75 (Hải Dương) và của dân quân các địa phương như Cẩm Điền (Cẩm Giàng), Hiệp Lực (Ninh Giang), Tiên Động (Tứ Kỳ), Cộng Hòa, Cổ Thành (Chí Linh), Kim Thành, Kinh Môn đã tô thắm thêm truyền thống đấu tranh anh dũng của quân và dân Hải Dương.
Vì thế, trưng bày một chiếc máy bay chiến đấu nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ là mong muốn lớn của những người làm công tác bảo tàng. Qua khảo sát thực tế, Bảo tàng Hải Dương biết tại sân bay Kép (Bắc Giang) thuộc Trung đoàn 927 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân còn lưu giữ một số loại máy bay MIG 21. Đây là loại vũ khí cấp 5 không còn hiệu quả sử dụng và đã từng tham gia chiến đấu trong thời kỳ 1966 - 1972 tại khu vực miền Bắc, trong đó có địa bàn tỉnh Hải Dương. Tại Hải Dương, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Nhật Chiêu (ở xã Quốc Tuấn, Nam Sách), là phi công từng lái nhiều loại máy bay chiến đấu, trong đó có MIG 21.
Năm 2017, để tuyên truyền, giáo dục lịch sử và làm phong phú hiện vật ngoài trời, Bảo tàng Hải Dương đã đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân chuyển giao chiếc máy bay nói trên về trưng bày.
Cuối năm 2017, chiếc máy bay được chuyển về lắp ráp và trưng bày tại Bảo tàng Hải Dương. Cùng với hàng loạt hiện vật ngoài trời khác như hệ thống mộ thuyền, ngôi nhà của trung nông, nhà của quý tộc... chiếc MIG 21 là một trong rất nhiều hiện vật đáng chú ý và có ý nghĩa, giá trị lớn. Bảo tàng Hải Dương được đánh giá là số ít bảo tàng có hệ thống hiện vật trưng bày ngoài trời mang giá trị lớn và phong phú.
Một thời làm chủ bầu trời
Chiếc MIG 21 tại Bảo tàng Hải Dương mang số hiệu 5267, dài 14,09 m, sải cánh dài 7,3 m. Cùng với MIG 15 và MIG 17, MIG 21 từng được Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Nhật Chiêu điều khiển, lập nhiều chiến công lớn trên bầu trời miền Bắc. Máy bay MIG 21 từng được Quân đội nhân dân Việt Nam sử dụng trong chiến tranh chống Mỹ thời kỳ 1966 -1972.
Chiếc máy bay số hiệu 5267 tại Bảo tàng Hải Dương hiện nay được Cục Thiết kế Mikoyan Gureich (Liên bang Xô Viết) sản xuất vào năm 1980. Bắt đầu sử dụng từ tháng 5.1980, chiếc MIG 21 này phục vụ các cuộc diễn tập bảo vệ an ninh vùng trời Tổ quốc trong thời bình. Chiếc máy bay có số giờ sử dụng 511 giờ 28, một động cơ phản lực, loại cánh tam giác, có trọng lượng cất cánh tối đa 10.800 kg, hạ cánh 6.800 kg.
Theo Bảo tàng Hải Dương, thiếu tá Nguyễn Ngọc Thanh, Chủ nhiệm Kỹ thuật, Trung đoàn 927, Sư đoàn 371 từng thông tin, đây là loại tiêm kích phản lực đánh chặn, có tốc độ tối đa 2.050 km/giờ, trần bay cao 17.500 m, tầm bay xa 1.800 km, bán kính hoạt động từ 370 - 740 km, thời gian bay 2 giờ 15 phút, trọng lượng vũ khí mang theo tối đa 2.000 kg, trang bị pháo cỡ nòng 23 mm. Số lượng sản xuất trên toàn thế giới lên tới 10.158 chiếc. Có hơn 50 quốc gia sử dụng loại máy bay này, hiện nay còn một số nước vẫn đang sử dụng như Sirya, Ấn Độ...
MIG 21 đạt một số kỷ lục như máy bay phản lực được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử hàng không, là máy bay được sản xuất nhiều nhất sau thế chiến thứ hai, là máy bay có thời gian sử dụng lâu nhất… Máy bay MIG 21 hiệu quả, chi phí thấp, dễ sử dụng và dễ bảo dưỡng. Đây chính là ưu điểm đã biến nó trở thành chiến đấu cơ chiếm ưu thế trên không tuyệt vời nhất thế kỷ XX. Đây cũng là biểu tượng của ngành công nghiệp chế tạo máy bay của Liên Xô giai đoạn đầu Chiến tranh Lạnh.
Qua nhiều năm hoạt động đã có rất nhiều phiên bản MIG 21 ra đời. Phiên bản chính thống hiện đại nhất của MIG 21 được cho là MIG 21F, trang bị 2 khẩu pháo 30 mm và có khả năng mang theo pháo phản lực không dẫn đường và sử dụng động cơ R-11F-300. Kể từ khi ra đời tới nay, gần như MIG 21 đã xuất hiện trong mọi cuộc chiến tranh trên thế giới. Dù không còn ở thời kỳ đỉnh cao, song một loại chiến đấu cơ từng tham chiến trên bầu trời Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước hiện diện tại Bảo tàng Hải Dương là một nguồn tư liệu quý. Chiếc MIG 21 bề ngoài còn nguyên vẹn, thể hiện được uy lực của một chiếc máy bay chiến đấu từng làm chủ bầu trời. Đây là một hiện vật quý, làm giàu thêm truyền thống đấu tranh anh hùng của quân và dân Hải Dương.
TIẾN HUY