"Ba đảm đang" là một phong trào lớn của phụ nữ toàn quốc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trong kháng chiến chống Mỹ, phụ nữ Hải Dương vừa hăng hái sản xuất, vừa sẵn sàng tham gia chiến đấu. Ảnh tư liệu
Những người phụ nữ tham gia phong trào năm xưa nay đều đã lớn tuổi, nhưng ký ức của họ về một thời thanh xuân sôi nổi vẫn còn vẹn nguyên.
Như làn gió mới
Năm 1964, đế quốc Mỹ điên cuồng mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã thảo luận kỹ và đề xuất với Trung ương Đảng tổ chức cuộc vận động Phụ nữ “3 đảm nhiệm” với nội dung: đảm nhiệm sản xuất, công tác, thay thế cho nam giới đi chiến đấu; đảm nhiệm gia đình, khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu; đảm nhiệm phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết. Ngày 22.3.1965, Ban Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ban hành Chỉ thị số 03 phát động phong trào phụ nữ “Ba đảm nhiệm”.
Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm chỉ đạo phong trào này. Sau khi Chỉ thị 03 ban hành, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam sửa tên “Ba đảm nhiệm” thành “Ba đảm đang”.
"Phong trào "Ba đảm đang" khi ấy như làn gió mới thúc đẩy thi đua lao động, sản xuất, bảo vệ quê hương trong giới nữ. Hải Dương là một trong những điểm sáng của toàn quốc thực hiện phong trào này", bà Vũ Thị Yến, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Hội Phụ nữ tỉnh giai đoạn 1966 - 1975 cho biết. Ngay sau khi triển khai, phong trào nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của đông đảo hội viên. Nhiều nơi có cách làm sáng tạo, hiệu quả. Phong trào học bổ túc văn hóa "Ba đảm đang" của phụ nữ xã Kim Đính (Kim Thành) được xem là nét sáng tạo hưởng ứng phong trào lớn "Ba đảm đang". Các chị vận động nhau đi học văn hóa để có thể làm thay nam giới tất cả mọi công việc ở địa phương. Xã Đồng Lạc (Nam Sách) được mệnh danh là xã "Ba đảm đang" bởi có đội ngũ cán bộ chủ chốt từ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã, Xã đội trưởng, Chủ nhiệm HTX đều là nữ. Các chị đã lãnh đạo nhân dân làm tốt nhiệm vụ từ phát triển sản xuất đến chiến đấu bảo vệ quê hương.
Chị em ở khắp nơi cũng hưởng ứng phong trào theo cách riêng của mình. Phụ nữ nông thôn tăng gia sản xuất, tích cực áp dụng các biện pháp khoa học để tăng diện tích và sản lượng lúa, chăn nuôi theo kỹ thuật mới... Phong trào "Ba đảm đang" đã góp phần đưa năng suất lúa của tỉnh ta ngày càng cao. Chị em khối công nhân viên chức cũng thực hiện nhiều phong trào thi đua sôi nổi như "Ngày thứ bảy năng suất cao", "Luyện tay nghề thi thợ giỏi". Nhiều sáng kiến có giá trị của chị em được ứng dụng trong sản xuất... Các chị em còn là lực lượng nòng cốt trong các đội dân quân tự vệ, tham gia bảo vệ kho tàng, hàng hóa, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Chị em còn tham gia khắc phục hậu quả sau mỗi lần địch bắn phá như san lấp hố bom, dọn đường cho xe đi, giữ mạch giao thông. Ở nhiều trận địa, chị em trực tiếp cầm súng chiến đấu, bắn rơi máy bay, bắt giặc lái..."Có rất nhiều chị em gan dạ, can trường chiến đấu với kẻ địch, không lùi bước để bảo vệ quê hương. Nhiều chị đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Tất thảy khó khăn đều không thể làm giảm ý chí của những người phụ nữ tỉnh Đông anh hùng. Họ vẫn hăng hái, vẫn đi đầu trên mọi mặt trận, cùng chị em toàn miền Bắc chia lửa với miền Nam ruột thịt", bà Yến nhớ lại.
Gạt bỏ niềm riêng
Dù tuổi đã cao nhưng bà Vũ Thị Yến, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo (Hội Phụ nữ tỉnh) vẫn nhớ về phong trào lớn của phụ nữ
Ngay từ năm 1965, hưởng ứng phong trào "Ba đảm đang" chống Mỹ, cứu nước, các bà, các chị hăng hái động viên chồng, con, anh em lên đường nhập ngũ, tái ngũ, đi thanh niên xung phong, công nhân quốc phòng, công nhân hỏa tuyến... Tha thiết với hạnh phúc gia đình, nhưng để giành được độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, hàng nghìn phụ nữ đã gác lại tình riêng vì nghĩa lớn. Các bà, các chị đều hiểu rằng nơi trận mạc lành ít, dữ nhiều nhưng vẫn động viên, khuyến khích chồng, con, người thân ra trận. Nhiều người tiễn chồng con, rồi lại tiễn cháu tiếp bước lên đường. Cụ Nguyễn Thị Tập ở thôn Du Kỳ, xã Cẩm Chế (Thanh Hà) có 7 người con trai, 2 người con gái. Mặc dù 2 con trai đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, nhưng cụ vẫn động viên cả 5 con trai và 2 con rể đi bộ đội chống Mỹ. Hàng trăm bà mẹ chỉ có một người con trai duy nhất vẫn động viên con lên đường cứu nước. Mẹ Nguyễn Thị Giỗ ở xã Tráng Liệt (Bình Giang) là người theo đạo Công giáo, chỉ có một con trai duy nhất nhưng đã làm 14 lá đơn tình nguyện cho con đi bộ đội...
Nhớ lại những ngày đầu phát động phong trào "Ba đảm đang", bà Yến cho biết: "Khi nghe tin địch càn quét trong miền Nam, chúng bắn giết cả người dân vô tội, không ít người mẹ, người vợ sôi sục ý chí căm thù. Toàn tỉnh khi đó đã có hơn 28.400 người mẹ, người vợ đăng ký cho chồng con nhập ngũ, tái ngũ và phục vụ lâu dài trong quân đội. Chắc cũng chỉ có phụ nữ Việt Nam mới sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc như thế".
Để chị em cùng hoàn cảnh dễ thông cảm và động viên nhau, các cấp Hội Phụ nữ đã thành lập các Tổ “trung hiếu, đảm đang" thu hút hàng nghìn vợ bộ đội tham gia sinh hoạt. Họ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, nuôi dạy con cái. Nhiều chị em phấn đấu tốt, giữ chức vụ chủ chốt từ xã đến huyện, tỉnh. Điển hình như chị Đồng Thị Bẩy ở xã Kim Đính (Kim Thành), năm1965 đã thay chồng làm Chủ nhiệm HTX Tín dụng của xã để chồng tái ngũ. Một mình ở nhà nuôi 4 con nhỏ nên người, bản thân chị phấn đấu trở thành Hội phó Hội Phụ nữ huyện. Hay chị Nguyễn Thị Quế ở xã Hoàng Tân (Chí Linh), chồng đi bộ đội, ở nhà còn mẹ chồng và 2 con nhỏ. Trong phong trào "Ba đảm đang", chị Quế đã phấn đấu từ Ủy viên Ban Chấp hành phụ nữ xã, chuyển sang làm Chủ nhiệm HTX Đại Thắng (1968-1969). Chị đã lãnh đạo HTX từ yếu kém đi lên và chi bộ đạt "4 tốt". Năm 1970, chị Quế được giao làm Chủ tịch UBND xã. Cùng năm này, chị nhận được giấy báo tử của chồng. Nén đau thương, chị Quế vẫn vững vàng công tác và đến năm 1973, chị được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy xã.
Phong trào “Ba đảm đang" trở thành một mốc son đẹp của phụ nữ cả nước nói chung và phụ nữ Hải Dương nói riêng. Qua phong trào này thêm một lần nữa khẳng định những người phụ nữ Việt Nam xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã dành cho họ: "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang".
TÂM PHÚC