Nếu bạn có một mối làm ăn đang sinh lời cực tốt, và bạn không trong cảnh bị vỡ nợ, không bị ngân hàng hay lực lượng đòi nợ thuê siết nợ, bạn có bán không?
Cuối tháng 9.2018, doanh thu của Man United trong mùa giải 2017/18 được công bố là 776 triệu bảng USD. Đó là thông tin được hãng thông tấn BBC xác nhận và công bố. Mức doanh thu tăng 1,5% so với mùa giải trước đó, đem lại mức lợi nhuận ròng 58 triệu USD.
Trước đó 3 tháng, tạp chí kinh tế Forbes tuyên bố giá trị của CLB Man United là 4,2 tỉ USD, tăng 12% so với năm 2017. Nên nhớ rằng, giá trị của nhà đương kim vô địch UEFA Champions League Real Madrid cũng chỉ là 4,08 tỉ USD mà thôi. Nếu so sánh với với nhà đương kim vô địch Premier League Man City, thì Man United vượt xa khi đối thủ chỉ được định giá 2,47 tỉ USD.
Cái gì mà đụng vào Man United cũng sinh lời nhanh và đậm. Ví dụ, ở tiền chia bản quyền truyền hình, bất chấp việc bị loại ở vòng 1/8 UEFA Champions League 2017/18, nhưng Man United vẫn kiếm được 268 triệu USD. Đấy là con số đáng thèm khát của vô số những đội bóng cùng đẳng cấp.
Nhà Glazer sống sung sướng nhờ nguồn lợi dồi dào từ Man United
Chưa kể đến vô vàn những hợp đồng quảng cáo sản phẩm, tài trợ trang phục thi đấu với các đối tác giàu có như adidas, Chevrolet… Mỗi đối tác đều đóng góp hàng trăm triệu USD vào hầu bao của đội bóng này. Rồi còn rất nhiều những sản phẩm, dịch vụ mà Man United tự kinh doanh nhắm vào kênh tiêu thụ cuối cùng là giới CĐV…
Có nghĩa là, Man United vẫn vận hành cỗ máy in tiền của mình cực kỳ ổn định, bảo đảm vững chắc danh hiệu CLB giàu nhất nước Anh, CLB bóng đá kiếm tiền tốt nhất thế giới. Và quan trọng hơn cả, nó tận tụy cung cấp nguồn thu nhập béo bở, sạch sẽ và danh giá cho gia đình nhà Glazer.
Khi ông bố Malcom Glazer quyết định thâu tóm Man United, vị doanh nhân người Mỹ này đã phân tích và nắm rất rõ khả năng sinh lời của mục tiêu đầu tư. Chính vì thế, dù chỉ mua Man United bằng tiền của người khác, thông qua các khoản vay ngân hàng, ông Malcom vẫn rất ung dung và tự tin.
Những sản phẩm gắn với thương hiệu M.U có sức hút khó cưỡng
Chẳng bao lâu sau khi đổi chủ, Man United đã gánh món nợ mà ông chủ mới đã đi vay để mua nó. Nhưng không vấn đề gì, chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm, BLĐ của đội bóng đã tuyên bố sạch nợ. Kể từ đó, cứ mỗi giây trôi qua, chú bò sữa Man United lại đều đặn dâng lên ông chủ một vốc đô la. Buôn bán gì cho bằng?
Đến nay, những người con nhà Glazer vẫn đang vận hành và khai thác rất tốt mỏ tiền ở TP Manchester. Tình hình kinh doanh ngày một rực rỡ, bất chấp thành tích thi đấu và vị thế trên sân cỏ của nó đã tụt dài trên đường dốc, kể từ Sir Alex Ferguson giải nghệ.
Những con số kiểm toán tài chính không hề biết nói dối. Không ai có thể nghi ngờ Man United đang gặp vấn đề trong kinh doanh. Thế nên, lý do khiến nhà Glazer bán Man United cho vị Thái tử nước Saudi Arabia để chốt lãi là không có cơ sở, bất chấp vị đại gia kia sẵn sàng chi đậm.
Man United luôn kiếm tiền từ rất nhiều nguồn dồi dào khác
Gia đình nhà Glazer cũng chẳng gặp phải trường hợp bị vỡ nợ do mang tiền của Man United đi đầu tư chứng khoán, bất động sản, đào bitcoin… để rồi khi bong bóng vỡ thì ôm họa như rất nhiều tổng công ty, hay tập đoàn kinh tế ở Việt Nam, đến nỗi bị ngân hàng phát mại và tuyên bố phá sản.
Và họ cũng chẳng lâm cảnh bị đám tín dụng đen sai cánh thanh niên xăm trổ, chân tay cụt què đến siết nợ theo kiểu khủng bố tinh thần mà phải bán gấp Man United bằng mọi giá. Còn lý do anh em không hòa thuận, gia đình lục đục nên muốn bán để chia nhau tài sản cũng không có cơ sở nào để suy đoán.
Vẫn biết người Mỹ vốn không yêu bóng đá như người Anh hay người Việt Nam, nhưng về đầu óc làm ăn thì họ là trùm của thế giới. Vậy tại sao họ phải bán một Man United đang sinh sôi lợi nhuận ở thời kỳ sung mãn nhất? Đó chỉ là sản phẩm của giới truyền thông Anh giỏi tưởng tượng mà thôi!
Theo Bongdaplus