Giáo dục

Hưởng phụ cấp ưu đãi cao hơn ngành nghề khác, đời sống giáo viên vẫn khó khăn

Theo Vietnamnet 10/10/2023 10:05

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo các đại biểu Quốc hội về việc khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên; tiền lương và phụ cấp đối với giáo viên mầm non, tiểu học.

cotram.jpg
Tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các địa phương là vấn đề mang tính khách quan

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 thuộc lĩnh vực Nội vụ.

Một trong những nội dung đáng chú ý được Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà báo cáo với các đại biểu Quốc hội là việc khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên tại các cấp học do tăng quy mô học sinh, triển khai các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Địa phương chưa được giao đủ định mức được ký hợp đồng với giáo viên

Bộ trưởng Nội vụ cho biết, Quyết định số 72/2022 của Bộ Chính trị về biên chế các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương có nêu rõ việc bổ sung biên chế giáo viên công lập năm 2022-2023 cho từng địa phương.

Để việc thực hiện giao bổ sung kịp thời biên chế giáo viên cho năm học 2022-2023 và đảm bảo đúng các quy định của Đảng và của pháp luật về quản lý biên chế, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ quán triệt, hướng dẫn các địa phương quản lý, sử dụng hiệu quả số biên chế giáo viên được giao; tuyển dụng giáo viên trong chỉ tiêu biên chế theo đúng quy định, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, vị trí việc làm, cơ cấu môn học theo từng bậc học.

Đồng thời, các địa phương tổ chức lại các cơ sở giáo dục gắn với nâng cao chất lượng giáo dục; rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô lớp học; thu gọn lại các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương.

Cùng với đó là nâng cao mức độ tự chủ tài chính của sơ sở giáo dục công lập, đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực sự nghiệp giáo dục, nhất là xã hội hóa đối với bậc học mầm non và tiểu học để giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước; thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ viên chức.

Theo Bộ trưởng Nội vụ, tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các địa phương là vấn đề mang tính khách quan trong điều kiện sắp xếp, cơ cấu lại trường, lớp, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, hoàn thiện về tiêu chuẩn đội ngũ giáo viên, đặc biệt đối với một số địa bàn có sự gia tăng dân số cơ học, tập trung phát triển nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị.

Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã kịp thời báo cáo Bộ Chính trị để bổ sung 65.980 biên chế giáo viên, trong đó, đối với năm học 2022-2023 đã bổ sung 27.850 biên chế giáo viên. Đối với năm học 2023-2024, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ GD-ĐT rà soát nhu cầu thừa, thiếu giáo viên đối với từng bậc học để bổ sung cho các địa phương.

Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2022, trong đó có quy định các địa phương chưa được giao đủ định mức thì sẽ được ký hợp đồng đối với giáo viên theo quy định, bảo đảm kịp thời bố trí đủ nguồn nhân lực trong các cơ sở giáo dục công lập.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ đã hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án tạo nguồn bổ sung giáo viên các cấp học, nhất là tăng cường đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, giáo viên dạy các môn học thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đời sống của giáo viên mầm non, tiểu học vẫn còn nhiều khó khăn

Thủ tướng đã giao Bộ Nội vụ quán triệt, hướng dẫn các địa phương tiếp tục hợp đồng thỉnh giảng đối với những giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định; nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền cơ chế, chính sách để thu hút sinh viên sư phạm ra trường trở về địa phương giảng dạy; thu hút sinh viên giỏi tốt nghiệp chuyên ngành đào tạo giáo viên hoặc sinh viên giỏi tốt nghiệp các ngành khác có nguyện vọng dự tuyển vào làm giáo viên…

Các địa phương chủ động rà soát số giáo viên được đào tạo ra trường chưa đạt trình độ chuẩn để có kế hoạch đào tạo để đạt trình độ chuẩn theo quy định; nghiên cứu, dự báo quy mô dân số trong độ tuổi đi học của từng cấp, bậc học tại địa phương, chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nhân lực, bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho lộ trình bổ sung biên chế giai đoạn 2026-2030.

Về tiền lương và phụ cấp đối với giáo viên mầm non, tiểu học, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, giáo viên mầm non, tiểu học được hưởng lương và các chế độ phụ cấp lương theo địa bàn hoặc theo công việc đảm nhiệm như đối với viên chức nói chung.

Ngoài ra, họ còn được hưởng các chế độ ưu đãi như: Phụ cấp ưu đãi nhà giáo; phụ cấp thâm niên nghề (dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội).

Đối với nhà giáo công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn còn được hưởng: Phụ cấp thu hút; phụ cấp ưu đãi theo nghề (70%); phụ cấp công tác lâu năm ở vùng đặc biệt khó khăn; trợ cấp (lần đầu; tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch; một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn hoặc khi nghỉ hưu; thanh toán tiền tàu xe; trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ); phụ cấp lưu động; phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đánh giá, mặc dù được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi, đặc thù để có tổng thu nhập (tiền lương và phụ cấp) cao hơn so với ngành, nghề khác nhưng đời sống của giáo viên mầm non, tiểu học vẫn còn nhiều khó khăn.

Vì vậy, Thủ tướng đã giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đề xuất xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.

Hiện, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.

Theo Vietnamnet
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hưởng phụ cấp ưu đãi cao hơn ngành nghề khác, đời sống giáo viên vẫn khó khăn