HTX dạy nghề cho người khuyết tật gặp khó

22/10/2022 18:10

Hiện nay, hầu hết các HTX dạy nghề cho người khuyết tật trong tỉnh đều thiếu kinh phí để duy trì và mở rộng sản xuất, nhiều đơn vị đã phải dừng hoạt động hoặc giải thể. 


Doanh thu của HTX Phụ nữ khuyết tật Bình Giang hằng năm rất thấp, chỉ đủ trả lương cho người khuyết tật

Do khó khăn về vốn nên nhiều HTX dạy nghề cho người khuyết tật trong tỉnh đang phải chật vật duy trì sản xuất.

Từ cơ sở sản xuất nhỏ, năm 2020, bà Vũ Thị Quê ở xã Bình Minh (Bình Giang) đã đứng lên thành lập HTX Phụ nữ khuyết tật Bình Giang. Dù đã đi vào hoạt động hơn 2 năm nhưng HTX vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Hiện các thành viên của HTX chủ yếu là người khuyết tật nên bộ máy tổ chức khó kiện toàn. Một mình bà Quê đảm nhiệm hầu hết các công việc chính. Đặc biệt, do khó khăn về vốn nên HTX vẫn chưa thể mở rộng được quy mô sản xuất. Nhiều năm qua, nơi làm việc và dạy nghề của HTX vẫn chỉ là căn nhà cấp 4, rộng khoảng 45 m2 mà gia đình bà Quê đang ở. Bà Quê cho biết vì là HTX đặc thù nên doanh thu hằng năm rất thấp, chỉ đủ trả lương cho người khuyết tật. Do xây dựng từ lâu nên căn nhà cấp 4 vừa là nhà bà Quê vừa là trụ sở của HTX đã xuống cấp. Mỗi khi trời mưa to, mọi người thường phải tạm nghỉ vì nước mưa thấm dột khắp nơi. 

Mặc dù cơ sở vật chất không bảo đảm nhưng "ngôi nhà chung" này đang tạo việc làm ổn định cho hơn 20 người khuyết tật với mức lương từ 1-4 triệu đồng/người/tháng. Công việc chủ yếu của họ là gia công các mặt hàng quần áo, bao bì cho các doanh nghiệp, trường học đóng trên địa bàn. "Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là được các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi để mở rộng nhà xưởng, tạo thêm việc làm cho người khuyết tật", bà Quê cho biết.

Đầu năm 2022, HTX Người khuyết tật Thanh Hà chính thức giải thể do sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, thiếu vốn để duy trì sản xuất. Đây từng là "ngôi nhà chung" của nhiều lao động yếu thế trên địa bàn huyện Thanh Hà. HTX này được thành lập năm 2018, với 5 thành viên. Ngành nghề hoạt động chính là may mặc và sản xuất hàng thương mại, văn phòng phẩm. Ban đầu, HTX nhận dạy nghề và tạo việc làm ổn định cho 15 người khuyết tật với mức lương từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên sau 4 năm hoạt động, HTX vẫn không tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm. Nguồn thu hạn chế, trong khi tiền thuế cùng các khoản chi khác ngày càng lớn đã khiến HTX phải dừng hoạt động.

"Khi thành lập, chúng tôi hướng tới đối tượng khách hàng là các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện vì nhu cầu sử dụng văn phòng phẩm lớn. Ý tưởng này được chính quyền địa phương rất ủng hộ. Tuy nhiên, khi đi vào thực tế mới thấy khó khăn vô cùng. Rất ít đơn vị tạo điều kiện giúp đỡ HTX tiêu thụ sản phẩm với lý do chất lượng không đồng đều hoặc đã có hợp đồng với đối tác khác", một thành viên HTX này chia sẻ.

Trước đây, xưởng sản xuất chậu hoa, cây cảnh của HTX Nữ khuyết tật Ninh Giang ở xã Tân Quang (Ninh Giang) tạo việc làm cho nhiều lao động khuyết tật. Tuy nhiên từ khi dịch Covid-19 bùng phát đã khiến nhu cầu sử dụng chậu cảnh giảm mạnh. Vì vậy nhiều người khuyết tật phải tạm nghỉ vì không có việc làm. Đến nay, dù đã hoạt động trở lại nhưng xưởng sản xuất của HTX cũng chỉ đủ việc cho 5-7 lao động khuyết tật. 

"Hiện đơn hàng của HTX vẫn khá ít nên công việc chỉ mang tính thời vụ, không còn ổn định như trước. Thu nhập của người lao động cũng giảm đi nhiều, chỉ dao động từ 1-1,5 triệu đồng/người/tháng. Nếu tình trạng này còn kéo dài, HTX rất khó trụ vững", ông Lê Văn Đoan, Giám đốc HTX cho biết.

Hiện nay, hầu hết các HTX dạy nghề trong tỉnh đều thiếu kinh phí để duy trì và mở rộng sản xuất. Nhiều cơ sở sản xuất đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng các HTX không có đủ kinh phí để cải tạo, sửa chữa. Việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cũng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân... chưa dành sự quan tâm đúng mức đến các HTX đặc thù này dẫn đến một số đơn vị phải dừng hoạt động hoặc phải giải thể. 

Để giúp các HTX dạy nghề cho người khuyết tật phát triển bền vững, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, hướng dẫn các HTX này xây dựng những phương án kinh doanh khả thi để liên kết sản xuất hay tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; ban hành các cơ chế, chính sách để hỗ trợ, tạo điều kiện cho kinh tế HTX phát triển; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ quản lý. Nhân rộng mô hình hoạt động hiệu quả...

ĐỖ QUYẾT

(0) Bình luận
HTX dạy nghề cho người khuyết tật gặp khó