Với mong muốn giảm ô nhiễm môi trường, nhóm học sinh ở huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) nghiên cứu loại thảo mộc phòng trừ sâu bệnh cho rau, hoa màu.
Dự án thảo mộc bảo vệ rau và hoa màu ProSafe của Long Hoàng Bảo, lớp 12C10; Vi Đức Quân, lớp 11A1 và Nguyễn Thị Minh, lớp 11A1 Trường THPT 1/5 huyện Nghĩa Đàn vừa giành giải nhì cuộc thi SV-STARTUP 2020.
Nhận thấy nhiều loại rau, hoa màu của nông dân địa phương bị sâu bệnh phá hoại, năng suất giảm sút, ba học sinh bàn nhau nghiên cứu loại thảo mộc để phòng trừ. Được cô giáo dạy Hóa Bùi Thị Thùy Dung hướng dẫn, cả nhóm thêm tự tin thực hiện.
Ba học trò đọc hàng trăm trang tài liệu cô Dung cung cấp để tìm các loại thảo mộc có sẵn tại địa phương. Tranh thủ ngoài giờ lên lớp, các em rong ruổi tìm thảo mộc về nghiên cứu. Sau nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng 6 loại cây, quả được chọn để bào chế sản phẩm là thầu dầu tía, sài đất, ớt cay, cúc dã quỳ, quả bồ kết, mồng tơi và rượu 30 độ.
"Cây thầu dầu tía có chất tác động lên hệ thần kinh của con sâu. Sài đất và cúc dã quỳ có chất kháng sâu tự nhiên. Ớt cay sẽ làm bỏng lớp da của con sâu, còn chất nhầy từ cây mồng tơi thì làm hạn chế sự di chuyển của sâu...", Bảo giải thích về công dụng từ các cây thảo dược được lựa chọn.
Ban đầu các em đem ngâm tất cả thảo mộc với nhau, song không đem lại hiệu quả. Sau đó nhóm đem ngâm riêng từng thành phần, đong đếm để cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh có tỷ lệ phù hợp.
Hơn hai tháng pha chế, sản phẩm thảo mộc bảo vệ rau và hoa màu ProSafe đã cơ bản hoàn chỉnh, được thử nghiệm trên nhiều loại rau xanh, hoa màu. "Nhiều đêm, bốn cô trò soi đèn bắt sâu trên các luống rau xanh để thực nghiệm. Vất vả nhưng thấy đề tài có tính khả thi nên cả nhóm thêm phần háo hức", một thành viên kể.
Các học sinh đã thử nghiệm sản phẩm trên chính luống rau của gia đình. Việc sử dụng cũng dễ dàng khi pha loãng thảo mộc với nước, sau đó dùng bình bơm để phun tạo sương lên mặt lá. Kết quả các vườn rau đều xanh tốt mà không bị sâu.
Cô giáo Bùi Thị Thùy Dung cho biết, ba học sinh rất nhiệt huyết, sáng tạo kể từ khi bắt tay nghiên cứu. Lợi thế của các em là nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương nên chi phí thực hiện không nhiều.
"Hiện sản phẩm đã thực nghiệm thành công trên các loại rau, hiệu quả cao nhất trên rau cải", cô Dung nói. Thời gian tới, cô trò tiếp tục mở rộng nghiên cứu các sản phẩm thảo mộc trị sâu bệnh cho các loại cây trồng phù hợp với các điều kiện canh tác ở địa phương như cam, ổi...
Theo tính toán của nhóm, cứ 50 ml thảo mộc sẽ phun được 250 m2 cây trồng, giá bán khoảng 27.000 đồng. Để sản xuất ra 500 lít sản phẩm thì phải chi phí 17 triệu đồng.
Các máy móc để sản xuất thảo mộc cũng đơn giản, giá thành không cao. Chất thải sau quá trình lọc được dùng ủ phân bón cho cây nên không ảnh hưởng môi trường. Vỏ chai đựng sản phẩm cũng có thể tái sử dụng.
SV-STARTUP 2020 là cuộc thi khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên độ tuổi từ 12 đến 24. Phát động từ tháng 7, cuộc thi nhận được hơn 600 dự án, tăng gấp đôi so với năm 2019. Tối 22.12, Bộ Giáo dục và Đạo tạo đã trao giải nhất khối học sinh cho Sở Giáo dục và Đào tạo Đăk Lăk; giải nhì thuộc về Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ, Nghệ An; giải ba thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lào Cai. Đại diện ban giám khảo, ông Trần Hữu Đức (Giám đốc đào tạo, Tập đoàn Trung Nguyên Legend) đánh giá các dự án lọt vào chung kết cuộc thi rất phong phú, có đầy đủ đề tài từ nghệ thuật, giáo dục, y, dược, nông, lâm, công nghiệp, công nghệ và thủy lợi. Các dự án cho thấy học sinh, sinh viên đầy khát vọng, lòng dũng cảm, sự sáng tạo, nhân văn. |
Theo VnExpress