Đảng ta nhiều lần nhấn mạnh: Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt và xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ “then chốt của then chốt”.

Đề án số 02-ĐA/TU ngày 15.8.2021 về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2030 là đề án quan trọng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, thực hiện sớm trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Với những giải pháp đổi mới, sáng tạo, đồng bộ và quyết liệt, thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU đã và đang tạo chuyển biến tích cực trong công tác cán bộ ở Hải Dương.

Định lượng đánh giá cán bộ

Công tác đánh giá cán bộ trong tỉnh đã chuyển nhanh từ "định tính" sang đánh giá "định lượng". Cán bộ được đánh giá mức độ thực hiện nhiệm vụ dựa trên những kết quả cụ thể thông qua xây dựng chương trình hành động và đăng ký việc đột phá. Việc xây dựng, thẩm định chương trình hành động được thực hiện chặt chẽ, theo đúng tinh thần "5 rõ" là rõ việc, rõ người, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm. Đây là thước đo quan trọng làm cơ sở đánh giá đúng năng lực và nâng cao chất lượng bố trí, sử dụng cán bộ.

Là một trong những lãnh đạo sở trong tỉnh sớm thực hiện xây dựng, trình bày chương trình hành động trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Trác Trung, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Chương trình hành động giúp tôi đánh giá được những điểm mạnh, yếu của bản thân và những điểm nghẽn, nút thắt trong công việc để xây dựng giải pháp thực hiện, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đây cũng là lời hứa, bản cam kết trước cấp trên, trước nhân dân để cán bộ tập trung, nỗ lực thực hiện trên cương vị mới”.

Thực hiện Đề án 02-ĐA/TU, cán bộ lãnh đạo, quản lý (từ cấp phó trưởng phòng trở lên) hằng năm phải có bản đăng ký nêu gương, trọng tâm là đăng ký 1-2 việc đột phá, sáng tạo, cấp bách để cấp có thẩm quyền phê duyệt, giao nhiệm vụ. Mức độ hoàn thành việc đột phá là căn cứ để đánh giá, xếp loại, bố trí, sử dụng cán bộ hoặc gợi ý kiểm điểm, xem xét xử lý kỷ luật hoặc bố trí công tác khác với cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ đã đăng ký. Việc điều động, bố trí cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ không cần phải chờ hết nhiệm kỳ hoặc hết thời gian bổ nhiệm. Năm 2022, chỉ tính riêng với các đồng chí cấp trưởng diện Ban Thường vụ quản lý đã có 178 việc đột phá được đăng ký, thẩm định và giao thực hiện. Các việc đột phá tập trung vào đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước. Việc thực hiện các công việc đột phá đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn, giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, mang tính bức xúc, cấp thiết tại các địa phương, đơn vị...

Ngày 30.3, tại hội nghị lần thứ 58, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe báo cáo đăng ký các công việc đột phá, sáng tạo năm 2022 của cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý
Bác sĩ Trần Thị Mai xây dựng Chương trình hành động để trình bày trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước khi được xem xét bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Hải Dương

Với những thước đo rõ ràng, công tác đánh giá cán bộ đã được nâng cao chất lượng, thực hiện nghiêm túc, thuyết phục. Năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xếp loại 4 tập thể hoàn thành nhiệm vụ là Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Sở Y tế, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh do có một số hạn chế trong công tác; 8 cá nhân hoàn thành nhiệm vụ và 1 cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ. 

Khắc phục cục bộ địa phương

Thực hiện Đề án 02-ĐA/TU, công tác luân chuyển, điều động cán bộ được thực hiện nghiêm túc, bài bản, có từ cấp trên xuống cấp dưới, từ cấp dưới lên cấp trên, từ địa phương này sang địa phương khác; giữa các cơ quan, tổ chức cùng cấp trong hệ thống chính trị. Đặc biệt, luân chuyển, điều động cán bộ đã được gắn kết chặt chẽ với bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp huyện, cấp xã không phải người địa phương. Hiện 11/12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có 1 trong 3 chức danh trong thường trực cấp ủy không phải là người địa phương; 5 trong 12 Bí thư cấp ủy cấp huyện (đạt 41,7%) không là người địa phương...

Việc các chức danh chủ chốt, nhất là Bí thư cấp ủy cấp huyện không phải người địa phương có nhiều ưu điểm, đem lại những kết quả tích cực đối với công tác cán bộ và sự phát triển của địa phương. Sau gần 4 năm đến huyện Gia Lộc công tác, đồng chí Đặng Xuân Thưởng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lộc chia sẻ: “Bí thư cấp ủy và các chức danh chủ chốt không phải người địa phương sẽ giải quyết các công việc một cách công tâm, khách quan hơn. Đơn cử như trong các lĩnh vực nhạy cảm như công tác cán bộ, đầu tư công, việc không bị ràng buộc những mối quan hệ thân quen, người đứng đầu cấp ủy sẽ có những đánh giá, lãnh đạo thực hiện công tác cán bộ khách quan, thuyết phục; phân bổ đầu tư công với những công trình, dự án thực sự cần thiết”.

Hiện nhiều địa phương trong tỉnh thực hiện quyết liệt, đạt và vượt xa mục tiêu có ít nhất 10% số xã, phường, thị trấn có Bí thư cấp ủy hoặc Chủ tịch UBND cấp xã không phải người địa phương mà Đề án 02-ĐA/TU xác định. Điển hình là TP Chí Linh, hiện 14 trong tổng số 19 xã, phường ở đây có 1 trong 3 chức danh Bí thư Đảng ủy, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch UBND không phải là người địa phương. Trong đó 7 xã, phường có cả Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND không phải người địa phương, chiếm 36,8% tổng số xã, phường.

Tại huyện Tứ Kỳ, với việc điều động 8 lãnh đạo giữa 6 xã trong huyện để thực hiện Đề án 02-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hiện huyện có 6 xã có Bí thư Đảng ủy hoặc Chủ tịch UBND xã không phải người địa phương (26% tổng số xã, thị trấn); 2 xã có Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã không phải người địa phương. Đồng chí Nguyễn Ngọc Sẫm đánh giá: “Vì không phải chịu những chi phối, ràng buộc của các mối quan hệ họ hàng, làng xóm vốn cố hữu ở nông thôn nên việc giải quyết những vấn đề, sự việc phát sinh sẽ bảo đảm vô tư, khách quan. Các đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền không phải người địa phương cũng tránh được sức ì, những vấn đề nội tại, kéo dài từ trước để dẫn dắt, chỉ đạo sâu sát, kiên quyết, khơi thông và nâng cao hiệu quả công việc.”

11/12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có 1 trong 3 chức danh trong thường trực cấp ủy không phải là người địa phương. Đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh trao quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ luân chuyển đồng chí Phan Nhật Thanh đến công tác tại Huyện uỷ Ninh Giang, giữ chức Phó Bí thư Huyện uỷ Ninh Giang từ ngày 1.7.2022

Lợi ích nhất thể hóa chức danh

Đề án 02-ĐA/TU đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, có ít nhất 30% Bí thư cấp ủy cấp xã đồng thời là Chủ tịch UBND. Tiếp nối những kết quả thực hiện Đề án 01-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn giai đoạn 2016-2020, đến hết tháng 1.2022, 11 trong 12 địa phương trong tỉnh (trừ huyện Cẩm Giàng) với 50 xã, phường thị trấn (đạt 21,3%) đã bố trí Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã.

Đồng chí Nguyễn Trọng Thuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Thất Hùng kiểm tra hoạt động bộ phận "một cửa" của phường.

Nam Sách là địa phương đi đầu thực hiện chủ trương trên, huyện hiện có 7 trong 19 xã, thị trấn có Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã, đạt 31,5%. Thực tiễn cho thấy mô hình trên đang phát huy tốt hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích. Cùng với tinh giản bộ máy, thực hiện Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã góp phần quan trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy; tạo thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của cấp ủy với việc triển khai tổ chức thực hiện của UBND. Vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tập trung vào một người vừa tạo thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, vừa nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ giữ trọng trách. 

Thực hiện mô hình trên từ năm 2018, từ một xã vùng xa, khó khăn của huyện, những năm gần đây, xã Nam Hưng (Nam Sách) đã có nhiều thay đổi, phát triển. Hiện xã dẫn đầu huyện về tốc độ triển khai các công trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025. Đến tháng 6.2022, Đảng bộ xã này đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành 4 trong 6 công trình trọng điểm. Đồng chí Mạc Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nam Hưng cho biết: "Lợi ích thấy rõ nhất trong việc Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã là tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ tại địa phương và trong tập thể Đảng ủy. Bên cạnh đó, việc bàn bạc, quyết sách các chủ trương, vấn đề lớn ở địa phương cũng thuận lợi, nhanh chóng hơn".

Đến hết tháng 1.2022, toàn tỉnh cũng đã có trên 92% số thôn, khu dân cư thực hiện Bí thư Chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư. Trong đó, TP Chí Linh và các huyện Gia Lộc, Thanh Miện có 100% Bí thư Chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư. Các cấp ủy đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc cấp ủy cơ sở nhiệm kỳ 2022-2025 và bầu cử trưởng thôn, khu dân cư, phấn đấu trong tỉnh có 100% Bí thư Chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư.

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, hầu hết các cấp ủy cấp huyện và cơ sở trong tỉnh đánh giá mô hình Bí thư Chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư phù hợp với thực tiễn, đang phát huy tác dụng tốt. Bí thư Chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư được nâng cao phụ cấp; chủ động phát huy rõ vai trò trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các công việc; giảm được số người hoạt động không chuyên trách. Mô hình trên cũng tạo thuận lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy và UBND cấp xã.

Đổi mới đào tạo cán bộ

Thực hiện Đề án 02-TU/ĐA, nhiều giải pháp đổi mới, đột phá để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã được nhanh chóng thực hiện.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Hội đồng điều hành công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020-2025. Hội đồng do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Chủ tịch, có nhiệm vụ giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực toàn diện của tỉnh...

Đồng chí Nguyễn Quang Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tặng quà động viên các thí sinh tham gia Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi năm 2022

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, chú trọng hơn về chất lượng. Điển hình như công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị đã được tăng cường theo hướng học tập trung. Hải Dương là 1 trong 3 tỉnh (cùng với Quảng Ninh, Nam Định) được Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh lựa chọn thực hiện thí điểm tổ chức đào tạo cao cấp chính trị tập trung tại địa phương với 50 học viên đang học khóa đầu tiên tại Trường Đại học Sao Đỏ (Chí Linh). Tháng 6 vừa qua, Trường Chính trị tỉnh đã khai giảng 3 lớp trung cấp lý luận chính trị hệ tập trung với tổng số 146 học viên. Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng được gắn chặt với công tác điều động, luân chuyển theo hướng cán bộ trẻ được quy hoạch các chức danh chủ chốt cần trải qua nhiều vị trí công tác, nhất là ở lĩnh vực, địa bàn khó khăn, phức tạp để rèn luyện, thử thách…

Trường Chính trị tỉnh khai giảng 3 lớp trung cấp lý luận chính trị hệ tập trung trong tháng 6.2022

Giữ nghiêm kỷ luật Đảng

Cùng với các giải pháp trên, việc quán triệt, thực hiện các nghị quyết, kết luận, quy định của Trung ương và của tỉnh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được các cấp ủy trong tỉnh chú trọng. Các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm được xử lý kịp thời, nghiêm minh. Năm 2021, các cấp ủy trong tỉnh đã thi hành kỷ luật 469 đảng viên, 5 tổ chức đảng; Ủy ban Kiểm tra các cấp trong tỉnh thi hành kỷ luật 64 đảng viên. 6 tháng đầu năm 2022, cấp ủy các cấp thi hành kỷ luật 151 đảng viên, 4 tổ chức đảng; 62 đảng viên bị Ủy ban Kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật.

Đánh giá gần 1 năm thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: "Những đổi mới, sáng tạo và hiệu quả trong công tác cán bộ đã và đang thực sự là yếu tố quan trọng hàng đầu để Hải Dương vượt qua các thách thức, phát triển đúng hướng, bứt phá".

Năm 2021, Hải Dương đã kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đạt và vượt 11 trong 14 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh năm 2021 tăng 34 bậc (đứng thứ 13 cả nước). Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là tỉnh thứ 5 trong toàn quốc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới… Tiếp nối những kết quả tích cực năm 2021, 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng kinh tế của Hải Dương là 11,8%, đứng thứ 6 cả nước và đứng thứ 2 trong vùng đồng bằng sông Hồng.

Tại hội nghị giao ban công tác tổ chức xây dựng Đảng 12 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng, trung du Bắc Bộ, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đánh giá cao những đổi mới, sáng tạo của Hải Dương trong công tác xây dựng Đảng

Các kết quả quan trọng trên là tiền đề, nền tảng để các cấp ủy ở Hải Dương tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp; tập trung, nhanh chóng hiện thực hóa khát vọng, những mục tiêu phát triển đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định.

Nội dung: HOÀNG BIÊN

Ảnh: HOÀNG BIÊN- TƯ LIỆU

Đồ họa: TUẤN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hải Dương tạo đột phá khâu "then chốt của then chốt"