Ngày 11.10.2021, cùng với cả nước, Hải Dương bắt tay vào thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Chỉ sau 6 tháng triển khai, Nghị quyết này đã thực sự mang lại nhiều tín hiệu tích cực, lạc quan, tạo nên những gam màu tươi sáng trên mọi mặt đời sống xã hội.

Cuộc sống tự do trở lại

Điều có thể cảm nhận rõ nhất là người dân khắp nơi phấn khởi khi Nghị quyết 128 đã đưa cuộc sống từng bước trở lại bình thường. 

trich-dan-c-ngoan.jpg

Chị Phạm Thị Ngoan (33 tuổi) ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) vẫn nhớ thời điểm dịch bệnh căng thẳng, người dân bị hạn chế đi lại đến mức tối đa. Phố phường vắng lặng, hằng ngày chỉ nghe tiếng còi hú của xe y tế chở F0, F1 đi điều trị, cách ly mà cảm thấy buồn chán. "Lắm lúc tôi tự hỏi không biết cuộc sống căng thẳng như vậy kéo dài đến bao giờ mới kết thúc. Nghị quyết 128 ra đời là quyết sách rất phù hợp và đúng đắn của Chính phủ vì đã giúp cuộc sống tự do của người dân được trở lại", chị Ngoan chia sẻ.

Anh Nguyễn Đức Hiếu (35 tuổi) quê Tứ Kỳ làm nghề lái xe taxi gia đình nói: "Nghị quyết 128 đã giúp công việc của tôi trở lại bình thường, có tiền chăm lo cho gia đình, con cái. Nếu người dân đi lại còn hạn chế như giai đoạn trước thì thật sự cuộc sống của gia đình tôi rất khó khăn".

Còn nhớ trước khi Nghị quyết 128 ra đời, các địa phương ở Hải Dương khi đó đang quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 theo tinh thần các Chỉ thị 15, 16 và 19 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu cao nhất là bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của nhân dân. Khắp nơi trong tỉnh, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh các xã, thôn, khu dân cư, thậm chí cả huyện bị phong tỏa, cách ly y tế. Việc đi lại của người dân, nhất là khi ra tỉnh ngoài bị giới hạn và kiểm soát nghiêm ngặt. Hàng loạt công sở, trường học, doanh nghiệp phải tạm thời đóng cửa để phòng chống dịch bệnh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nhiều nơi bị ngưng trệ. Các cửa hàng không thiết yếu phải đóng cửa. Người dân đi chợ phải dùng tem phiếu như thời bao cấp. Việc bảo đảm khoảng cách được thực hiện nghiêm ngặt...

Kể từ khi thực hiện Nghị quyết 128, cuộc sống của người dân đã từng bước trở lại trạng thái bình thường mới. Những rào cản đi lại được gỡ bỏ, việc kinh doanh, buôn bán của người dân, doanh nghiệp đã gần như được khôi phục hoàn toàn. Học sinh từ chỗ ở nhà, học trực tuyến đã dần được quay trở lại trường học. Các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí cơ bản được phép tổ chức khiến áp lực tâm lý của người dân gần như được cởi bỏ, tinh thần nâng lên...

Vượt khó, tăng tốc

Đại diện nhiều doanh nghiệp khẳng định Nghị quyết 128 ra đời đã kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, nhất là trong khâu duy trì sản xuất, vận chuyển hàng hóa.

trich-dan-a-hung.jpg

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH ANT (Cẩm Giàng) chia sẻ: "Bây giờ người lao động từ tỉnh ngoài đến công ty làm việc đã không gặp khó khăn như trước vì các chốt kiểm soát dịch đã được gỡ bỏ".

Nghị quyết 128 là bản lề quan trọng để Hải Dương triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu "vượt khó - tăng tốc". Để bảo đảm chuỗi sản xuất không bị đứt gãy, doanh nghiệp không phải dừng hoạt động, tỉnh đã ưu tiên tổ chức tiêm vaccine cho công nhân, lao động trong các doanh nghiệp. Mặt khác yêu cầu các doanh nghiệp chủ động phương án phòng chống dịch bệnh để bảo đảm hoạt động sản xuất không bị gián đoạn. Kể cả khi doanh nghiệp xuất hiện F0 thì các hoạt động sản xuất vẫn diễn ra như bình thường. Tình trạng ùn ứ, khó khăn trong lưu thông, tiêu thụ, nhập khẩu hàng hóa... đã được tháo gỡ.

Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương khẳng định: "Nghị quyết 128 của Chính phủ sau 6 tháng triển khai đã giúp tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có những chuyển biến rất tích cực, với nhiều điểm sáng, củng cố được niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư về khả năng phục hồi của nền kinh tế". 

trich-dan-bi-thu.jpg

Năm 2021, Hải Dương đã đạt và vượt 11/14 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 8,6% (đứng thứ 4/11 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 8/63 cả nước). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 21.000 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước đó (đạt 162% dự toán). Quy mô nền kinh tế đạt 149.000 tỷ đồng, đứng thứ 11/63 toàn quốc...

Kết thúc quý I.2022, tăng trưởng GRDP của Hải Dương ước đạt 14,1%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt trên 5.830 tỷ đồng, bằng 39,4% dự toán năm, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, Hải Dương đang tập trung đầu tư đột phá về lĩnh vực giao thông kết nối vùng, liên vùng, với 35 dự án mới, tổng mức đầu tư gần 27.000 tỷ đồng. Đồng thời, giao cấp huyện tổ chức thực hiện đầu tư 16 dự án, công trình trọng điểm với tổng mức hơn 17.000 tỷ đồng.

cau-chu-y.jpg
Hải Dương đã và đang tập trung đầu tư đột phá về giao thông để hướng tới mục tiêu sớm trở thành tỉnh công nghiệp

Tháng 3 vừa qua, tỉnh đã huy động từ nguồn vốn xã hội hóa và nguồn lực đầu tư công của trung ương để triển khai đầu tư dự án trục đông - tây và hai nút giao lập thể với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tại Bình Giang, Thanh Hà với tổng kinh phí 670 tỷ đồng, mở ra các không gian phát triển mới cho tỉnh trong thời gian tới...

Không chủ quan

bieu-do.jpg

Thích ứng linh hoạt theo Nghị quyết 128 giúp kinh tế - xã hội phục hồi nhanh, dịch Covid-19 được kiểm soát hiệu quả. Mặc dù vậy, dịch bệnh vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp khi số ca mắc mới liên tục tăng cao trong 3 tháng đầu năm nay. Dịch bệnh chưa có dấu hiệu kết thúc nên tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi người dân không chủ quan, lơ là mà vẫn phải coi phòng chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu nhằm tạo đà cho kinh tế - xã hội phát triển ổn định.

trich-dan-ong-kien.jpg

TP Chí Linh vẫn gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong công tác phòng chống dịch. Chủ tịch UBND TP Chí Linh Nguyễn Văn Kiên khẳng định: "Thích ứng linh hoạt nhưng vẫn phải bảo đảm hiệu quả và an toàn. Ở từng lĩnh vực, chúng tôi yêu cầu phải có phương án, kịch bản để chủ động ứng phó với các cấp độ dịch, bảo vệ an toàn sức khỏe nhân dân và không để dịch làm đứt gãy chuỗi sản xuất. Thành phố tiếp tục duy trì tuyên truyền kết hợp kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định phòng chống dịch. Nơi nào làm chưa tốt sẽ nhắc nhở, kiểm điểm và xử lý nghiêm".

Cùng quan điểm, ông Trương Đức San, Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn cho rằng dịch bệnh chưa biết bao giờ mới kết thúc, có thể còn diễn biến phức tạp nhưng kinh tế thì không thể đứt gẫy. "Chúng tôi hiện đã ứng dụng công nghệ số vào cả công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nhằm chủ động, kịp thời xử lý nhanh các tình huống khi có diễn biến phát sinh".

bieu-do-1.jpg

Tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên và từ 12 đến dưới 18 tuổi tại Hải Dương được tiêm vaccine phòng Covid-19 nằm trong tốp dẫn đầu toàn quốc. Tỉnh cũng đang tích cực chuẩn bị tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Các cơ sở y tế đều chủ động dự phòng công tác thu dung, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 theo phương châm "4 tại chỗ"... Đây là kết quả quan trọng để tỉnh tiếp tục thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19.

kiem-tra-1.jpg
Lãnh đạo huyện Cẩm Giàng kiểm tra đột xuất công tác phòng chống dịch tại một doanh nghiệp
kiem-tra-2.jpg
Hải Dương nằm trong tốp đầu các địa phương có tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 cao nhất cả nước
kiem-tra-3.jpg
Các cơ sở y tế đều chủ động thu dung, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 theo phương châm 4 tại chỗ

Để đạt được mục tiêu "Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá" trong năm 2022, Hải Dương đang tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết 128 với nhiều giải pháp cụ thể. Chắc chắn nghị quyết này sẽ giúp tỉnh đạt được những mục tiêu lớn đã đề ra và vững bước tiến lên để trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trong tương lai không xa.

Bài: TIẾN MẠNH - THÀNH CHUNG

Đồ họa: TUẤN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hải Dương - Những gam màu tươi sáng nhờ Nghị quyết 128