Không biết chúng có phép màu thực sự hay không nhưng thời gian ngồi gấp hạc giấy đã giúp tâm hồn tôi yên tĩnh và nhận ra mình cần phải thay đổi để yêu thương anh nhiều hơn.
"Nếu muốn có một điều ước trở thành hiện thực, bạn hãy gấp 1.000 con hạc giấy!"
- Con đang xem chương trình gì vậy? - giọng mẹ trầm ấm.
Tôi cười:
- Con xem lại video chương trình “Điều ước” mẹ ạ!
Mẹ vuốt mái tóc dài của tôi, ánh mắt trìu mến:
- Có phải con đang nhớ anh rồi không?
Tôi dụi đầu vào lòng mẹ, mếu máo:
- Anh ghét con lắm mẹ nhỉ? Sao anh chưa khỏi bệnh để nói chuyện với con?
Mẹ lắc đầu:
- Không đâu con gái! Anh không ghét con đâu. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi khi anh được ra viện, anh sẽ nói chuyện với con.
Tôi có một người anh trai - một chàng thanh niên đối với tôi chưa thực sự hoàn hảo, khỏe mạnh như những người cùng trang lứa nhưng luôn là người mà tôi yêu thương. Thời gian trôi nhanh quá, vậy là cũng gần ba tháng anh phải nằm viện để phục hồi chức năng.
Với bản thân, tôi thấy mình là một cô em gái bướng bỉnh và đanh đá. Tôi hay nói to, hay bắt nạt anh, bắt anh chiều theo ý mình. Tôi còn nhớ ngày hôm ấy, khi anh dọn dẹp đồ đạc giúp tôi vô tình làm vỡ con hạc bằng thủy tinh. Đây là món quà mẹ đã mua tặng tôi nhân sinh nhật lần thứ 15, như đánh dấu sự kiện tôi trở thành thiếu nữ. Tôi luôn tin rằng con hạc bằng thủy tinh đó sẽ mang đến cho tôi sự may mắn và tôi có thể chạm tay tới ước mơ đẹp nhất của mình. Nghe tiếng "choang", tôi chạy vội vào phòng, thét lên không cần suy nghĩ: "Trời ơi! Anh phá đồ của em rồi!". Anh đứng lặng bối rối, nhìn tôi vừa khóc nức nở vừa thu gom những mảnh thủy tinh vỡ vụn bắn tung tóe khắp nền nhà. Kể từ hôm ấy, tôi không nói chuyện với anh dù chỉ nửa lời. Tôi giận anh, người đâu mà vụng về, động tay vào cái gì là đổ vỡ cái đó.
Một hôm, mẹ gọi tôi lại:
- Anh đền cho con này! Một con hạc giấy rất to, rất đẹp nhé! Tự tay anh con gấp đấy. Công phu chưa?
Tôi cầm con hạc giấy mẹ đưa rồi lẳng lặng bỏ vào phòng. Ngồi trên chiếc giường nhỏ của mình, cầm con hạc trên tay, tôi lại nghĩ đến anh. Anh nói năng khó khăn hơn người bình thường, chỉ người thân trong nhà mới hiểu, người ngoài muốn biết anh nói gì thì cần phải có “phiên dịch”. Bẩm sinh anh đã bị như thế rồi nên tôi càng thương anh. Dù anh không nói sõi nhưng anh luôn quan tâm đến tôi dù chỉ là qua ánh mắt và những cử chỉ vụng về. Trên thân con hạc có ghi dòng chữ: “Anh xin lỗi vì sự hậu đậu của mình!”. Bố mẹ cho anh theo học ở lớp dành cho trẻ đặc biệt, đủ để anh biết đọc, biết viết, biết cộng trừ nhân chia. Bác sĩ cảnh báo, cái đầu của anh không thể làm việc quá sức, phải thảnh thơi nên anh không cần phải học nhiều. Sức khỏe là trên hết vì anh có thể phát bệnh bất cứ lúc nào. Quả đúng như vậy, thần kinh anh như bị tê liệt. Anh phải nhập viện điều trị, nếu không phát hiện sớm anh có thể bị liệt nửa người. Bố mẹ tôi thay nhau chăm anh ở viện. Hết thời gian cách ly xã hội, tôi mới được mẹ cho vào viện thăm anh. Nhìn anh nằm đó, tôi thương lắm nhưng miệng tôi không thốt ra được thành lời vì điều gì tôi cũng không rõ nữa! Tôi tự trách mình vô tâm, ích kỷ. Nước mắt tôi trào ra, tôi vùi đầu vào gối và thiếp đi lúc nào không hay.
- Hoan ơi, anh đi đây!
Tôi hoảng hốt chạy theo:
- Anh đi đâu thế? Chờ em với!
Anh chỉ lắc đầu. Bóng anh xa dần rồi mất hút. Tôi nhìn theo anh, chỉ biết khóc mà thôi.
“Meo meo, meo meo !…”.
Tôi giật mình tỉnh giấc vì tiếng mèo kêu. Hai mắt ướt nhòe, thở phào nhẹ nhõm vì đó chỉ là một giấc mơ. Trên tay tôi vẫn đang cầm con hạc giấy gấp dở, mỗi lần nhớ anh tôi lại ngồi gấp hạc. Người ta nói khi gấp được 1.000 con hạc giấy thì điều ước của bạn sẽ thành hiện thực. Tôi muốn gửi vào 1.000 con hạc giấy một điều ước dành cho anh. Tôi sẽ cố gấp thật nhanh để gửi đến anh, mong anh mau khỏe lại.
Bỗng tiếng mẹ ở dưới nhà vọng lên:
- Con đi lại được rồi hả anh? Ôi! Lạy giời. Em mừng quá. Em sẽ vào viện ngay bây giờ.
Tôi chạy ào xuống nhà. Thì ra mẹ nói chuyện điện thoại với bố. Mẹ nhìn tôi, mừng rỡ:
- Anh con sắp hồi phục rồi. Mẹ phải vào viện với anh con đây.
- Mẹ! Mẹ cho con đi với. Con muốn nói với anh một chuyện.
Tôi có nhiều điều muốn nói với anh lắm. Tôi phải xin lỗi anh vì tính nết đành hanh và sự ích kỷ của bản thân mình! Bất giác, tôi nghĩ đến những con hạc giấy. Không biết chúng có phép màu thực sự hay không nhưng thời gian ngồi gấp hạc giấy đã giúp tâm hồn tôi yên tĩnh và nhận ra mình cần phải thay đổi để yêu thương anh nhiều hơn.
CHU THỊ NGỌC HOAN (Lớp 12B, Trường THPT Nam Sách)