Giáo viên hợp đồng: Bộn bề mối lo dịp hè

20/07/2019 18:05

Chế độ của giáo viên hợp đồng (GVHĐ) vốn đã bấp bênh, nay lại không được hưởng lương 3 tháng hè khiến nhiều người chán nản.


Thầy giáo Nguyễn Xuân Trường ở Trường Tiểu học Đại Đồng (Tứ Kỳ) phải bán nước mía để kiếm thêm thu nhập dịp hè

Không lương, không bảo hiểm

Những năm qua, chế độ, chính sách đối với GVHĐ bấp bênh thì đã rõ nhưng hè năm nay càng khó khăn hơn khi số lượng GVHĐ không có lương hè tăng lên. Từ năm học 2018-2019, tỉnh quy định trả lương giáo viên theo thời gian thực dạy nên ngoài giáo viên dạy tiếng Anh, tin học thì nhiều giáo viên dạy văn hóa cũng không có lương. Hè đến, thay vì được nghỉ ngơi thì nhiều GVHĐ phải lăn lộn mưu sinh, lại lo chế độ bảo hiểm bị ảnh hưởng.

Nhìn cô Nguyễn Thị Dung, giáo viên Trường Tiểu học Đại Đồng (Tứ Kỳ) đã có thai 5 tháng vẫn cố gắng cùng các đồng nghiệp đi phản ánh, kiến nghị đến các cơ quan chức năng về những bất cập với GVHĐ mà không khỏi chạnh lòng. 9 năm công tác, cô Dung bảo chưa khi nào thấy nghề giáo lại bấp bênh như bây giờ. Trước đây, cô vẫn được hưởng lương hè, nhưng từ năm nay thì không, đồng nghĩa với việc cô cũng không được đóng bảo hiểm. “Theo quy định, phải đóng bảo hiểm liên tiếp 6 tháng trước sinh mới được hưởng chế độ thai sản. Tôi đã tham gia bảo hiểm được 78 tháng nhưng rất có thể vì gián đoạn 3 tháng hè mà khi sinh con vào tháng 11 tới, tôi sẽ không được hưởng chế độ”, cô Dung nói.

Những giáo viên có thâm niên công tác cũng có chung nỗi lo về bảo hiểm. Cô Nguyễn Thị Châm, giáo viên Trường Tiểu học Tân Kỳ (Tứ Kỳ) đã có 19 năm cống hiến cho ngành giáo dục nhưng đến giờ công việc vẫn bấp bênh. Cô Châm tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương (nay là Trường Cao đẳng Hải Dương), thời ấy nghề sư phạm rất có tiếng. Ra trường năm 2001, sau 4 năm dạy THCS, cô được luân chuyển về Trường Tiểu học Tân Kỳ. Đến nay, 15 năm công tác tại trường, lần nào có yêu cầu nâng cao chuyên môn, trình độ giáo viên cô đều tích cực đáp ứng. Cô còn là một trong những giáo viên đầu tiên trong đợt khảo sát dạy thí điểm tiếng Anh trong chương trình giáo dục phổ thông mới, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra cô được đánh giá cao. Nhưng những thành tích ấy chẳng ích gì. “Trước đây, 3 năm tôi được nâng lương một lần nhưng giờ còn không có cả lương hè, bảo hiểm bị gián đoạn, tôi lo chế độ cũng bị ảnh hưởng. Lương GVHĐ thì bèo bọt, mỗi người được hơn 3 triệu đồng/tháng, tôi có thâm niên cũng chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng. Giờ hè không có lương mà còn phải tự đóng bảo hiểm thì thật quá sức”, cô Châm buồn bã. 

Vất vả nhiều bề

Nghỉ hè, đa phần GVHĐ đều phải bươn chải để kiếm thêm thu nhập. Với thầy Nguyễn Xuân Trường, giáo viên Trường Tiểu học Đại Đồng (Tứ Kỳ) thì việc không có lương hè kéo theo một loạt các khoản chi tiêu không biết trông chờ vào đâu. Là trụ cột gia đình, thầy Trường phải tìm đủ nghề kiếm sống cho qua 3 tháng hè. Hai vợ chồng cùng làm giáo viên, nuôi 2 con nhỏ, đồng lương vốn eo hẹp nay càng phải chắt chiu. Dịp hè, thầy Trường mở thêm quán bán nước mía, bán chim cảnh, cá cảnh... để lấy đồng ra, đồng vào.

Cô H.T.Q. ở Trường Tiểu học Lương Điền (Cẩm Giàng) thì chọn bán hàng gia dụng trên mạng xã hội. Ngày hè nắng gắt nhưng khách cần là cô sẵn sàng đội nắng giao hàng. Cô Q. chia sẻ vì có con nhỏ nên chọn nghề này, tuy vất vả nhưng chủ động được thời gian, nhiều GVHĐ ở trường cô còn chọn làm công nhân thời vụ ở các khu công nghiệp. Còn cô N.T.M.P. ở Trường Tiểu học Hoa Thám (TP Chí Linh) thì tập trung tăng gia bằng mấy sào ruộng của gia đình. Đã cống hiến 14 năm nhưng khi được hỏi, cô P. nói: “Nỗi lo lớn nhất không phải là không có lương hè, mà với chúng tôi lo nhất là hè nào cũng thấp thỏm không biết năm học mới có còn được đứng lớp hay không?”.

Đó cũng là mối lo chung của GVHĐ toàn tỉnh. Trong những lá đơn kiến nghị gửi đến Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Nội vụ huyện Tứ Kỳ, nhiều GVHĐ bày tỏ tâm tư, bởi nhiều thầy cô đã rơi vào cảnh năm nay được ký hợp đồng nhưng năm sau không được ký.

Năm học 2018-2019, toàn tỉnh có khoảng 1.200 GVHĐ. Nhiều năm qua, chế độ cho GVHĐ đã nhiều lần được nhắc đến nhưng năm nào cũng lặp lại nỗi lo. Bà Nguyễn Thị Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: “Chúng tôi rất thấu hiểu khó khăn của GVHĐ nhưng để giải quyết thì còn chờ quyết định của các cơ quan, ban ngành. Hiện tại, chúng tôi cũng chỉ biết đề xuất năm học tới sẽ tiếp tục ký hợp đồng với họ”.

Trong khi chưa có chính sách phù hợp, tỉnh ta có thể tham khảo cách làm của TP Hà Nội. Mới đây, UBND TP Hà Nội đưa ra phương án tổ chức xét tuyển và thi tuyển với GVHĐ. Theo đó, sẽ xét tuyển viên chức với GVHĐ có thâm niên, đã đóng bảo hiểm trên 5 năm, đáp ứng đủ các điều kiện về sức khỏe, năng lực, trình độ phù hợp với vị trí việc làm (giáo viên phải dạy môn mà trường có nhu cầu tuyển dụng). Sau khi giải quyết hết số giáo viên xét tuyển, sẽ tổ chức thi tuyển với những GVHĐ còn lại. Phương án này được nhiều người đồng thuận. 

HUYỀN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo viên hợp đồng: Bộn bề mối lo dịp hè