Nguồn cung xăng dầu từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vẫn chưa có tín hiệu rõ ràng, trong khi việc nhập khẩu gặp khó khăn và giá cao đã tạo sức ép cho cơ quan điều hành.
Điều hành xăng dầu đang gặp nhiều khó khăn trước sức ép giá cả tăng và nguồn cung có nhiều rủi ro - Ảnh: N.AN
Kỳ điều hành đầu tiên của tháng 5 lẽ ra sẽ được điều chỉnh ngày 1.5, song do rơi vào kỳ nghỉ lễ nên theo quy định của Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, kỳ điều hành giá sẽ được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ lễ, tức ngày 4.5. Việc lùi thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu khiến giá xăng dầu khó dự báo.
Tuy vậy, với xu hướng giá xăng dầu thế giới tăng mạnh trong chu kỳ vừa qua, kỳ điều hành ngày 4.5 dự kiến cũng sẽ tăng giá ở hầu hết tất cả các mặt hàng. Một doanh nghiệp đầu mối cho hay, tính đến nay cập nhật theo giá mới nhất, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang lỗ gần 1.000 đồng/lít với tất cả các mặt hàng.
Tại cuộc họp ngày 18.4 về bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước của Bộ Công thương với các bên liên quan, trong đó có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), PVN vẫn chưa có cam kết về việc có đủ khả năng bảo đảm cung ứng xăng dầu từ NSRP trong quý 2.2022.
Vì vậy, Bộ Công thương cho rằng thời gian tới vẫn phải yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 242 về giao hạn ngạch nhập khẩu để bảo đảm đầy đủ, liên tục nguồn cung xăng dầu trong nước, an ninh năng lượng quốc gia.
Theo đó, Bộ Công thương tiếp tục gia hạn đến sau ngày 1.5 nếu NSRP và PVN không đưa ra được kịch bản và đề xuất chính thức nào về việc cung cấp xăng dầu cho quý 3 và 4, không có cam kết thì bộ sẽ tiếp tục tham chiếu vào khả năng cung ứng xăng dầu của doanh nghiệp đầu mối, khả năng sản xuất của NSRP để tiếp tục phân bổ hạn mức nhập khẩu tăng thêm cho 6 tháng cuối năm, kiên quyết không thể xảy ra thiếu hụt.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Công thương cho rằng đến thời điểm này việc PVN và NSRP chưa có xác nhận, cam kết nào về việc cung ứng trở lại xăng dầu cho 2 quý cuối năm. Chưa kể, Nhà máy Lọc hóa đầu Nghi Sơn đang gặp trục trặc kỹ thuật, buộc Bộ Công thương phải chủ động các phương án nhập khẩu, kiên quyết không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống.
Tuy nhiên, ông Hải cho rằng việc nhập khẩu cũng gặp không ít khó khăn do nguồn cung thế giới bị ảnh hưởng bởi xung đột giữa Nga - Ukraine, cộng thêm giá cả tăng mạnh khiến giá xăng dầu nhập về tăng rất mạnh.
Giá xăng dầu trong nước dù đã được hỗ trợ từ các công cụ như quỹ bình ổn, giảm thuế… nhưng vẫn phải tăng theo đà tăng mạnh của thế giới.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp cũng cho hay nhập khẩu có nhiều rủi ro về nguồn cung và giá cả do tác động từ bất ổn chính trị Nga - Ukraine. Đặc biệt trong bối cảnh giá thế giới tăng cao, nguồn cung tại châu Á cũng không dồi dào nên rất khó khăn để có thêm nguồn dự trữ dồi dào.
Với ba phiên giảm giá, nhà điều hành đã liên tục trích quỹ vào để bù đắp nguồn quỹ đang âm ở nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến phiên điều hành ngày 21.4, quỹ bình ổn giá ở nhiều doanh nghiệp lớn vẫn đang âm, điển hình như Petrolimex vẫn âm 222 tỷ đồng; PVOil âm 1.065 tỷ đồng....
Với nguồn quỹ đang âm, điều hành giá xăng dầu trong bối cảnh tăng mạnh sẽ là bài toán khó cho nhà quản lý để trong kỳ điều hành ngày 4.5 thực hiện mục tiêu điều hành giá sao cho linh hoạt, hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp, nhà quản lý trong bối cảnh nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi và phát triển.
Theo Tuổi trẻ