Hai mươi năm sau ngày tái lập, kết cấu hạ tầng của tỉnh đã được xây dựng tương đối đồng bộ và hiện đại, phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội...
Cầu Hàn được đưa vào sử dụng năm 2015 tạo thuận lợi cho sự thông thương giữa
TP Hải Dương với Nam Sách, Chí Linh . Ảnh: Bảo Long
Vượt qua khó khăn
Thời điểm sau tái lập, điểm xuất phát của Hải Dương tương đối thấp, kinh tế thuần nông, manh mún, sản xuất hàng hóa ít, chất lượng chưa cao. Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh thấp hơn mức bình quân của các địa phương khác trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Hệ thống lưới điện vừa cũ vừa thiếu. Hạ tầng công nghiệp chưa phát triển đồng bộ. Cơ sở vật chất giáo dục nghèo nàn. Phần lớn các bệnh viện đều cũ, thiếu trang thiết bị y tế, chưa đáp ứng được nhu cầu khám và điều trị cho nhân dân...
Trước thực trạng đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (năm 1997) đã đề ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, điện, đường, trường, trạm phục vụ phát triển kinh tế và an ninh, quốc phòng. Với nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ, 3 năm sau ngày tái lập tỉnh, nhiều công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được xây dựng. Hệ thống giao thông được đầu tư cải tạo, nâng cấp góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng. Nhiều tuyến đường liên tỉnh, liên huyện, liên xã, đường giao thông nông thôn được khánh thành, đưa vào sử dụng như quốc lộ 5, cầu An Thái… Trong giai đoạn này, toàn tỉnh đã nâng cấp, làm mới 215 km đường do tỉnh, huyện quản lý, 5.900 km đường thôn, xã; xây mới 2.610 phòng học; nâng cấp 12.250 m2 bệnh viện, trạm y tế. Tỉnh cũng đã hoàn thành mục tiêu xây dựng 70% số phòng học phổ thông và 70% số trạm y tế xã kiên cố, cao tầng. Hệ thống thông tin liên lạc, bưu chính, viễn thông tiếp tục được đầu tư mở rộng, phát triển cả về số lượng và chất lượng theo hướng hiện đại hóa.
Huy động các nguồn lực đẩy mạnh đầu tư
Từ năm 2001 đến năm 2011, tổng vốn đầu tư cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh lên tới 117.163 tỷ đồng, trong đó đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp 7.511 tỷ đồng, công nghiệp, xây dựng 67.177 tỷ đồng và khu vực dịch vụ 42.475 tỷ đồng. Ngoài đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên các lĩnh vực, trong giai đoạn này, Hải Dương đã huy động nguồn vốn khá lớn đầu tư cho phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là nguồn vốn từ khu vực FDI và khu vực ngoài quốc doanh, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội của tỉnh. Trong lĩnh vực giao thông, xây dựng, Hải Dương đã xây dựng các nút giao từ các địa phương thông ra quốc lộ, cầu vượt dân sinh, đường gom. Nhiều tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh được nâng cấp, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được Nhà nước triển khai xây dựng. Nhiều tuyến đường mới cũng được đầu tư như: đường vành đai phía đông, phía tây TP Hải Dương, đường nối TP Hải Dương với các huyện phía nam. Cải tạo, nâng cấp và làm mới 319 km đường, 37 cầu với chiều dài 5,5 km... Hạ tầng các khu công nghiệp như Đại An, Nam Sách, Phúc Điền, Tân Trường, Phú Thái... đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh. Hạ tầng điện, thông tin liên lạc, cấp thoát nước của tỉnh cũng tương đối hoàn chỉnh. Hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh được đầu tư phù hợp với chức năng, nhiệm vụ từng tuyến. Nhà lớp học các trường THPT đã được kiên cố hóa cao tầng. Tỷ lệ phòng học kiên cố bình quân đạt 74,2%.
Đến năm 2016, sau 20 năm tái lập tỉnh, hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được xây dựng khá đồng bộ, hiện đại. Các nguồn vốn huy động được quản lý, phân bổ, sử dụng hiệu quả, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải và nợ đọng xây dựng cơ bản. Thực hiện khâu đột phá chiến lược trong xây dựng kết cấu hạ tầng, cùng với nguồn vốn hỗ trợ của trung ương, Hải Dương đã tập trung đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng quan trọng, có tác động rất lớn tới phát triển liên vùng và phục vụ tốt đời sống dân sinh. Nhiều trục đường giao thông chính, hệ thống giao thông nông thôn, mạng lưới cấp nước sạch, các dự án lớn đã hoàn thành như cầu Hàn, Nhà máy chế biến rác thải sinh hoạt, nút giao lập thể Ba Hàng, đường 62 m kéo dài, cầu Chanh, cầu Hiệp, cầu Ràm, đường 388 đoạn An Thái - Mạo Khê... Một số dự án quan trọng khác đang được đầu tư xây dựng như: đường trục Bắc - Nam, đường vào khu di tích đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc. Tỉnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 1.811 phòng học kiên cố, nâng tỷ lệ phòng học kiên cố ở các cấp học lên 91,5%. Cơ bản hoàn thành việc đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi Hải Dương. Cải tạo, nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần và bệnh viện các huyện, thị xã, thành phố. Hoàn thành và đưa vào sử dụng Thư viện Tổng hợp tỉnh...
Để đạt được mục tiêu sớm trở thành tỉnh công nghiệp, Hải Dương còn phải nỗ lực phấn đấu rất nhiều. Tuy nhiên, với nền tảng vững chắc là hệ thống hạ tầng đồng bộ, sự quyết tâm của chính quyền và sự ủng hộ của người dân, chắc chắn mục tiêu đó sẽ sớm trở thành hiện thực.
VỊ THỦY