Sự phát triển của công nghệ mang đến những tiện ích vượt bậc, trong đó có phát triển và lan tỏa văn hóa đọc.
Thiết bị công nghệ đã giúp độc giả tiếp cận với kho sách khổng lồ
Nhiều lựa chọn
Ngày nay, bên cạnh sách giấy, độc giả yêu thích đọc sách có nhiều lựa chọn để duy trì sở thích của mình. Ngoài những kho sách điện tử (ebook) còn nhiều trang đọc sách online, thậm chí cả sách nói (audiobook).
Đọc sách điện tử có chút rườm rà khi người đọc phải tải sách về, phải đầu tư thiết bị chuyên dụng để đọc. Nhưng bù lại ebook cho người xem cảm giác gần như đọc sách giấy và có thể đọc mọi lúc, mọi nơi. Đọc sách trực tuyến trên web thì đơn giản hơn, nhưng không có cảm giác như xem sách giấy, đọc lâu sẽ mỏi mắt hơn và phải có internet. Chỉ cần một chiếc máy tính hoặc chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet là người đọc có thể có ngay cả kho sách trong tầm tay, thậm chí có thể tương tác với tác giả hoặc những người có cùng sở thích về tác phẩm. Những trang web như một thư viện trực tuyến được yêu thích hiện nay như gacsach.com, waka.vn, sachtot.vn... Chưa kể các ứng dụng sách nói đa dạng, dễ dàng cài đặt trên các thiết bị thông minh như BookMobile, Vina reader, Audible, Spotify... Bạn đọc chỉ cần truy cập ứng dụng, chọn tác phẩm, nhấn nút nghe.
Thực tế trước đây, số người biết đến hệ thống sách trực tuyến tại Việt Nam vẫn chưa nhiều, nhưng kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, tình hình đã thay đổi rõ ràng hơn. Ở Hải Dương, không ít các bạn trẻ đã tự tìm tòi, tiếp cận với các tính năng đọc sách hiện đại.
Theo bạn Nguyễn Ngọc Hương ở phường Tân Bình (TP Hải Dương), vì thích đọc sách nên hay đặt sách qua sàn thương mại điện tử Tiki.vn. Khi Hải Dương trong tâm dịch, không thể chuyển sách về địa phương thì Hương tìm đọc những cuốn sách yêu thích trên hệ thống sách trực tuyến. “Tôi có thói quen đọc sách giấy nhưng khi tiếp cận với kho sách trực tuyến trên mạng thì thấy cũng khá tiện lợi, đặc biệt ứng dụng sách nói khá hay, giúp mình tận dụng được thời gian”, bạn Hương nói.
Còn bạn Hoàng Kiên ở TP Chí Linh thì hay nghe đọc sách qua Spotify, một ứng dụng nghe nhạc trực tuyến nổi tiếng thế giới. "Ứng dụng có thu phí nhưng mức phí hợp lý”, Kiên cho biết.
Nuôi dưỡng thói quen đọc sách
Dù nhiều tiện ích nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc “căng mắt” đọc sách trên điện thoại, máy tính quá lâu sẽ ảnh hưởng đến thị giác. Chưa kể khi chọn sách online, người đọc cũng cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng để tránh lạc vào những tác phẩm không phù hợp. Nhiều ý kiến còn lo ngại sự bùng nổ của sách online sẽ khiến những cuốn sách giấy truyền thống sớm chết yểu. Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Bích Liên, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh thì sách điện tử hay sách online ra đời không có nghĩa sách ở thư viện truyền thống bị bỏ quên, mà đây là cách làm phong phú nguồn sách để bạn đọc có nhiều lựa chọn.
Hiện Thư viện tỉnh mới áp dụng công nghệ số vào một số hoạt động để xử lý kỹ thuật, quản lý dữ liệu sách và phục vụ nhu cầu tra cứu sách của bạn đọc… Thư viện đã nâng cấp và sử dụng phần mềm Mylib 8.0 để quản lý 250.000 đầu sách trên hệ thống. Thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện, Thư viện tỉnh đã chuyển đổi hình thức phục vụ bằng cách đăng tải hình ảnh sách, viết giới thiệu sách trên fanpage và trang tin của thư viện. Cách làm này không chỉ nuôi dưỡng thói quen đọc sách của bạn đọc mà còn giúp nhiều bậc phụ huynh hiểu thêm về kỹ năng đọc sách cho trẻ tại nhà…
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu chung là ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại. Thư viện tỉnh đang xây dựng kế hoạch thực hiện, khi được đưa vào sử dụng độc giả sẽ dễ dàng truy cập vào nguồn tài nguyên thông tin phong phú qua các thiết bị thông minh để có thể đọc sách ở mọi lúc, mọi nơi.
“Thời đại công nghệ số phát triển nhưng sách giấy vẫn có những ưu thế riêng nên vẫn có độc giả. Việc phát triển hệ thống sách điện tử, hình thức đọc sách trực tuyến cũng như ứng dụng công nghệ trong hoạt động của thư viện là điều đáng mừng bởi nó đang góp phần không nhỏ thúc đẩy phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc trong giới trẻ hiện nay”, bà Liên nói.
Năm 2014, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21.4 hằng năm là "Ngày Sách Việt Nam". Từ năm nay, ngày 21.4 sẽ là "Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam" theo quyết định tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV. Việc đổi tên gọi một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ đối với sự nghiệp phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam. |
HUYỀN ANH