Kể kỷ niệm làm phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong”, Trần Lực cho biết anh sẽ vẫn nhận lời nếu được mời đóng Bác Hồ lần nữa, dù đó là thử thách rất lớn.
Vai Nguyễn Ái Quốc trong bộ phim Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong mang lại cho nghệ sĩ Trần Lực giải thưởng Nam diễn viên được yêu thích tại giải Mai Vàng 2003. Nhân dịp Quốc khánh 2.9, VTC News có cuộc trò chuyện với anh về vai diễn đặc biệt này.
- Thưa đạo diễn Trần Lực, mỗi dịp 2.9, nhớ đến Bác Hồ, nhiều người dân Việt Nam lại nhắc vai diễn của anh trong phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong”. Cảm giác của anh thế nào khi nhận vai vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc?
Năm 2003, tôi đang đóng phim Gửi lại mai sau của đạo diễn Hà Sơn thì được mời casting bộ phim Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong. Dù rất bận với lịch quay nhưng khi biết sẽ casting vai Nguyễn Ái Quốc, tôi đã thu xếp công việc tham dự ngay.
Hôm đó chỉ có một mình tôi thử vai, anh Khắc Lợi (đạo diễn phim) đóng thế vai nữ. Đoàn phim quay thử phân đoạn Nguyễn Ái Quốc ăn cơm với cá kho trám, món ăn đậm chất Việt khiến Nguyễn Ái Quốc nhớ về quê nhà… Khi được chính thức mời tham gia phim, tôi đã rất vui bởi đây là nhân vật đặc biệt mà bất cứ diễn viên nào cũng muốn được thể hiện.
- Bên cạnh đó là những thách thức nữa chứ, phải không anh?
Để thực hiện bộ phim, cả ê-kíp chúng tôi đứng trước thách thức cực kỳ to lớn, đó là làm phim về Bác phải chính xác, nghiêm túc, chân thật mà vẫn thu hút được người xem, phải thể hiện được tầm vóc to lớn của vị lãnh tụ vĩ đại ở cái tuổi "tứ thập nhi bất hoặc".
40 được cho là cái tuổi có thể hiểu thấu mọi sự lý trong thiên hạ, có kiến thức và kinh nghiệm phong phú, nên đối với những việc diễn ra trong xã hội phải có chính kiến rõ ràng, kiên định, không còn nghi ngờ.
Tuổi tráng niên của một người bình thường đã là như vậy thì ở Bác càng có những chiều kích sâu lắng, bởi ở tuổi này Bác đã bôn ba nhiều nước, học hỏi được nhiều lý thuyết và trải nghiệm nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Thế nên tôi đã phải đọc đi đọc lại cả một kho sách, tài liệu lưu trữ, xem lại rất nhiều ảnh, phim tài liệu về Bác.
Thời gian đó, tôi cùng đạo diễn Khắc Lợi ngày nào cũng đến Bảo tàng Hồ Chí Minh để nghiền ngẫm những tư liệu về Bác, đặc biệt là thời kỳ Người ở Hong Kong.
Chúng tôi còn nhiều lần gặp ông Vũ Kỳ - người thư ký thân thuộc của Bác - để tìm hiểu về cuộc sống thường ngày, những dáng điệu, ngôn ngữ, thói quen, sở thích của Người.
Trải qua nhiều tháng ròng tiếp cận tư liệu về Bác, tôi càng hiểu, càng kính yêu và cảm phục cốt cách của Nguyễn Ái Quốc, càng thấm dần hình ảnh Bác thời kỳ Người ở tuổi 40 và hình thành càng rõ nét nhân vật vĩ đại mà tôi được may mắn hóa thân vào.
- Nếu trong thời gian tới lại được mời vào vai Bác Hồ, anh có sẵn sàng đảm nhận không?
Có thể một số người sẽ sợ lặp lại mình trong vai diễn về cùng một nhân vật; thêm nữa đó lại là vai diễn về Bác - vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. Nhưng với tôi và bất cứ nghệ sĩ nào, việc được chọn đóng vai Bác không chỉ là vinh dự mà còn là thử thách để làm sao thể hiện được niềm kính yêu, quý trọng của một người dân đất Việt dành cho Bác.
Vì thế, nếu được chọn, tôi sẽ vẫn nhận lời và cố gắng hết sức hoàn thành vai diễn một cách hoàn hảo hơn, cảm xúc chín muồi hơn nữa.
- Từng đóng những bộ phim về đề tài cách mạng và bộ đội cụ Hồ như "Hoa ban đỏ", "Người đi tìm dĩ vãng"…, vậy ngày Quốc khánh 2.9 trong “người lính Trần Lực” có ý nghĩa thế nào?
Với tôi, 2.9 là ngày Tết Độc lập, là mốc son trong lịch sử Việt Nam. Tôi đã xem đi xem lại rất nhiều lần hình ảnh ngày 2/9/1945 và cuộc mít tinh đông đảo tại quảng trường Ba Đình; người dân ai cũng hân hoan phấn khởi chờ đón giờ khai sinh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong không khí náo nức ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị trong bộ quần áo ka ki, thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố với quốc dân đồng bào và toàn thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… Những hình ảnh ấy đã khiến tôi thật sự xúc động.
- Là diễn viên giàu kinh nghiệm, một trong những người tiên phong mở hãng phim tư nhân đầu tiên ở Việt Nam, vì sao anh chưa làm phim về đề tài Bác Hồ, hay về ngày 2.9?
Vấn đề lớn nhất nằm ở kinh phí. Dòng phim lịch sử này phải dựng lại không khí thời xưa với bối cảnh, đạo cụ, phục trang… đòi hỏi kinh phí sản xuất cao. Phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh hay phim chiến tranh không làm thì thôi, đã làm thì phải tới được tận cùng vấn đề. Có vậy mới hấp dẫn, mới kéo được khán giả tới rạp hoặc bật tivi xem. Đã qua rồi thời làm phim phiên phiến cẩu thả chỉ nhằm mục đích tuyên truyền.
- Anh có kế hoạch gì cho ngày 2.9 năm nay không? Anh có thể chia sẻ với độc giả về ngày 2.9 của gia đình mình mỗi năm?
Mọi năm vào dịp nghỉ lễ 2.9 là cả nhà tôi lại sum họp, cùng nhau nhắc lại ký ức trong ngày hội chung của toàn dân tộc. Đó cũng là ngày chúng tôi lượn phố, hòa chung với không khí vui vẻ của mọi người, chụp ảnh kỷ niệm gia đình, tối thì liên hoan. Vui lắm!
Năm nay thì bớt vui vì cả nhà tôi vừa bị COVID-19 “hỏi thăm”. Bố tôi nặng nhất, phải nhập viện và giờ vẫn đang điều trị. Tôi cứ đi đi về về, vừa chăm sóc bố vừa lo việc nhà cùng công việc của mình.
Bố tôi có tuổi nên sức khỏe yếu, vì thế cả gia đình đều lo lắng. Tết Độc lập năm nay chỉ mong cụ mau khỏe để kể lại những câu chuyện trong ngày lễ lớn trải dài suốt cuộc đời. Năm nay cả nhà lại được sum vầy, thế là vui và ý nghĩa lắm rồi.
- Xin cảm ơn anh!
Theo VTC