Đêm ân tình

01/09/2022 08:05

Gấp cuốn sổ tay lại cẩn thận, cài cây bút máy vào túi ngực, chính trị viên trưởng Nguyễn Văn Hướng nhìn tôi cười cười. Hướng hơn tôi cả tuổi đời lẫn tuổi quân.

Minh họa: PHÙNG BẢN

Gấp cuốn sổ tay lại cẩn thận, cài cây bút máy vào túi ngực, chính trị viên trưởng Nguyễn Văn Hướng nhìn tôi cười cười. Hướng hơn tôi cả tuổi đời lẫn tuổi quân. Tuy vậy trong sinh hoạt hằng ngày, Hướng vẫn gọi tôi bằng anh rất trịnh trọng. Có thể với Hướng đó là thói quen. Cuộc họp buổi sáng, mà sau này người ta gọi là giao ban, đã xong xuôi, mọi người quay sang bàn chuyện phiếm dăm phút về nhiệm vụ sắp tới của đơn vị. Toàn những “tham mưu con”, ngay cả Hướng cũng chỉ biết trước nhiệm vụ không quá một tuần. Hướng thuộc diện ít nói. Nhưng mỗi câu nói của anh đều khiến người nghe phải suy nghĩ một cách nghiêm túc. Tôi có cảm giác hình như hôm nay có cái gì khang khác ở anh. Hướng ngồi im hút thuốc nghe mọi người bàn chuyện. 

Đại đội tôi đã huấn luyện xong. Thời gian này là nghỉ ngơi chờ lệnh lên đường vào Nam chiến đấu. Chợt Hướng hỏi: “Hình như quê anh Hoàng ở đâu gần đây nhỉ?”. Tôi nói: “Báo cáo chính trị viên trưởng, đường tắt cũng phải hơn ba chục cây số đi bộ”. Hướng hỏi tiếp: “Liệu hai đêm một ngày cả đi lẫn về có kịp không?”. Những ai từng tham gia quân đội trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước đều hiểu thời gian về thăm gia đình là hiếm hoi, là vô cùng quý giá. Nghe Hướng hỏi, tôi tính nhanh trong đầu: Đi, về mất chừng một đêm, còn những hai chục tiếng ở nhà. Tôi đáp: “Dạ, được ạ”.

18 giờ, tôi rời đơn vị. Buổi tối mùa đông rét căm căm. Nhưng lúc này tôi không còn cảm giác rét nữa. Niềm vui sắp gặp cha mẹ, anh em và cả người yêu khiến mỗi bước chân tôi như bay lên. Đi bộ được chừng hai chục cây số, đôi chân tôi có vẻ mỏi nên nhìn quanh xem có hàng quán nào để vào nghỉ tạm. Từ đây về nhà còn hơn chục cây nữa, chả đi đâu mà vội. Tôi cứ tưởng tượng ra niềm vui bất ngờ của gia đình khi thấy tôi về thăm. Trăng thượng tuần treo cao, to và nặng. Tiếng đài pin nhà ai vẳng ra lời bài hát quen thuộc “Hành khúc ngày và đêm” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Giai điệu hành khúc nhưng thật thiết tha. Lời ca tuyệt đẹp bay đi, bay xa tan vào khoảng đêm mênh mông. Trái tim tôi khẽ xao động. Giá như lúc này được dừng lại lắng nghe trọn bài hát? Giá như được bước vào ngôi nhà ấm áp ấy uống một bát nước chè xanh nóng thì quý biết bao.

Chợt lẫn trong tiếng hát có tiếng người gọi: “Anh bộ đội ơi!”. Tôi dừng bước ngơ ngác nhìn quanh. Dưới ánh sáng của ánh trăng, tôi nhận ra một cô gái đang sầm sập chạy về phía tôi. Đến gần tôi, cô dừng lại thở hổn hển. Cô chừng 20 tuổi, có cái mũi hơi hếch, đôi mắt sâu chứa đựng nửa vui mừng, nửa ngại ngùng. Tĩnh tâm lại, tôi còn nghe thêm tiếng nói lao xao trong một ngôi nhà gần đó. Hẳn gia đình đang bàn luận một việc gì rất hệ trọng. Thì ra mải đi tôi không để ý có một ngôi nhà chìm lẫn giữa những vạt lúa gần đường. Tôi hỏi: “Cô vừa gọi tôi?”. Cô gái mau mắn: “Vâng, vâng. Em muốn nhờ anh chút việc”. Miệng nói, cô gái túm chặt tay tôi lôi thốc đi, nét mặt cô lộ vẻ căng thẳng. Tôi hỏi: “Tôi có thể giúp cô được việc gì?”. Cô gái nói nhanh: “Tên em là Phượng. Anh nhận mình là Phương nhé”. Tôi giật mạnh tay ra khỏi tay Phượng, hỏi bằng cái giọng có phần hơi gay gắt: “Sao lại thế? Cô định lừa ai à?”. Nói xong tôi mới biết mình lỡ lời. Chưa biết sự việc ra sao đã vội nặng lời với một người con gái. Nhìn đôi mắt Phượng ngân ngấn nước, tôi động lòng hỏi: “Chuyện gì mới được cơ chứ”. Phượng bảo: “Anh cứ theo em sẽ rõ”.

Vừa bước vào nhà Phượng đã hồ hởi nói to: “Bố ơi, anh Phương đã về đây rồi”. Nói xong, Phượng kéo tôi đến sát một cái giường đơn cũ kỹ. Mọi người trong nhà dãn ra nhường lối cho tôi và Phượng. Một người đàn ông chừng sáu mươi tuổi nằm thẳng trên giường. Cái chăn chiên mỏng đắp từ cổ xuống che hết thân hình mỏng dính. Khuôn mặt ông sạm nắng gầy hốc hác, tiếng thở rất khó nhọc. Phượng phải gọi to mấy lần người đàn ông mới từ từ hé mắt. Lúc này tôi mới hiểu công việc Phượng cậy nhờ. Xúc động, tôi cúi xuống nâng nhẹ tay ông, nói khẽ: “Bố, bố ơi, con đây, con Phương của bố đã về đây”. Chẳng rõ ông có nghe thấy, có nhìn thấy tôi không? Chỉ thấy bàn tay ông khẽ lay động. Bàn tay rắn rỏi của tôi nắm lấy bàn tay mềm rũ, lạnh ngắt như không còn chút sinh khí nào của ông. Một người đàn bà đặt sát giường cho tôi một cái ghế cao rồi ấn vai tôi ra hiệu ngồi xuống. Giờ tôi mới thấy đôi chân mình mỏi rã rời. Tôi gật đầu cảm ơn. Một người đàn bà khác thân hình phốp pháp bước nhanh đến cạnh Phượng thầm thì: “Cụ thế nào rồi?”. Phượng đáp: “Dạ, vẫn thế”. Người đàn bà lại nói: “Chắc chờ giờ. Con phải thật chú ý giờ cụ đi nhé. Sau này còn căn cứ vào đó để xem giờ nhập quan, giờ đưa tang nữa đấy. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành con ạ”. 

Ngồi lặng bên ông già tôi biết tất cả mọi đôi mắt đang chăm chú nhìn vào tôi. Tôi hết nhìn ông già rồi nhìn quanh trong nhà. Qua ánh đèn bão treo cao, căn nhà có vẻ nhỏ hơn khi nhìn từ bên ngoài. Nó như chìm dưới hàng tre chạy dài theo con lộ liên xã. Mọi tài sản của người nông dân hiện ra rõ rệt. Chẳng khác gì quê tôi. Ngôi nhà một gian hai chái, lòng nhà rộng hơn ba mét. Gian giữa là cái rương to, cao ngang tầm ngực thay cho bàn thờ, bên trên là tấm ảnh chân dung một người đàn bà ngoài 50 tuổi, chắc mẹ Phượng. Một cái bát hương to chi chít chân nhang. Một bộ bàn ghế được làm từ tre đã lên nước nâu bóng kê trước cái rương. Gian tôi đang ngồi kê một cái giường đơn. Gian bên kia là cái giường đôi, có cái màn gió bằng vải dù pháo sáng che phía đầu. Cạnh cây cột cái có treo tấm ảnh một chàng trai trẻ trạc 18 - 19 tuổi. Tôi đoán đó là Phương, anh ruột Phượng. Mấy bà hàng xóm ngồi trên cái giường đôi nói chuyện thầm thì. Tuy rất nhỏ nhưng tôi vẫn nghe rõ. 

Thì ra tên ông già là Thảo. Ông bà có hai người con, anh Phương là cả, sau đến Phượng. Anh Phương nhập ngũ từ năm 1968. Ba năm trước, bà Thảo đi làm đồng bị cảm đột ngột nên qua đời. Từ ngày vợ mất, ông Thảo ốm lên ốm xuống. Cuối năm ngoái xã nhận được giấy báo tử của anh Phương. Sợ cha già không chịu nổi cú sốc nên Phượng đề nghị xã lùi lại chờ khi nào bố khỏe sẽ tổ chức truy điệu anh Phương. Nào ngờ sức khỏe ông Thảo ngày càng suy kiệt, khi nhớ khi quên. Lúc tỉnh ông gọi tên con trai, mong một lần gặp mặt thì dẫu có đi theo vợ cũng thỏa lòng. Cho đến đêm nay thì sức ông đã cạn kiệt lắm rồi, mong manh như ngọn đèn trước gió. Muốn cha yên lòng nhắm mắt, Phượng liều lĩnh ra đường tìm một anh bộ đội vào đóng thế. Và Phượng đã gặp tôi. Có lẽ nên như thế. Thà một lời nói dối yêu thương còn hơn sự thật cay đắng, đớn đau với người cha đã như ngọn đèn dầu trước bão. Một người tỏ vẻ cảm thông, nói như để cho tôi nghe thấy: “Đúng là bộ đội Cụ Hồ. Thời buổi chiến tranh, cuộc sống trở nên bận rộn thì việc bỏ ngày bỏ buổi ra giúp một người không hề quen biết là một việc làm rất đáng trân trọng. Không biết anh bộ đội này tên là gì, ở đơn vị nào? Thật may cho con Phượng”.

Đêm về khuya, gió bấc lạnh buốt thổi ào ào. Thi thoảng một cơn gió lọt qua khe cửa lạnh thấu xương. Phượng đứng phía sau nhìn tôi. Còn tôi vẫn ngồi lặng trên ghế ngắm gương mặt ông Thảo. Trong màn suy tưởng, tôi thấy ông Thảo cũng như cha mẹ tôi ngày nào cũng mong ngóng tin con. Lòng tôi chùng xuống. Hình như lúc này Phượng có vẻ bình tĩnh hơn chứ không còn cái khuôn mặt bệch bạc, hoảng sợ như trước nữa. Nhìn vào mắt Phượng, tôi hiểu tâm trạng rối bời của cô trước sinh mạng của cha. Phượng ghé sát tai tôi, nói khẽ: “Khuya lắm rồi, anh tranh thủ chợp mắt lấy một lúc cho đỡ mệt. Sáng mai còn phải lấy sức về đơn vị”. Giọng cô thấp xuống, thiết tha như lời người em gái nói với anh trai. Tôi hiểu câu nói của Phượng thay cho lời cảm ơn. Mà có lẽ như thế lại hơn. Trước một việc thiện lành thì mọi ngôn từ bỗng trở nên nghèo nàn. Chỉ có ánh mắt mới truyền đạt được đầy đủ những gì cần nói. Tôi định rút bàn tay mình ra khỏi bàn tay lạnh ngắt của ông Thảo. Nhưng có một cái gì đó như níu lại khiến tôi không nỡ rời ra.

Một đêm ở trong nhà một người xa lạ là chuyện bình thường đối với người lính như tôi. Nhưng cụ thể trong trường hợp này thì giàu trí tưởng tượng đến đâu tôi cũng không thể nghĩ tới. Suốt đêm ấy, tôi cứ ngồi im như thế và vẫn nắm bàn tay ông Thảo không rời, như đứa con ruột nắm bàn tay cha phút hấp hối. Qua khe cửa, tôi biết trời đã sáng rõ. Cả căn nhà vắng lặng nghe được cả tiếng gió lướt ngang vườn sau xào xạc. Một vệt mây trắng hiện lên trên nền trời màu xám. Tiếng chuông nhà thờ ngân nga. Chợt tôi thấy bàn tay mình động mạnh. Tôi giật mình sửng sốt. Ông Thảo đã mở mắt từ khi nào. Đôi mắt ông sáng kỳ lạ, lấp lánh. Đôi môi ông mấp máy như muốn nói điều gì. Da mặt ông ửng hồng, không còn cái sắc của người đang gần đất xa trời. Trong đôi đồng tử thăm thẳm mênh mông của ông, tôi thấy gương mặt mình trong đó. Cả người tôi gai lên như có luồng điện chạy qua. Phượng ôm choàng lấy tôi không giấu nổi niềm vui. Giọng cô như tiếng reo của đứa trẻ thấy mẹ về chợ: “Bố sống lại rồi, anh Phương ơi”. Chúng tôi nhìn nhau trong niềm vui sướng khôn cùng. Sau này về đơn vị tôi kể cho mọi người nghe, nhưng không ai giải thích nổi hiện tượng ấy. Người thì bảo số ông Thảo chưa tận. Nhưng có người lại bảo niềm vui được gặp con trai đã giúp ông vượt qua bệnh tật. 

Thấy ông Thảo đã khỏe, tôi xin phép Phượng và mọi người đi ngay. Nhưng Phượng kiên quyết giữ lại bảo ăn uống xong rồi hãy đi. Vậy là đến gần trưa tôi mới rời khỏi nhà Phượng. Phượng hỏi: “Giờ anh về nhà hay về đơn vị?”. Tôi bảo: “Thời gian không kịp. Anh không thể có mặt muộn giờ. Đơn vị anh chuẩn bị đi B rồi”. Phượng cầm tay tôi bịn rịn: “Em thay mặt bố cảm ơn anh nhiều lắm. Chúc anh lên đường chân cứng đá mềm. Khi nào có điều kiện rẽ qua nhà thăm bố và em”. 

Ngày hòa bình, trên đường về quê tôi rẽ vào thăm gia đình Phượng. Phượng không còn ở đó nữa. Người đàn ông lạ đưa tôi một bì thư đã cũ nhưng còn lành lặn, sạch sẽ cùng lời nói: “Ông Thảo sống thêm được một năm nữa. Còn cô Phượng sau này đi bộ đội. Hiện đóng quân trên Thái Nguyên”. Tôi vội bóc bì thư. Trong thư Phượng viết có đoạn: “Hãy tha thứ cho em, do vội quá mà em không kịp hỏi tên cũng như địa chỉ của anh. Em ân hận lắm. Cho đến lúc mất bố vẫn tin rằng đêm ấy gặp được con trai. Ông rất vui. Ông động viên em nếu có điều kiện nên vào quân đội. Và giờ em đã trở thành đồng đội của anh rồi đấy!”.

 Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đêm ân tình