Người dân làng hoa Sa Cát, phường Hoàng Diệu, tỉnh Thái Bình đang đứng ngồi không yên khi Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 cận kề nhưng những gốc đào thế, đào cảnh lại bị chết khô không còn khả năng cứu chữa.
Người dân thu gom những gốc đào chết khô
Khác với cảnh tất bật ra ruộng đào để chăm xới, vun trồng, thực hiện những công đoạn cuối cùng để cây ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán như mọi năm, năm nay sự đìu hiu bao trùm cả làng đào khi những vườn cây đồng loạt héo rũ, cả chục ngàn cây đào chỉ còn trơ trụi mớ củi khô.
Đào thế tiền triệu chết hàng loạt
Những ngày này, nhiều vườn đào của người dân tại làng Sa Cát bỗng xác xơ vì đào chết hàng loạt, những cây còn sống cũng đang héo rũ, lá non nhăn nheo… chờ chết. Nhiều gia đình bỏ mặc cho cây khô héo trên cánh đồng, một số hộ nhổ cây vứt bên đường để lấy đất trồng hoa màu khác nhằm gỡ gạc lại chút vốn liếng.
Tại vườn đào hộ anh Vũ Ngọc Tĩnh (trú tổ 9, phường Hoàng Diệu), khoảng 200 gốc đào, chủ yếu đào thế đang xanh mướt bỗng nhiên héo rũ, chết hàng loạt.
Lúi húi đào những gốc đào bị chết đem bỏ đi, anh Tĩnh buồn bã cho biết năm nay cả nhà tập trung vào 200 gốc đào thế này nhưng sau các đợt mưa dồn dập tháng 9 rồi, các gốc đào lụi đi, lá rũ dần, có biểu hiện chết rễ.
Vườn đào hàng trăm gốc dần héo úa, không còn sức sống tại làng hoa Sa Cát, TP Thái Bình khiến người dân đứng ngồi không yên
Không chỉ gia đình anh Tĩnh, tất cả các hộ trồng đào ở đây mọi năm phải phủ rơm rạ ở gốc để giữ nước nhưng năm nay đậy không thấy rễ ăn lên. Thấy có "dấu hiệu", anh Tĩnh không dám bón phân mà chỉ tập trung phun thuốc kích rễ nhưng cũng không ăn thua.
"Hơn 30 năm trồng và gắn bó với cây đào, chưa bao giờ tôi thấy như năm nay. Có lẽ do mưa quá nhiều khiến cây đào bị hỏng rễ, chết rễ", anh Tĩnh chia sẻ.
Chỉ vào gốc đào thế vừa được người dân đánh lên xin về... làm củi, ông Nguyễn Văn Mạc xót xa cho biết mỗi cây đào thế thì chi phí đầu tư, chăm sóc đã mất khoảng 3 triệu đồng.
"Đợt mưa lớn kéo dài tháng 9 và 10, dù đã làm đủ mọi cách nhưng chúng tôi vẫn không tránh được ngập úng. Hiện chưa thể tính được chết bao nhiêu gốc vì đào giờ chết dần dần" - ông Mạc chua xót nói.
Trắng tay vì đào chết
Hộ gia đình ông Vũ Duy Phiên, giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp phường Hoàng Diệu, cũng có cả trăm cây đào cùng chung số phận chưa kịp nhổ bỏ vì vợ chồng ông bận việc.
Theo ông Phiên, trên địa bàn phường Hoàng Diệu có gần 200 hộ trồng đào, tổng diện tích khoảng 16ha, năm nay các hộ trồng hơn 40.000 gốc đào thế lẫn đào thường (trong đó khoảng 12.000 gốc đào thế) để cung cấp ra thị trường dịp Tết 2023.
Nhưng đến thời điểm này đã có khoảng 4.000 gốc đào thế, 8.000 gốc đào thường của 148 hộ trồng đào bị chết, người dân phải phá bỏ.
Hàng loạt gốc đào thế nhiều năm tuổi cũng bị chết khô, không có khả năng cứu chữa
Nhẩm tính nhanh, ông Phiên cho biết 100 gốc đào chết thì thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Năm nay là năm người trồng đào gặp vô vàn khó khăn, giờ họ đang cố phục hồi, chăm sóc những gốc đào còn sót lại nhưng nguy cơ số gốc còn lại sẽ không nở đúng dịp và không được đẹp như những năm trước.
Theo những người trồng đào lâu năm ở làng đào Sa Cát, đây là một hiện tượng hiếm gặp, có thể do thời tiết năm nay mưa nhiều, dẫn tới cây đào bị úng nước đến chết. Anh Tĩnh cho biết thêm như mọi năm, vừa bán và cho thuê thì gia đình thu được khoảng 600 triệu đồng nhưng năm nay xác định mất trắng.
"Đào chết chỉ có nước đào gốc, nhổ bỏ chứ không vớt vát được nữa. Tôi còn đang lo khách quen nhiều năm thuê đào, rồi khách gửi gốc thuê mình chăm sóc giờ không biết lấy đâu ra đào cho họ" - anh buồn bã nói.
Theo Tuổi trẻ