Sự tích chợ Cháy và đền thờ Hoàng Thị

17/08/2010 09:24

Vùng đất Cẩm Chế (Thanh Hà) tuy cách xa kinh thành Thăng Long nhưng câu chuyện vềthứ phi Hoàng Thị Hồng và sự tích chợ Cháy có thể giúp tìm hiểu một gócnhìn về thời Lý, hướng tới 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.


Đền thời Thành Hoàng Hoàng Thị Hồng

Sử liệu chép rằng, vào một ngày năm Tân Mão (1171) Vua Lý Anh Tông đi kinh lý miền duyên hải, qua vùng đất Cẩm Chế  thấy một vùng non nước hữu tình, đồng ruộng tươi tốt, dân cư sống quần tụ đông đúc, thanh bình khiến ngài cảm khái. Ngài bách bộ khắp đó đây tìm hiểu dân cư và thưởng ngoạn cảnh sắc. Bỗng đâu ngài vẳng nghe tiếng hát theo ngọn gió từ một vườn dâu. Tiếng hát rằng:

Vua cha lắm bạc nhiều vàng
Uy quyền cao thượng xin đừng chớ quên
Mong Người tích đức tu nhân
Muôn sau sự nghiệp mãi thành sử ghi.


Tiếng hát như vô tình khiến nhà vua vừa động lòng vừa xúc động, bèn cho lính hầu đi tìm người hát ấy. Trước mặt vua, một người con gái vừa độ thanh xuân, nước da trắng hồng như mây chiều, khuôn mặt ngây thơ nhưng thông minh đức độ. Ngay từ phút đầu, nhà vua đã đem lòng yêu mến mời nàng về cung làm thứ phi. Người con gái đó là Hoàng Thị Hồng. Dân gian yêu mến còn gọi là Hoàng Thị.

Hoàng Thị là con gái cả trong nhà 3 chị em. Hai em gái là Hoàng Thị Quỳnh và Hoàng Thị Quế cũng đẹp người đẹp nết. Sử chép rằng: Hoàng Thị giỏi việc chăn trâu, trồng lúa, hái dâu, chăn tằm, dệt lụa và học hành thông minh hơn người. Đồn rằng, lòng bàn tay Hoàng Thị có vân hình chữ Vương. Tính tình nàng vui vẻ, nghịch ngợm nên lúc nhỏ nàng thường bày ra các trò vui, thắng cuộc Hoàng Thị thường được lũ trẻ kiệu về đến đầu xóm.
                                                    *
                                              *           *

Từ ngày về kinh, Hoàng Thị không nguôi nhớ về cha mẹ và hai em, làng xóm quê hương. Vua thấu hiểu tâm trạng nên cho phép nàng về thăm quê. Về quê, thấy dân lầm than, Hoàng Thị đã đem phần lớn số tiền vàng bạc vua ban để lập chợ, lấy tên là chợ Cẩm Chế. Nàng cho đắp đường, bắc cầu, khơi sông ngòi, khuyến khích nông dân trồng dâu, chăn tằm, dệt lụa. Hoàng Thị nêu tấm gương sống nhân nghĩa, cứu vớt người bất hạnh. Sử còn ghi, tuy là thứ phi nhưng Hoàng Thị lại được vua yêu quí nhất trong hàng phi tần trong cung, vì tấm lòng đức độ, thông minh, ít nhiều đã giúp vua phụng sự đất nước, giữ yên bờ cõi. Trong ít ngày về thăm quê nhưng nàng đã tổ chức dựng vợ gả chồng cho nhiều đôi lứa. Nàng cho khơi thông con sông từ Đồng Bẽ, qua Minh Đình, Ao Vang lên chợ, mở rộng buôn bán sang Cam Lộ, giúp cho thuyền bè đi lại thông thương, tạo nên một vùng quê sầm uất.
                                                      *
                                                 *          *

Nhớ người thiếp yêu, Lý Anh Tông triệu Hoàng Thị về cung. Trên đường về kinh, nàng biết mình đã có thai, e sẽ liên lụy lớn vì trước khi về quê nàng chưa báo quan Thái giám nên đã trẫm mình xuống hồ tự vẫn (1). Năm ấy nàng khoảng 20 tuổi. Khi hay tin, vua Lý Anh Tông đau buồn, trong lúc tức giận nhất thời đã cho đốt chợ Cẩm Chế. Chợ cháy đùng đùng trước sự nức nở của nhân dân trong vùng.


Chợ Cháy là chợ trung tâm của 8 xã khu Hà Bắc, huyện Thanh Hà
Một đêm, vua Lê Anh Tông nằm mơ thấy nàng về báo mộng rằng: "Con Người đã hóa thành tiên. Thương nhau xin chớ ưu phiền làm chi. Hãy làm tất cả những gì. Ích dân lợi nước ắt thì thiếp vui" (3). Vua Lý Anh Tông nghĩ lại thấy việc đốt chợ là vội vã nên lại chu cấp bạc vàng về xây lại chợ và dựng ngôi đền cạnh chợ tôn Hoàng Thị Hồng làm Thành Hoàng. Sau đó các đời vua kế nghiệp đã phong sắc cho nàng là "Lý triều Hoàng Thái Hậu" (4).

Từ ngày chợ bị đốt và được xây dựng lại, dân trong vùng gọi chợ là Chợ Cháy. Còn ngôi đền, qua bao đời nhân dân trong vùng góp tiền của, công sức, tu sửa mở rộng trên nền đất cũ. Ngôi đền  hướng ra phía Chợ Cháy. Hằng năm cứ đến tháng 2 âm lịch dân địa phương lại mở hội đền tôn vinh công đức của nàng.

Giờ ngôi đền là một quần thể uy nghi, sân đền bốn mùa cây cối xanh tốt, xung quanh đền được thiết đặt nhiều bia đá, có hình long chầu nguyệt ngự. Trong đền còn có bài vị ghi rõ: "Thánh hậu vi đoan trang, hòa mục linh hiển mầu nhiệm, ân huệ nhân từ, sáng láng phù hộ độ trì, ôn đức quí báu, Lý Thái Hậu thần vị" (5). Sắc phong năm Gia Long thứ 9 ngày 21-8 Canh Ngọ cũng có ghi: "Sắc cho các viên sắc xã trưởng hai xã Du La và Nhân Lư huyện Thanh Hà cùng nhau thờ phụng vị Hoàng thái hậu Triều Lý mà lịch sử đã tôn vinh ngài những chữ đẹp đẽ như sắc chỉ trước đây" (6).

Qua 800 năm, ông Lý Xương Căn, người Cao Ly, hậu duệ đời thứ 26 của Lý Long Tường (Lý Long Tường là con vua Lý Anh Tông do biến cố lịch sử siêu dạt sang Cao Ly) khi được nhập quốc tịch Việt Nam đã nói: "Đất ấy (Cẩm Chế) dù dòng máu có rất ít trong tôi, nhưng nó vẫn chảy mạnh mẽ".

Còn chợ Cháy vẫn họp đông vui như suốt thời gian 800 năm qua. Chợ họp liên tục các ngày trong tháng. Cứ 5 ngày lại có 1 phiên. Vào ngày mở phiên chợ, chợ Cháy chẳng khác gì một ngày hội của nhân dân trong vùng.

Chợ Cháy và sự tích đền thờ Hoàng Thị không chỉ là niềm tự hào của Cẩm Chế ngày nay mà còn là niềm tự hào chung của nhân dân khu Hà Bắc và những người con Thanh Hà xứ Đông.

TIÊU HÀ MINH

-----------------------
 (1) Hiện nay vẫn chưa tìm thấy tên hồ.
(2,3) Truyện thơ của Lê Văn Thuấn
(4, 5, 6) Hoàng Thái Hậu phải là mẹ vua. Nhưng có thể đời các vua sau phong như vậy là cho rằng Hoàng Thị Hồng đã có con làm vua hoặc có con được lập làm Thái tử. Cũng có thể coi cái thai trong bụng sẽ được lập làm Thái tử nên phong tước cho Hoàng Thị Hồng để tỏ lòng sùng kính. Tư liệu này chưa được xác định rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sự tích chợ Cháy và đền thờ Hoàng Thị