Năm 1988, chiếc máy bay thương mại của Hãng hàng không Iran Air mang số hiệu 655 bị tàu tuần dương USS Vincennes của Mỹ bắn rơi, làm 290 người chết.
Các mảnh vỡ máy bay còn sót lại
Sai lầm chết người10 giờ 17 ngày 3-7-1988 định mệnh, cơ trưởng Mohsen Rezaian cùng phi hành đoàn của chiếc Airbus A300B2 số hiệu 655 của Hãng hàng không Iran Air được lệnh cất cánh từ sân bay Bandar Abbas (phía nam Iran) lên đường đi Dubai. Trong khoảng thời gian đó, Hải quân Mỹ đang thử nghiệm hệ thống chiến đấu AEGIS trên hạm tuần dương USS Vincennes gần eo biển Hormuz - nơi chuyến bay 655 sẽ bay ngang qua. Tàu ngầm USS Vincennes lưu đỗ tại vịnh Persian trong bối cảnh cuộc chiến tranh Iran - Iraq vẫn đang diễn ra, được triển khai nhằm bảo vệ tàu chở dầu của Kuwait cũng như hạn chế các hoạt động tàu ngầm của Iran. Hạm trưởng USS Vincennes lúc đó là tướng William C. Rogers III.
Giống như phần lớn các máy bay hiện đại, chiếc Airbus của Iran Air được trang bị hệ thống phát sóng nhận dạng - một phiên bản nâng cấp hơn của hệ thống “nhận dạng, bạn hay thù” (IFF) được dùng trong Chiến tranh Thế giới thứ II. Sau khi cất cánh khỏi đường bay số 21, chiếc Airbus A300B2 mã hiệu 655 được lệnh từ trạm kiểm soát không lưu Bandar Abbas yêu cầu bật hệ thống phát sóng nhận dạng và hướng về vịnh Persian.
Tín hiệu máy bay 655 xuất hiện trên radar của tàu tuần dương Vincennes vào lúc 10 giờ 17 và 10 giờ 19. Theo các tài liệu điều tra sau này của Chính phủ Mỹ, tàu Vincennes đã nhầm chiếc máy bay dân sự này sang thành một chiếc chiến đấu cơ. Giới chức lúc đó đã nhận dạng các thông số bay của chiếc A300B2 giống như một chiếc F-14A của Không quân Iran. Theo Đô đốc William Crowe, Tổng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, hệ thống phát sóng nhận dạng của máy bay dân sự 655 đã phát ra một mã ở kênh quân sự “chế độ 2”. Trong 3 phút tiếp theo, tàu Vincennes đã đưa ra tín hiệu cảnh báo ngược lại trên tần số báo động hàng không quân sự và cũng đã nhiều lần cố liên lạc với phi hành đoàn chuyến bay 655 nhưng không có lời hồi đáp.
10 giờ 24, tướng Rogers ra lệnh bắn hai tên lửa phòng không SM - 2ER vào chiếc máy bay nghi ngờ là chiến đấu cơ F-14A kia. Chiếc máy bay chở 290 người bốc cháy và rơi xuống vịnh Persian, không một ai sống sót. Ngay chiều hôm đó, trực thăng Iran và tàu cứu hộ đã khẩn trương đến khu vực máy bay rơi để tìm kiếm thi thể người gặp nạn. Chỉ cho đến tận tối muộn cùng ngày, binh sĩ hải quân và những người trên tàu Vincennes mới nhận ra sai lầm chết người của mình.
Cuộc chiến không hồi kết
Gia đình các nạn nhân tìm thi thể người thân sau thảm kịch máy bay bị bắn rơi
Ngày 6-7-1988, Hiệp hội Điều tra Hải quân Mỹ do Chuẩn Đô đốc William M.Fogarty chỉ đạo bắt đầu tiến hành điều tra tại Bahrain. Các phiên điều trần chính thức diễn ra chỉ 1 tuần sau đó, và toàn bộ quá trình điều tra cũng như báo cáo gửi tới Hải quân Mỹ được hoàn thành vào ngày 28-7. Bản báo cáo điều tra kết luận việc khai hỏa tên lửa nhằm vào máy bay Airbus A300B2 số hiệu 655 của Iran là một quyết định hoàn toàn tỉnh táo của chỉ huy trưởng dựa trên hoàn cảnh nghi ngờ tàu chiến đang cận kề mối đe dọa lớn từ phía đối phương.
Tổng thống Mỹ Ronald Regan đã gọi đây là “thảm kịch con người tồi tệ” và nói thêm “chúng tôi rất lấy làm tiếc trước bất kỳ mất mát sinh mạng nào”. Mỹ khẳng định vụ bắn hạ Airbus A300B2 số hiệu 655 là “hiểu lầm”. Ngoài tuyên bố ban đầu của ông Reagan, Mỹ chưa bao giờ đưa ra lời xin lỗi, cũng như nhận trách nhiệm chính thức vì bắn hạ chiếc máy bay chở khách Iran. Thậm chí, thủy thủ đoàn có mặt trên tàu Vincennes còn được trao giải và nhận huân chương chiến công. Chính quyền Iran cho rằng Mỹ đã cố tình bắn hạ chiếc Airbus A300B2 như một tín hiệu cho thấy nước này công khai đứng về phía Iraq trong cuộc chiến. Sự kiện trên vẫn ít khi được nhắc tới trong các hoạt động ngoại giao của Mỹ với Iran. Giới quan sát đánh giá sự kiện là một trong những lý do vì sao chính quyền Iran không bao giờ tin tưởng hoàn toàn nước Mỹ.
Hộp đen của chiếc máy bay Airbus A300B2 xấu số vẫn chưa được tìm thấy và các nhà điều tra vẫn không thể nào biết được chu trình bay của chiếc Airbus A300B2 số hiệu 655 lúc đó ra sao, cũng như liệu rằng phi hành đoàn có phớt lờ các tín hiệu cảnh báo của phía tàu ngầm Mỹ hay đơn giản là không hề nghe thấy. Tuy nhiên, trên tàu Vincennes vẫn còn hộp đen riêng, radar AN/SPY-1 và hệ thống máy tính điều khiển vũ khí lắp đặt trên tàu.
Theo như kết luận báo cáo, Hải quân Mỹ cho rằng họ đã nhầm chiếc Airbus A300B2 với máy bay chiến đấu F-14A của Iran. Tuy nhiên, dữ liệu từ hệ thống chiến đấu Aegis cho thấy chiếc Airbus A300B2 đang lấy độ cao để bay lên chứ không giảm dần độ cao điển hình của một cuộc tấn công từ trên không. Tại các thiết bị thu dữ liệu cũng không hề có sự xuất hiện nào khác ngoài tín hiệu ở kênh dân sự “chế độ 3, mã 6760” của chiếc Airbus A300B2, nhưng tàu Vincennes vẫn tiếp tục hiểu sai tín hiệu. Nhiều người nghi ngại rằng tàu Vincennes liên tục gửi cảnh báo qua tần số quân sự trong khi chiếc Airbus A300B2 lại không được thiết kế để nhận các tần số này, và khi tàu Vincennes phát tần số dân sự khẩn cấp thì có thể nó đã hướng sang một máy bay khác.
Theo ghi nhận của các đài điều khiển không lưu, máy bay Airbus A300B2 mã hiệu 655 còn liên lạc radio và sử dụng tần số dân sự chuẩn, thậm chí còn nói bằng tiếng Anh với nhân viên trạm kiểm soát Bandar Abbas chỉ vài giây trước khi bị tàu Vincennes bắn rơi. Một bản báo cáo điều tra của Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) cho biết lúc bắn, tàu Vinccenes đang ở trong lãnh hải của Iran chứ không phải ở cách 64 km về phía nam - nơi con tàu chính thức được lệnh lưu đỗ ở đó như chỉ huy trưởng Roger và Chính phủ Mỹ tuyên bố. Hơn nữa, chuyến bay của Airbus A300B2 mang số hiệu 655 cũng ở trong tuyến đường bay thương mại chứ không hề đi chệch hướng 6 km như trong báo cáo.
Hai phóng viên điều tra John Barry và Roger Charles của tờ Newsweek cho rằng chỉ huy trưởng Rogers đã hành động bất cẩn mà không có sự suy tính kỹ càng, cũng như buộc tội Chính phủ Mỹ bao che cho hành động sai lầm từ phía quân mình. Về phần mình, Iran đã kiện Mỹ lên tòa án quốc tế. Ngày 6-11-2003, Tòa án Công lý quốc tế kết luận hành động của Hải quân Mỹ tại vịnh Persian trong năm 1988 là vi phạm pháp luật. Iran và gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong chuyến bay 655 được nhận một khoản bồi thường trị giá 61,8 triệu USD, tức là hơn 213.000 USD cho mỗi hành khách đi trên chiếc máy bay xấu số Airbus A300B2 mang số hiệu 655. Số tiền này chỉ bằng 1/30 khoản bồi thường mà Mỹ lấy được từ Libya sau vụ đánh bom chiếc máy bay trên bầu trời Lockerbie (Scotland) trong cùng năm đó.
Thảm kịch này đã làm mối quan hệ “cơm không lành canh chẳng ngọt” giữa Iran và Mỹ ngày một leo thang. Và chỉ khoảng 6 tháng sau khi xảy ra vụ tai nạn, ngày 21-12-1988, chuyến bay mang số hiệu 103 của Hãng hàng không Pan Am lịch trình vượt Đại Tây Dương từ sân bay London Heathrow (Anh) tới sân bay quốc tế John F.Kennedy (Mỹ) đã bị “thổi bay” khi đang thực hiện hành trình trên bầu trời Scotland do một thiết bị nổ plastic. 270 người từ 21 quốc gia, bao gồm 11 người ở mặt đất, thiệt mạng. Chính phủ Mỹ và Anh cáo buộc một tổ chức phiến quân Palestine được Iran hậu thuẫn, phải nhận trách nhiệm cho vụ tấn công trên và coi đây là hành động trả đũa nhằm vào Mỹ.
HỒNG HẠNH