Lễ giỗ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ được tổ chức đúng theo nghi thức truyền thống gồm lễ dâng hương và lễ tế.
Các đại biểu dâng hương tưởng niệm tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ
Sáng 21.12, Ban Quản lý di tích Chí Linh tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 366 năm ngày mất tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ (1654 - 2020) tại đền thờ bà ở phường Văn An (TP Chí Linh).
Lễ tưởng niệm được tổ chức theo nghi thức truyền thống gồm lễ dâng hương và lễ tế. Tham dự có đại diện lãnh đạo TP Chí Linh, đông đảo nhân dân phường Văn An và du khách thập phương.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ còn có tên khác là Nguyễn Thị Du, Nguyễn Thị Ngọc Toàn, hiệu Diệu Huyền. Bà sinh năm 1574 ở xã Kiệt Đặc (nay là phường Văn An, Chí Linh). Năm 20 tuổi, bà cùng cha lên Cao Bằng theo nhà Mạc.
Đông đảo người dân phường Văn An và du khách về dự lễ giỗ Bà chúa Sao Sa
Tại Cao Bằng, vốn là người thông minh, ham hiểu biết, Nguyễn Thị Duệ đã cải trang làm nam nhi tìm thầy để học. Khi nhà Mạc mở kỳ thi hội, bà đã ra ứng thí và đỗ đầu Hội nguyên.
Khi dự yến tiệc, chúa Mạc thấy thí sinh đỗ Hội nguyên có dáng vẻ một cô gái nên dò hỏi mới biết sự thực, vua không trách mắng mà còn lấy bà làm vợ và đặt tên là Sao Sa. Vì lý do đó mà dân gian thường gọi bà là bà chúa Sao Sa.
Nguyễn Thị Duệ là nữ tiến sĩ khoa bảng đầu tiên và duy nhất của nền khoa bảng phong kiến nước ta. Bà làm quan qua triều đại nhà Mạc và nhà Lê. Những năm làm quan, bà luôn quan tâm phát triển nền giáo dục nước nhà. Năm 70 tuổi, bà cáo quan về quê nhà. Bà mất năm 1654, khi 80 tuổi, được nhân dân địa phương lập đền thờ và tôn làm phúc thần.
HUYỀN ANH