Ngày đầu tiên vào nghề, ông chủ đưa cho Dũng một bộ quần áo rách: "Mày đã lùn, giờ giả làm một thằng què chân, sẽ xin được nhiều hơn".
Hôm đó, Dũng xin được 1,7 triệu đồng. Cậu đi từ thị trấn Như Quỳnh, lê cái "chân què" khắp Phố Nối A, Phố Nối B, Hưng Yên. Khi thì ngược lên Phú Thị, lúc lại xuôi về Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội. Hình hài thấp bé từng khiến cậu trai tủi nhục lại trở thành lợi thế khi ngửa tay đi xin.
Dũng từng nghĩ đời mình sẽ không làm nên trò trống gì với hình dạng cha sinh mẹ đẻ. Lúc chào đời, thằng bé tím tái, nặng 1,2 cân, không khóc. Y tá vội chuyển cậu từ trạm xá xã lên Bệnh viện Đa khoa Yên Định, Thanh Hóa. Dũng sống trong lồng kính một tuần "tưởng không cứu được". Bốn tuổi Dũng mới tập đi, ngã liên tục, người đầy vết bầm. Thi thoảng Dũng lên cơn co giật, vợ chồng bà Thủy lại ôm con lên viện.
Giữa năm lớp 7, Dũng tự nghỉ học, quanh quẩn ở nhà cơm nước, đi vớt bèo, nấu cám lợn. Bà Thủy bận đồng áng, ông Ban quanh năm xách bay đi thợ hồ khắp Yên Định. Họ không phản đối vì biết "đầu óc con học không vào".
Rồi Dũng xin đi chà nhám gỗ cho xưởng mộc trong thôn, kiếm mỗi ngày 50.000. 15 tuổi, cậu mang về cho mẹ tháng lương đầu tiên: 1,5 triệu kèm nửa con vịt quay để cả nhà liên hoan.
Hai năm làm mộc cũng là giai đoạn duy nhất trong cuộc đời Dũng từng làm việc chính danh kiếm sống. Ngửi mùi vecni đau đầu, cậu xin nghỉ chuyển sang rửa xe. Người bé quá không dắt nổi cái xe máy, cậu lại nghỉ. Năm 2015, Dũng bắt đầu nhận trợ cấp mỗi tháng 405.000 khi được xã làm cho cái giấy xác nhận "thiểu năng trí tuệ".
Yên Định là huyện thuần nông trải dài bên bờ sông Mã, trông sang bên kia là thành nhà Hồ. Ngày Dũng còn nhỏ, hai phần ba diện tích tự nhiên của vùng quê này vẫn còn là đất nông nghiệp. Nhưng năm Dũng 20 tuổi, một cụm công nghiệp 24 ha được khởi công, thế vào những vuông ruộng ngay nơi Dũng ở. Hơn 20.000 người Yên Định bỏ cuốc bỏ cày vào làm tại những khu nhà xưởng. Trong số ấy, không có Dũng .
Quê Dũng là huyện đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa cán đích nông thôn mới nhưng con người vẫn mang định mệnh cũ: trong một kịch bản điển hình của nông thôn Việt Nam thế kỷ 21, "làm nông" từ lâu đã là chỉ dấu của cái nghèo và bế tắc. Chỉ có 2 con đường để thoát nghèo. Học đại học, hoặc vào công ty, cả hai con đường ấy đều không dành cho Dũng, chàng thanh niên thiểu năng không sức vóc. Người mẹ buồn lòng khi đẻ ba lần mới được thằng con trai. Nhưng "cái thân thể nó hèn" như thế thì biết làm gì.
Dũng bỏ nhà đi một buổi chiều tháng 2 năm 2019. Xẩm tối, bà Thủy đi nhổ cỏ lúa về, không thấy cái xe đạp vẫn dựng ở góc sân. Người mẹ xô cửa, thấy bếp lạnh tanh. Bà chạy ra ngõ. Ông Ban vừa đi xây về, cũng bổ đi tìm con. Không ai biết Dũng đã đi đâu.
Lang thang hơn một ngày, Dũng gặp một người đàn ông tên Hưng ở ngã ba Chẹt, Quảng Xương, Thanh Hóa. 570.000 tiền cắm chiếc xe đạp của mẹ đã nướng hết vào chiếu bạc. Hơn một ngày Dũng chưa ăn gì.
- Có muốn đi làm với anh không?
- Làm gì anh?
- Bán hàng thôi. Mỗi tháng người ta trả năm, sáu triệu.
Sau cuộc trao đổi, Dũng theo "anh Hưng" về nhà anh ta ở gần ngã ba Chẹt ăn cơm. Đêm ấy, hai người leo lên chiếc xe khách chạy tuyến Vinh - Hải Dương. Một giờ sáng, xe thả cậu ở thị trấn Như Quỳnh, Hưng Yên.
Dũng gọi điện cho bà Thủy, nhắn mẹ đi chuộc cái xe đạp cắm dưới thị trấn Quán Lào. Rồi cậu báo:
- Có người rủ con lên Hưng Yên đi làm rồi.
- Mi đi làm chi hả con?
- Con bán hàng thôi.
Nguyễn Văn Dũng đã 23 tuổi nhưng không cao đến mét rưỡi. Người ngoài nhìn vào cậu sẽ tưởng đây là một đứa trẻ mười ba. "Anh Hưng" có lẽ đã nhìn thấy một sự nghiệp "xán lạn" trong ngoại hình đó. Dũng không đi bán hàng. Dũng làm ăn xin chuyên nghiệp.
Tại Thanh Hóa, người quê có một biệt danh riêng gọi những người như "anh Hưng": "lái trâu, lái bò". Họ đi tìm và tuyển dụng ăn xin chuyên nghiệp.
"Bán hàng" là lớp vỏ logic phổ biến mà những người tổ chức mô tả đường dây của họ. Khâu tuyển dụng được thực hiện ở những địa bàn nghèo. Họ kết nối trực tiếp với thanh niên hoặc hỏi thăm các gia đình có người già, trẻ nhỏ không nuôi nổi nhau, thương lượng với người nhà cho "đi bán hàng".
Các cuộc tuyển dụng diễn ra "một cách tự nguyện". Đôi lúc, có cả những tờ giấy viết tay "đồng ý cho cháu đi làm cùng anh M.". Đối tượng ưu tiên là người già, người khuyết tật và trẻ em.
Nếu nói chuyện với một người từng bị công an cáo buộc chăn dắt ăn xin, chỉ trong khoảng hơn 3 phút bạn có thể nghe tới 10 lần từ "đi bán hàng". "Đi bán hàng thôi, pháp luật làm gì được", một nhà tuyển dụng có tiếng tại Quảng Xương tuyên bố.
Đêm đầu tiên ở Hưng Yên, Dũng ngủ lại nhà ông chủ tên Phượng, bà chủ tên Châu. Đó là một căn nhà to, có cả vườn trồng cây ăn quả ở thị trấn Như Quỳnh.
Trong nhà, ngoài hai người chủ còn có một bà già và hai đứa trẻ hơn mười tuổi. Dũng nhận ra ba người đều là đồng hương với ông chủ quê Quảng Xương. Bởi giọng nói của người miền biển bao giờ cũng "nặng" hơn những vùng khác của xứ Thanh.
Trong căn nhà đó, cái tên khai sinh "Nguyễn Văn Dũng" biến mất. Tất cả đều gọi cậu là "thằng què". Dũng không thấy buồn.
Mỗi sáng, bốn nhân sự mặc quần áo cũ, đeo một cái giỏ đầy tăm bông, bấm móng tay... rời khỏi nhà. Họ tỏa về các hướng khác nhau.
Dũng rời nhà cùng với người hộ tống trên một chiếc xe máy. Người đàn ông xách theo mớ chong chóng, móc chìa khóa đính gấu bông. Anh ta chở Dũng đến ngã tư rồi thả xuống. Đó là vị trí mà ông chủ đã chọn sẵn, những nút giao thông quan trọng giữa các khu công nghiệp sầm uất của tỉnh Hưng Yên. Một tay giữ cái chân giả què, cổ ngoẹo về một bên, Dũng giơ cái giỏ ra. Có người rút ví, lấy gói tăm bông với giá "tùy tâm", nhưng cũng có người không mua gì, vẫn nhét vào giỏ một tờ tiền.
Người thanh niên sẽ ngồi bán chong chóng, móc chìa khóa cách Dũng một đoạn. Dù cậu có lê lết ở phố nào cũng nằm trong tầm mắt của anh ta. Thấy bóng cảnh sát trật tự hoặc xe của cán bộ trung tâm bảo trợ xã hội là hốt Dũng lên xe máy, luồn lách vào ngóc ngách của khu dân cư.
Tại hiện trường tác nghiệp, Dũng biến thành thằng què. Cậu ngồi bệt, lê cái chân đi khắp chợ Ghênh sang chợ Như Quỳnh mới. "Vừa bán vừa xin, người ta cho nhiều lắm. Năm nghìn, mười nghìn".
Dũng có lúc nhẩm tính, số tiền bán tăm bông mỗi ngày thu khoảng hơn một trăm nghìn, chưa trừ giá vốn. Tiền người ta cho trực tiếp không lúc nào thấp hơn 1,5 triệu. Tức là ăn xin chiếm 93% thu nhập. Bán hàng chỉ là cái vỏ pháp lý. Dũng luôn ý thức được rằng mình là ăn xin chuyên nghiệp.
Giữa trưa nắng, thấy thằng què cố lê chân đi trong bộ quần áo đầm mồ hôi, tình thương của nhiều người trỗi dậy. Có người ở Phú Thị đã thả vào cái giỏ ấy một tờ 200.000 đồng.
Thị trấn cửa ngõ giáp ranh Hà Nội là nơi có mật độ dân số cao nhất tỉnh Hưng Yên. Khu công nghiệp mọc lên. Dân kéo về sống, đổ ra mặt quốc lộ 5 buôn bán hình thành nên các thị tứ, chợ dân sinh, trung tâm thương mại. Càng chịu khó lê lết thì càng kiếm được nhiều.
Đi lâu, một bên chân sẽ tê rần vì không được cử động. Dũng tìm quán ven đường uống nước. Cậu chỉ ngừng xin tiền khi đi vệ sinh hoặc uống nước hồi sức. Có hôm Dũng vén quần lên, thấy ống chân đỏ lựng lúc lê qua đoạn đầy sỏi. Tối ấy, cậu sẽ kêu đau lưng, mỏi chân để ông chủ cho tiền ra chợ Như Quỳnh uống nước. Buổi trưa, xe ôm đón cậu về nhà ông chủ ăn uống, nghỉ ngơi. Ca chiều là một vòng lặp lại, từ 1 giờ chiều tới 7 giờ tối.
Lộ trình có ngày thay đổi. Sáng xe chạy dọc quốc lộ 5 lên khu công nghiệp Phố Nối, chiều lại đi vòng tỉnh lộ, len lỏi vào khu phố có nhiều quán cà phê. Trong vòng 20 cây số, địa điểm sẽ luôn thay đổi hoặc quay vòng để người dân đỡ quen mặt. Có ngày Dũng "đổi gió", lên tận Đa Tốn, Gia Lâm.
Khi pháp luật Việt Nam vẫn để lại một khoảng mờ mịt trong định danh hành vi "chăn dắt ăn xin", quyết định tham gia của các đối tượng vào những đường dây này đều có vẻ chất phác. Ngay cả lực lượng hộ tống - chịu trách nhiệm giám sát ăn xin và cảnh giới lực lượng chức năng - cũng được tuyển dụng dễ dàng như bất kỳ một lao động phổ thông nào khác.
Nguyễn Văn Tuấn, 17 tuổi, quê Quảng Xương, Thanh Hóa, từng là một người cảnh giới. Cuối năm 2018, Tuấn gặp một người tên Lĩnh ở quán trà đá trên đường Kim Đồng, Hà Nội. "Anh trả chú 4 triệu, thêm mỗi ngày 100.000 tiền ăn", lời đề nghị đơn giản được đưa ra, và Tuấn trở thành một phần của đường dây.
Tuấn được giao một chiếc xe Dream không biển, yêu cầu nhớ biển số một chiếc ô tô. Lĩnh dặn Tuấn đến quốc lộ 3, đoạn qua xã Mai Lâm, Đông Anh: "Thấy xe này đi qua thì nhắn cho anh".
Đó là xe chuyên dụng của Đội trật tự xã hội lưu động, Trung tâm Bảo trợ xã hội 1, Đông Anh, chuyên tập trung người ăn xin trên địa bàn Hà Nội. Mỗi lần xe vượt cầu Đuống vào nội thành, tin nhắn của Tuấn gửi đi. Lập tức một đội quân vận tải tiến hành di tản người ăn xin thuộc đường dây của Lĩnh trong nội thành.
Tuấn làm được hai tháng thì bị công an phát hiện đưa về đồn. "Mày về quê nghỉ đi" là tin nhắn cuối cùng Lĩnh gửi Tuấn.
Sau một ngày "bán hàng", người đầu tiên Dũng gặp ở cửa là bà chủ Châu. Thấy bà, Dũng tự giác chìa cái túi đựng tiền ra. Bà chủ nhặt những tờ polymer trước, phân loại riêng và xếp những tờ bạc lẻ thành một tập khác. Người đàn bà phốp pháp ngồi đếm lại, cười tít mắt. Xong việc, bao giờ bà cũng dúi cho Dũng 20.000.
Ông bà chủ cưng chiều thằng què nhất vì cậu kiếm được nhiều nhất trong số bốn người làm công. Ông Phượng không bao giờ bắt cậu mặc quần áo rách. Bà Châu sẽ cho tiền uống nước mía khi cậu kêu mỏi chân, đau lưng sau một ngày giả què. Đôi khi, thằng què còn được theo chủ nhà đi ăn lẩu. Trong căn nhà ấy, thằng què là đứa duy nhất chưa bị đánh.
Làm được một tháng, Dũng không thấy ông chủ mua điện thoại cho dùng như đã hứa. Không có điện thoại chơi game, lướt mạng xã hội buổi tối, cậu đòi. Ông chủ trở mặt. Dũng bị mắng, và biết mình sẽ không có điện thoại.
Thằng què nghĩ ra cách lãn công: không giả què nữa. Cậu kiếm được bằng một nửa trước đây, về nghe mắng xa xả "mày làm ăn không nhiệt tình". Bị mắng vài lần, Dũng tự ái.
Dũng bắt đầu làm thân với một bà hàng nước. Tranh thủ lúc người hộ tống đang bán hàng hoặc đi vệ sinh, cậu vờ vào quán mua chai nước, hút điếu thuốc. Rồi cậu lẹ làng dúi vào tay bà mớ tiền phải trả. Lẫn trong đó là một tờ bạc 50.000. Người đàn bà ấy biết rõ "công việc" của cậu, bảo đưa tiền bà giấu cho. "Chủ biết giấu tiền nó đánh chết".
Một buổi sáng cuối tháng 3, người đàn ông bận việc không đi kèm. Dũng qua quán nước, rút hết 500.000 tiền gửi, bắt xe về quê.
"Quay ra làm với anh, anh trả thêm tiền cho", Dũng nhận được tin nhắn của chủ nhà qua Facebook. "Mày lừa tao một lần thôi chứ không có lần thứ hai đâu", Dũng nhắn lại.
Hai hôm sau, Minh - con trai ông bà chủ - tìm về tận xã. Anh ta đưa cho bà Thủy hai triệu, bảo đó là tiền lương Dũng đi bán hàng. "Về làm với anh, đến mai anh mua điện thoại, xong anh tăng lương lên 5 triệu". Xuôi tai, Dũng lại đồng ý. Ở nhà cậu chẳng kiếm đâu ra 5 triệu mỗi tháng. Lần trở lại này, Minh trực tiếp đi kèm Dũng thay cho thanh niên kia.
Trưa tháng 6, đang lê lết cái chân què ăn xin ở ngã tư Phố Nối, Dũng gặp người làng. Cậu bạn ấy chụp ảnh, rồi gửi về quê cho bố mẹ Dũng xem. "Cả làng biết em đi ăn xin. Lên Facebook, mấy đứa con gái còn chửi em là thằng ăn mày".
Một nỗi nhục nhã bắt đầu hình thành trong đầu người thanh niên 23 tuổi. Cậu không còn tự dối lòng như đã nói với mẹ bốn tháng trước, rằng mình là một người "bán hàng". Cậu biết người làng chửi đúng.
Người bạn cùng làng tìm gặp khuyên cậu về quê, nhưng Dũng không dám về. Dũng sợ cả hai bị ăn đòn. Dũng rất sợ Minh. Bởi Minh lúc nào cũng kè kè bên cạnh. Quay đầu là thấy. Minh cấm Dũng gọi về nhà, cấm nói chuyện với bố mẹ.
Nỗi nhục lớn dần trong Dũng. Cậu vuốt nhọn một thực tế, rằng đồng tiền mình đang ngửa tay ra xin, là "cho họ ăn chứ tiền của mình mô". Dũng quyết định sẽ phải rời bỏ cuộc sống này, mặc kệ món lương 5 triệu kia chưa nhận lần nào, mặc kệ cái điện thoại để chơi Facebook trong ước mộng. Nhưng Dũng không nghĩ ra cách để trốn: Minh giám sát chặt chẽ hơn người trước, cậu cũng không tiếp cận được bà hàng nước để giấu tiền nữa.
Dù nhận là người "duy nhất chưa bị đánh", cũng từ chối mô tả ông bà chủ đánh những người khác ra sao, nhưng nỗi sợ "bị nó đánh" hay "nó đánh chết" liên tục xuất hiện trong lời kể của Dũng .
Một chiều tháng 6.2019, Dũng mệt lả sau một buổi sáng lê chân đi xin. Trông thấy công an phụ trách khu vực của xã Đa Tốn, đầu Dũng nảy ra một ý tưởng. Người công an này, cậu đã gặp vài lần. "Anh ơi anh túm em vào đồn với. Giờ đi với các anh thì em sống, còn không thì em chết", cậu xông tới, buông giọng khẩn nài. Đó là lựa chọn cuối cùng để thằng què chạy trốn được khỏi công việc đang làm.
Vài giờ sau, Dũng được như ý nguyện khi ngồi trong trụ sở công an xã Đa Tốn. Công an chuyển cậu cho Trung tâm Bảo trợ xã hội.
Một tuần sau, bố mẹ Dũng khăn gói từ Thanh Hóa ra Hà Nội thăm con. Cậu giật mình khi nhìn thấy ông chủ đứng ngoài cổng trung tâm. Bố mẹ lần đầu ra Hà Nội, không biết đường đã gọi vào số mà Dũng vẫn liên lạc về nhà. Ông chủ nghe máy, hẹn đưa hai người lên Đông Anh gặp con.
"Dại lắm con ơi", mẹ Dũng vừa khóc vừa nói khi nhìn thấy con. Bà điếng người lúc nhận được giấy báo. "Ở cái xã này, chưa có người nào đi làm cái nghề ăn xin". Người cha dúi vào tay con hộp sữa, dặn ăn uống đầy đủ để chờ ngày về.
Ông Dũng, Trưởng công an xã vẫn nhớ hôm bà Thủy lên xin giấy xác nhận nhân thân để ra Hà Nội nhận con về. Người mẹ trình bày câu chuyện trong tiếng nấc. Ông chỉ biết động viên "thôi nó vào trung tâm, có nhà nước lo". Rồi ký giấy xác nhận "đối tượng không bình thường, đang được hưởng trợ cấp xã hội tại địa phương".
Hết một tháng, Trung tâm Bảo trợ xã hội trả Dũng về. Ngày bố mẹ lên đón, không thấy ông chủ đứng chờ nữa.
"Con lê được cái xác này về rồi, sẽ không đi nữa", Dũng nói với bố mẹ trên xe khách về quê. Về nhà hơn nửa tháng, cậu chỉ ăn rồi ngủ. Ai tìm đến hỏi chuyện "đi làm ăn xin" thì cậu bảo "không nhớ gì". Dũng xẵng giọng khi bà Thủy nhận cuộc gọi từ số máy lạ. Người mẹ chỉ biết phân bua "tính nó hung cùn vậy đấy".
"Nó hứa không đi nữa nhưng cũng chưa biết có thật hay không. Bố mẹ là nông dân xịn nên rất khó nói con. Đánh thì không đánh được, nhốt thì không nhốt được. Bố mẹ đi làm là nó lại phá khóa, trèo cổng tự đi", ông Dũng tỏ ý nghi ngờ về lời hứa không trở lại Hà Nội của thanh niên có tiếng ất ơ trong xã.
Ông xác nhận "thằng Dũng không làm gì vi phạm pháp luật nhưng hay đi lung tung". Ai cho gì, rủ đi đâu là đi đó. Đói thì vào quán xin ăn, người ta bảo làm gì thì cậu làm nấy. Người trong xã thuần nông nghiệp. Dân đi tứ xứ, làm công ty gần nhà, đi nước ngoài lao động. Hơn 200 người xuất cư thường xuyên trong số 4.000 lao động của xã. Nhưng chưa có ai làm cái nghề ăn xin.
Dũng đã về quê như ước nguyện, trong niềm hy vọng của mẹ rằng "cháu chỉ ở nhà thôi". Nhưng ở vùng quê mà dân số đông thứ ba cả nước, mỗi năm có thêm gần 30.000 lao động mới, Dũng sẽ tiếp tục đối mặt với sự quanh quẩn của thiếu sinh kế.
Và nếu có giữ được lời hứa với bản thân mình, thì ở vùng nông thôn của xứ Thanh này, ngày đêm vẫn có "lái trâu, lái bò" đang lùng sục những người như Dũng đem ra thành phố.
* Tên nạn nhân đã được thay đổi.
Theo VnExpress