Thánh Tổ Huệ Pháp thiền sư (còn gọi là Tổ Sâu) là vị quốc sư có công xây dựng, mở rộng chùa và đặc biệt là tài diệt trừ sâu bọ giúp dân phát triển sản xuất.
Tượng cụ Tổ Sâu hiện được thờ ở Tổ đường chùa Côn Sơn
Trong lịch sử phát triển gần 1.000 năm, chùa Côn Sơn (Chí Linh) là nơi có nhiều bậc cao tăng về trụ trì. Trong đó, Thánh Tổ Huệ Pháp thiền sư (còn gọi là Tổ Sâu) là vị quốc sư có công xây dựng, mở rộng chùa và đặc biệt là tài diệt trừ sâu bọ giúp dân phát triển sản xuất.
Tượng cụ Tổ Sâu hiện được thờ ở Tổ đường chùa Côn Sơn cùng với Trúc Lâm Tam Tổ, các vị quốc sư, thánh nhân… có công lao trong việc xây dựng, tu bổ, tôn tạo chùa. Nhưng nếu như tất cả các pho tượng đều được tạc theo quy chuẩn nhà Phật thì tượng cụ Tổ Sâu lại được tạc theo phong cách tả thực, khoáng đạt, không hoa mỹ và rất gần gũi, bình dân. Dáng tượng ngồi tọa thiền, đầu đội khăn trùm qua vai, mình khoác áo cà sa để hở ngực và một phần bụng, khuôn mặt quắc thước, nhân từ, mắt nhìn thẳng, miệng rộng, nhưng lại toát lên thần thái trang nghiêm, thanh tịnh của bậc đại hòa thượng. Qua hình thức pho tượng có thể hình dung được Thánh Tổ Huệ Pháp thiền sư là người dân dã bình dị như một lão nông tri điền, nhưng lại đầy trí tuệ và phép thuật để hộ trì Phật pháp, cứu giúp nhân dân.
3 lần đại trùng tu chùa Côn SơnThánh Tổ Huệ Pháp tên thật là Mai Trí Bản, hiệu là Pháp Nhẫn, trụ trì chùa Côn Sơn từ năm 1601 đến 1653. Ngài là một vị cao tăng uyên thâm Phật pháp, đồng thời còn là một thầy pháp tài ba. Hơn nửa thế kỷ tu hành tại chùa Côn Sơn, Thánh Tổ đã khổ công tu luyện, dốc lòng mở rộng, xây dựng ngôi chùa, cứu nhân độ thế.
Sử sách ghi đầu thế kỷ XVII, chùa Côn Sơn bị hư hại, dây leo gai góc làm giảm uy linh. Vào năm 1602, Thánh Tổ Huệ Pháp thiền sư khuyến khích các bậc hiền nhân, quân tử cùng góp tiền mở rộng quy mô chùa như tu tạo tam quan, phòng oản, xây tường, khắc bia, mua ruộng cúng. Năm 1607, ngài khuyến quan lại, quý chức, cung tần, thái nữ cùng phát gia tài mua các thửa ruộng, đóng góp công của xây dựng thiêu hương, tiền đường, hậu đường, tả hữu hành lang, tam quan, trùng tu thượng điện, trùng tu tượng Phật, khắc các kinh. Năm 1614, ngài đã huy động công của tôn tạo tòa Cửu phẩm Liên hoa, nhà thiêu hương, tiền đường, hậu đường, tiền tả hữu hành lang, hậu tả hữu hành lang, tam quan và trùng tu cả thượng điện tổng cộng 83 gian, làm mới tượng trên Cửu phẩm Liên hoa tới 385 vị, tạo mới tượng Quan Thế Âm Bồ Tát ngàn tay ngàn mắt, 2 tượng Hộ pháp Thiện Ác, 1 tượng chúa núi, 3 tượng cô hồn, trùng tu tượng Phật trên thượng điện 18 pho, sơn son thếp vàng lại 3 vị tam thế. Mua mới ruộng đất ao cộng lại là 80 mẫu.
Sau đợt trùng tu này, chùa Côn Sơn trở nên hoàn chỉnh với quy mô 83 gian, kiến trúc nội công ngoại quốc gồm: tam quan, tiền đường, thiêu hương, thượng điện, Cửu phẩm Liên hoa, hậu đường, tả hữu hành lang. Chùa Côn Sơn trở thành một trong những ngôi chùa có hệ thống tượng pháp phong phú, đa dạng với trên 400 pho.
Sau gần 1.000 năm xây dựng, chùa Côn Sơn đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần ở thế kỷ thứ XVII, XVIII và XX. Nhưng đợt trùng tu vào các năm 1602 - 1607 và 1614 do Thánh Tổ Huệ Pháp chủ trì cho đến nay vẫn là đợt trùng tu lớn nhất, hoàn chỉnh nhất về kiến trúc và hệ thống thờ tự.
Thầy pháp trừ sâuKhông chỉ có công lao lớn trong việc xây dựng, tôn tạo chùa Côn Sơn, Thánh Tổ Huệ Pháp còn được nhân dân địa phương nhắc tới với tư cách là một thầy pháp tài ba. Theo những ghi chép trong văn bia chùa Côn Sơn và tư liệu điền dã, sinh thời Thánh Tổ từng chu du khắp nơi, học được nhiều bùa phép của phái Mật Tông, nhất là tài “trừ hoàng trùng” (diệt trừ sâu bọ) bảo vệ mùa màng rất hiệu nghiệm.
Tương truyền, xưa kia việc sản xuất nông nghiệp của nhân dân địa phương gặp nhiều khó khăn do sâu bệnh hoành hành. Nhân dân tìm nhiều phương cách để diệt trừ nhưng đều không hiệu quả. Thấy dân tình lao đao, cuộc sống khó khăn nên Thánh Tổ Huệ Pháp đã phát huy khả năng, kiến thức học được ở Thổ Phồn nghiên cứu ra bùa trừ sâu. Bùa được làm bằng gỗ thị, hình chữ nhật (kích thước 15 x 30 cm). Trên bùa vẽ các loại sâu và thần chú. Khi người dân đến xin bùa, trước tiên làm lễ xin phép ở ban thờ Phật. Tiếp đến lấy son mài thành mực và quết lên bảng gỗ in bùa, dùng giấy dó dán vào bùa. Bùa sau đó được đặt lên ban thờ Thánh Tổ làm phép rồi mới mang về nhà. Ngài dặn người dân muốn bùa linh nghiệm, đến giữa trưa (chính ngọ) thì đem bùa ra đặt ở đầu bờ ruộng (nơi hướng gió thổi xuôi). Ở giữa và bốn góc ruộng cắm cờ giấy theo ngũ hành (phía đông màu xanh, phía tây màu trắng, phía nam màu đỏ, phía bắc màu đen và ở giữa màu vàng). Người nông dân đứng trên bờ niệm chú theo hướng dẫn của Thánh Tổ, sâu bọ cứ thế tự nhiên theo nhau bò lên bờ mà chết. Kể từ đó, việc sản xuất của bà con luôn diễn ra thuận lợi, mùa màng bội thu. Nhân dân địa phương biết ơn Thánh Tổ Huệ Pháp nên vinh danh ngài bằng cái tên cụ Tổ Sâu.
Người dân quanh vùng hiện vẫn còn truyền miệng bài thơ: “Lặn lội sang nước Tầu/ Học cách diệt trừ sâu/ Khắc hình trên bản gỗ/ Giấy dó in hình sâu/ Phép phù bùa thuật chú/ Chính ngọ đặt bờ cao/ Sâu bò lên mà chết”.
Trong kháng chiến chống Pháp, chùa Côn Sơn bị giặc Pháp tàn phá. Nhân dân chuyển tượng đi cất giấu, bản in bùa được mang về thờ ở miếu làng Trúc Thôn (phường Cộng Hòa). Sau đó miếu bị cháy nên bản in bùa cũng bị mất.
Là người có công lao to lớn trong xây dựng, tôn tạo chùa Côn Sơn và giúp dân diệt trừ sâu bệnh, bảo vệ mùa màng nhưng hiện nay việc tôn vinh, nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của ngài vẫn chưa được đầy đủ. Việc phục dựng tập quán, tín ngưỡng ở chùa Côn Sơn gắn với đời sống sản xuất nông nghiệp do Thánh Tổ Huệ Pháp sáng tạo từ thế kỷ thứ XVII chưa được khôi phục. Nếu những điều này được quan tâm thì kho tàng văn hóa phi vật thể tại di tích Côn Sơn sẽ càng phong phú.
TIẾN MẠNH