Cha mẹ hãy dõi theo, để đồng hành, cổ vũ giúp con trưởng thành hơn sau khi đã tốt nghiệp THPT.
Hai tuần nay, Lâm không muốn nói chuyện gì với bố mẹ. Lâm tránh tiếp xúc, tránh trò chuyện, tránh cả nghe điện thoại và nhắn tin. Chị Thơm - mẹ Lâm nhắn nhiều quá làm nó chặn cả mẹ. Lý do chỉ vì Lâm vừa tốt nghiệp THPT, kết quả các môn theo khối thi đại học khá cao, có nhiều cơ hội để lựa chọn các nguyện vọng xét tuyển vào những trường đại học nhóm đầu nhưng Lâm chọn học nghề để trở thành một thợ cơ khí giỏi. Vợ chồng chị Thơm không đồng ý, bày tỏ thái độ cấm cản quyết liệt. Anh chị chỉ muốn con trai học đại học, có tấm bằng đại học như bố mẹ và phải tiến xa hơn bố mẹ trên con đường học vấn. Lâm cho rằng mình bị bố mẹ áp đặt. Cậu nói: “Con đã lớn rồi. Con 18 tuổi rồi. Bố mẹ phải cho con quyền tự quyết, tự lựa chọn tương lai của con chứ”. Không khí gia đình vì thế trở nên căng thẳng, ai cũng cảm thấy mệt mỏi, nặng nề.
Chị Thơm nhờ hết người này đến người khác thuyết phục Lâm học đại học chứ đừng đi học nghề. Khi cô giáo chủ nhiệm động viên, tư vấn, định hướng như ý mẹ Lâm thì nó chất vấn lại cô giáo: “Em thưa cô! Chính cô nói rằng ở nước mình đang có tình trạng thừa thầy, thiếu thợ. Sao bây giờ em chọn làm thợ thì cô khuyên ngược lại? Em muốn làm một người thợ giỏi, cô ạ!”. Cô giáo cũng không biết nói gì hơn trước lý lẽ sắc sảo của cậu học trò cá tính. Khi các bạn thân thiết lên tiếng khuyên nhủ thì Lâm đoán ngay là do bố mẹ mình nhờ vả. Lâm trách bạn không hiểu mình.
Từ bé, Lâm đã thích những đồ chơi là ô tô, tàu hỏa, máy bay… Chơi chưa được lâu, nó đã tháo rời các bộ phận và tự lắp lại được như cũ. Càng lớn Lâm càng có niềm đam mê với các loại máy móc. Vậy mà bố mẹ chỉ muốn nó học đại học để trở thành bác sĩ hay cán bộ nhà nước. Bố mẹ nó coi trọng bằng cấp hơn là tay nghề và áp đặt nó theo ước muốn của bố mẹ mà không quan tâm đến sở thích, ước mơ của nó. Thế thì nó còn muốn trò chuyện, tâm sự với bố mẹ làm gì nữa.
Hễ ra khỏi nhà thì thôi chứ về đến nhà là Lâm lên phòng, khóa trái cửa lại. Vợ chồng chị Thơm không thể nào trò chuyện vui vẻ được với con trai. Từ hôm mở máy tính, phát hiện thứ tự nguyện vọng xét tuyển đại học bị thay đổi, Lâm đã nổi khùng lên với mẹ: “Tại sao bố mẹ lại can thiệp quá sâu vào lựa chọn nghề nghiệp của con? Tại sao bố mẹ không tôn trọng con? Nếu bố mẹ cứ ép con theo ý bố mẹ thì dù có đỗ đại học hàng đầu, con cũng không đi học đâu. Con muốn trở thành một người thợ cơ khí giỏi. Con sẽ chịu trách nhiệm với những lựa chọn của mình”. Chị Thơm phải xuống nước với con: “Mẹ xin lỗi con vì mẹ đã tự ý đảo thứ tự nguyện vọng xét tuyển của con nhưng bố mẹ nào cũng chỉ muốn tốt cho con mình thôi. Con hãy nghe lời bố mẹ”. Lâm gào lên: “Bố mẹ còn coi con là đứa trẻ đến bao giờ nữa? Con đã lớn rồi. Con xin bố mẹ hãy để cho con được quyết định tương lai của mình”. Lâm đẩy mẹ ra ngoài và đóng cửa phòng, muốn ở một mình. Sợ thằng Lâm bất mãn, suy nghĩ và hành động tiêu cực nên chị Thơm lo lắng, bàn tính với chồng, đành lùi một bước để con được tiến lên theo ý nó.
Chồng chị có phần gia trưởng nên vẫn khăng khăng muốn con phải học đại học. Ngoài tranh luận về sự lựa chọn cho tương lai, Lâm chẳng muốn nói chuyện gì với bố mẹ. Từ một đứa lém lỉnh, hay nói, nó bỗng trở nên lầm lì. Chị Thơm hoang mang, sợ nó bị trầm cảm nên khuyên chồng rủ con đi uống cà phê, thử nói chuyện với con xem nó có cởi mở hơn không.
Lâm đồng ý đi uống cà phê với bố. Khi không bị bố áp đặt, nó đã tự chia sẻ về những dự định tương lai của mình. Nó muốn học nghề 2-3 năm rồi đi du học nước ngoài để nâng cao trình độ và tay nghề. Thấy bố không phản đối, Lâm càng cởi mở bày tỏ những khát vọng giấu kín trong lòng bấy lâu nay. Lúc này bố nó mới hiểu hơn về cậu con trai. Quả thực, con anh đã lớn, hãy để nó được tự quyết và tự chịu trách nhiệm về những lựa chọn của nó.
TRẦN THỊ LÀNH