Chuyện về một người gây dựng chiến khu Trần Hưng Đạo

19/08/2018 14:51

Đồng chí Nguyễn Văn Tuệ là một trong những người có công lớn gây dựng chiến khu Trần Hưng Đạo, song cuộc đời gặp không ít thăng trầm.

Đồng chí Nguyễn Văn Tuệ

Đi tu để hoạt động cách mạng 

Sau nhiều lần chắp mối, chúng tôi gặp được bà Nguyễn Thị Kim Tuyên (sinh năm 1953, hiện sống ở Hà Nội), là con gái của đồng chí Nguyễn Văn Tuệ. Lần giở cho chúng tôi xem những kỷ vật, hình ảnh, tư liệu về cha mình, bà Tuyên rưng rưng xúc động. Cuộc đời sóng gió của ông đã được chính con gái mình tái hiện trong cuốn sách "Cha tôi" (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, năm 2010). 

Đồng chí Tuệ sinh năm 1910, quê ở xã Tân Hưng (TP Hải Dương). Ông sớm hoạt động cách mạng, từng bị xử tù 18 tháng do tham gia quyên tiền ủng hộ cuộc bãi công của công nhân Nhà máy dệt Nam Định. Tháng 3.1945, sau khi trốn khỏi nhà giam thị xã Nam Định, ông đã về huyện Thanh Hà (Hải Dương) tìm gặp đồng chí Hải Thanh, bàn chủ trương hoạt động cách mạng. Hai người bàn bạc và thống nhất: ông đi Đông Triều, nơi có địa thế thuận lợi cho đánh du kích để gây cơ sở Việt Minh trước, còn Hải Thanh ở lại để chờ liên lạc với tổ chức Đảng, rồi sẽ vào sau. 

Theo sách "Chiến khu Trần Hưng Đạo" của Bộ Tư lệnh Quân khu 3, đồng chí Tuệ đến chùa Bắc Mã (nay thuộc xã Bình Dương, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh). Bằng tinh thần yêu nước, khả năng diễn thuyết, ông nhanh chóng lấy được cảm tình của sư cụ Võ Giác Thuyên trụ trì ở đây và cải trang thành người tu hành để dễ hoạt động cách mạng. Trong một lần được sư Võ Giác Thuyên cử đi họp thay tại cuộc họp của các chánh tổng, phó tổng và các bá hộ trong huyện để bàn việc chống thổ phỉ, ông đã kêu gọi các thân hào, nhân sĩ thành lập tổ chức thanh niên tự vệ ở các làng và vận động người dân tham gia. Sau đó, ông tích cực tuyên truyền về đường lối chống Nhật, cứu nước của Việt Minh và vận động các thanh niên, học sinh có tinh thần yêu nước tham gia tổ chức cứu quốc của Mặt trận Việt Minh. Thời gian này, ông liên tục đi tuyên truyền, gây dựng cơ sở ở các làng xung quanh, nhất là các gia đình có uy tín, giàu lòng yêu nước như bá hộ Mạc Văn Niết ở làng Hổ Lao, chí sĩ Trương Quốc Cẩn ở làng Yên Lâm, lý trưởng Nguyễn Văn Sinh ở làng Đạm Thủy... Từ khu vực phía tây huyện lỵ, ông dần mở rộng phạm vi gây cơ sở sang các làng phía đông như Hà Lôi, Tràng Bảng, Xuân Viên, Mễ Xá...

Những hoạt động đó đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhiều thanh niên, nhà sư, phụ nữ, phụ lão... hăng hái gia nhập các đoàn thể cứu quốc, tự nguyện làm cơ sở của Việt Minh. Đây chính là cơ sở ban đầu vững chắc để đến khi các đồng chí Nguyễn Bình, Hải Thanh, Trần Cung đến Đông Triều chỉ đạo cách mạng thì phong trào phát triển mạnh mẽ.

Chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa đánh chiếm các đồn địch, ngày 16.7.1945, đồng chí Tuệ cùng với sư Võ Giác Thuyên đảm nhận việc cung cấp lương thực cho gần 100 quân khởi nghĩa. Sau đó, ông phụ trách nhiều mặt công tác ở chiến khu Trần Hưng Đạo, đặc biệt là về củng cố các tổ chức, bộ máy.

Biến cố

Khu vực chùa Bắc Mã (xã Bình Dương, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) là nơi đồng chí Nguyễn Văn Tuệ từng hoạt động cách mạng

Giữa tháng 8.1945, đồng chí Tuệ tổ chức một cuộc biểu dương lực lượng của quần chúng, đi từ phố huyện Đông Triều đến mỏ Mạo Khê. Tại đây, ông đã thay mặt đoàn thể nói chuyện với người dân về phong trào cách mạng nước ta, hô hào mọi người đứng lên hưởng ứng cuộc Tổng khởi nghĩa sắp đến. 

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông tham gia hoạt động cách mạng ở Kinh Môn. Tháng 9.1945, tại Kinh Môn xảy ra việc lính của Tưởng Giới Thạch hay mua thịt lợn nhưng lại quỵt tiền và đánh người bán hàng. Một người bán thịt tức giận chém hai tên lính chết. Bọn lính Tưởng trả thù bằng cách bắt đồng chí Tuệ và một số lãnh đạo huyện. Ông tự nhận mình là thủ phạm và yêu cầu lính Tưởng không được bắt người bán thịt, song bọn chúng không nghe, bắt trói ông treo lên cây. Quần chúng lúc này tập trung rất đông, sẵn sàng đánh nhau với lính Tưởng. Tình thế căng như dây đàn. Nhờ nhanh trí, ông mượn giấy bút viết thư riêng đưa cho tên quan Tàu, trong đó có 2 câu thơ "Hoa - Việt tương tri hội nhất trường/Trừ Tây, diệt Nhật cộng danh hương". Tên quan Tàu xem xong liền thả ông. Sau đó, ông bàn với mọi người quyên góp tiền, vàng đưa cho quan Tàu để chuộc lấy đồng chí lãnh đạo huyện bị bắt chưa được thả. Việc này được tỉnh Hải Dương báo cáo lên Bác Hồ và Bác đã gửi thư khen.

Tháng 10.1945, có người vu oan cho ông tham ô, bán súng và bị bắt giam. Một năm sau, ông được thả tự do vì vô tội. Từ đây, cuộc đời ông sang một ngã rẽ mới. Từ năm 1946, ông cùng gia đình sinh sống ở nhiều nơi như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lào Cai... Từ năm 1960, ông chuyển về công tác ở Sở Văn hóa TP Hà Nội, một số đơn vị khác và nghỉ hưu vào năm 1969. Đồng chí Tuệ tạ thế vào ngày 2.3.1997 tại Hà Nội.

Sau ngày mất, gia đình cùng các đồng đội từng "vào sinh, ra tử" với ông đã đề đạt Đảng, Nhà nước ghi nhận công lao của một chiến sĩ cách mạng kiên trung. Năm 2001, Chủ tịch nước đã truy tặng Huân chương Độc lập hạng ba và năm 2006 truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhì cho đồng chí Tuệ. Hiện nay, một con phố ở thị xã Đông Triều được mang tên "Sư Tuệ". Đây chính là sự ghi nhận, vinh danh với những đóng góp xuất sắc của ông cho sự nghiệp cách mạng.

NINH TUÂN

Chiến khu Trần Hưng Đạo (còn gọi là Đệ Tứ chiến khu, chiến khu Đông Triều) ra đời ngày 16.7.1945, với phạm vi hoạt động ở vùng núi Đông Triều, Chí Linh và nhiều vùng xung quanh. Tuy chỉ tồn tại trong thời gian ngắn song chiến khu đã tạo cơ sở chính trị, vũ trang vững chắc, làm nòng cốt cho nhân dân nhiều nơi nổi dậy giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945. Các đồng chí: Nguyễn Bình, Trần Cung, Hải Thanh, Nguyễn Văn Tuệ là những chiến sĩ cách mạng đầu tiên gây dựng chiến khu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện về một người gây dựng chiến khu Trần Hưng Đạo