“Bà ấy khoác bao tải rác đi qua. Người đen đúa, khắc khổ và mồ hôi nhễ nhại nên tôi gọi bà ấy lại, rủ uống cốc nước. Không ngờ bà ấy vào thật”.
Nên duyên từ một câu nói đùa
Đều đặn 18 năm nay, những người sống và làm việc ở khu vực Hồ Gươm đều quen mặt với một người đàn bà luôn khoác trên vai chiếc túi rác màu đen.
Khi túi rác đầy, người ta lại thấy bà “cõng” về gốc cây phượng phía gần cầu Thê Húc. Ở đó, có một người đàn ông đã ngoài 70 tuổi đang chờ.
Đó là bà Phạm Thị Thà (quê ở Hưng Hà, Thái Bình).
Bà Phạm Thị Thà với công việc nhặt rác quen thuộc ở bờ hồ Gươm. Ảnh: Diên Vỹ |
Trong cuộc nói chuyện với người viết, bà Thà không nhớ mình bao nhiêu tuổi. Bà chỉ biết, khi bố mẹ mất, bà phải lang thang để tìm kế sinh nhai. Bà đã từng đi qua nhiều tỉnh nhưng cuối cùng trụ lại Hà Nội.
Trong những ngày ở đất Thủ đô, bà gặp một người đàn ông lớn tuổi quê Hưng Yên. Người đàn ông này cảm thương hoàn cảnh của bà nên đã rủ về chung sống.
Họ sinh được 2 người con, một trai một gái. Tuy nhiên khi những đứa con chưa trưởng thành thì người chồng qua đời. Không còn chỗ để nương tựa, bà đưa 2 con trở lại Hà Nội rồi tiếp tục cuộc sống nay đây mai đó.
Ban đầu, 3 mẹ con bao bọc nhau nhưng sau đó họ tách riêng, mỗi người đi một ngả. Cậu con trai làm nghề đánh giày, cô con gái bán hoa quả dầm ở bờ hồ Hoàn Kiếm. Bà Thà đành lang thang nhặt rác. 2, 3 ngày bà lại đến bờ Hồ để tìm gặp các con. Cả ba mẹ con nói dăm ba câu chuyện, đưa cho nhau một vài tờ tiền rồi lại vội vã tỏa đi các ngả.
Một ngày, bà Thà đi nhặt rác ở bến xe Giáp Bát (quận Hoàng Mai, Hà Nội) gặp ông Nguyễn Chí Bình (SN 1945, quê Hải Dương) đang ngồi uống nước trong quán.
“Hôm đó, tôi vừa trở về từ chuyến đi Tây Nguyên để thăm lại bạn bè. Thấy bà ấy khoác bao tải rác đi qua, người đen đúa, khắc khổ và mồ hôi nhễ nhại nên gọi bà ấy lại, rủ uống cốc nước. Không ngờ bà ấy vào thật”, ông Bình nhớ về kỷ niệm lần đầu tiên gặp bà Thà.
Cuộc nói chuyện ngắn ngủi nhưng như có tiếng sét ái tình nên ông đánh liều rủ bà Thà về chung sống với mình.
“Vợ tôi mất sớm. Các con tôi cũng đã trưởng thành. Gặp và biết hoàn cảnh của bà, tôi thấy rất thương cảm. Tôi hỏi: "Bây giờ bà có đồng ý về sống với tôi không?”, ông Bình nhớ lại lời tỏ tình của mình với người đàn bà vừa gặp mặt.
Không ngờ bà Thà từ chối. Bà khuyên ông nên về quê hỏi ý kiến gia đình và các con. Nếu mọi người đồng ý thì mới lên tìm bà.
“Các con tôi đã lớn nên tôn trọng quyết định của bố. Vì thế tôi lại trở lại Hà Nội. Lần này, tôi đưa được bà ấy về quê”, người đàn ông 73 tuổi nói.
Cặp đôi đã có 18 năm gắn bó, cùng mưu sinh ở Hồ Gươm |
18 năm phiêu bạt với người đàn bà nhặt rác bên hồ Gươm
“Đưa bà ấy về, tôi làm mâm cơm báo cáo gia đình, tổ tiên. Sau đó, tôi dẫn bà ấy về quê chồng cũ bên Hưng Yên để làm mâm cơm cúng, bày tỏ mong muốn được thay ông ấy chăm sóc 3 mẹ con”, ông Bình chia sẻ.
Tuy nhiên sau khi về ra mắt gia đình, bà Thà vẫn thấp thỏm lo lắng cho 2 đứa con đang kiếm sống ở Hà Nội. Vì vậy ông Bình lại cùng người “vợ nhặt” lên Thủ đô để bắt đầu những ngày mưu sinh.
“Tôi không cho bà ấy và các con ngủ ngoài đường nữa mà thuê một căn phòng nhỏ. Ban ngày cậu con trai đi đánh giày, con gái đi bán hoa quả dầm, tôi bán đồ chơi ở gốc cây phượng cạnh cầu Thê Húc. Bà Thà thì đi nhặt rác. Tối đến, cả nhà lại về căn phòng ấy để nghỉ ngơi”, ông Bình chia sẻ.
Công việc làm ăn của họ không ổn định. Có ngày họ kiếm được một vài trăm nghìn đồng nhưng cũng có ngày ra về với đôi ba chục tiền lẻ. Tuy nhiên, tất cả các thành viên đều thấy hài lòng với cuộc sống của mình cho đến khi con gái bà Thà bất ngờ mang thai.
“Cái thai không biết của ai nhưng đã mang thai thì phải đẻ. Vì thế tất cả chúng tôi lại cùng nhau làm gấp đôi, gấp ba để lo cho cháu”, ông Bình nói. Nay đứa nhỏ đã gần 4 tuổi. Hôm nào những người lớn kiếm được thì đứa trẻ có thêm hộp sữa, còn không cũng chỉ gói mỳ qua ngày.
Ông Bình bảo, kể từ ngày gặp bà Thà, đến nay, 18 năm đã trôi qua, hai ông bà không có con chung nhưng ông vẫn luôn dạy con (con riêng của bà Thà) và bây giờ dạy cháu phải sống trong sạch ngay cả trong nghèo đói.
“4 năm nay kể từ khi con trai bà Thà mất vì tai nạn, tôi bỗng thấy lo sợ. Tôi lo lắng một ngày nào đó, tôi và bà Thà mất đi, đứa cháu và cả cô con gái của bà ấy nữa sẽ sống như thế nào trong cuộc đời này?”- ông Bình trải lòng.
Minh Anh - Diên Vỹ (Vietnamnet)