Trong lịch sử, bà Chúa Me - Thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên là người phụ nữ anh kiệt, giỏi tề gia mà cũng giỏi việc chính sự. Đền thờ bà tại thôn Phục Lễ, xã Vĩnh Hồng (Bình Giang).
Tượng đồng Quốc Thánh Mẫu (bà Chúa Me) trong đền thờ bà tại thôn Phục Lễ, xã Vĩnh Hồng (Bình Giang)
Người phụ nữ anh kiệt
Thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên là vợ của chúa Trịnh Cương (tại vị 1709-1729) và là mẹ của hai chúa Trịnh Giang (tại vị 1729-1740) và Trịnh Doanh (tại vị 1740-1767).
Theo gia phả họ Vũ, Thái phi sinh ngày 21.3.1688, mất ngày 21.9.1751, thọ 63 tuổi. Bà là con gái cụ Vũ Tất Tố được phong Tuấn (Duệ) Trạch Công, người My Thử, Đường An (nay là thôn Phục Lễ, xã Vĩnh Hồng, Bình Giang). Cụ Vũ Tất Tố sinh được 4 người con (2 trai, 2 gái), bà là con cả. Do xinh đẹp và có tài năng hơn người nên bà được chúa Trịnh Cương đem lòng yêu mến và lấy làm vợ. Bà sinh được 3 người con 2 trai, 1 gái. Hai người con trai của bà sau này là chúa Trịnh Giang và chúa Trịnh Doanh.
Có một câu chuyện đặc biệt lưu truyền về vị Thái phi này. Khi còn nhỏ, vào buổi trưa bà theo người nhà ra ruộng, khi bà đứng ở đâu là có đám mây che rợp đất ở đó. Bà được đánh giá là người giỏi về giáo dục. Dù vẫn có những ông thầy được chúa tuyển chọn vào dạy học cho các con nhưng chính bà là người trực tiếp dạy học cho các con trai của mình để nối nghiệp tổ tông nhà Trịnh. Bà cũng là người trực tiếp nuôi dưỡng hoàng đế Lê Ý Tông lúc còn nhỏ. Cũng vì lẽ đó, tình cảm, sự kính trọng của vua, chúa thời đó dành cho bà rất lớn. Bà đã được tôn phong là: Ý công Hậu đức Trang hạnh Đoan nghi Khuông vận Diễn phúc Quốc Thánh Mẫu - một danh vị cao quý. Trong lịch sử phong kiến, có đến hàng trăm, hàng nghìn hậu phi của vua chúa nhưng được phong Quốc Thánh Mẫu thì không phải là nhiều. Theo sách "Lịch Triều hiến chương loại chí", lịch sử phong kiến cũng chỉ nhắc đến 4 người được phong tôn hiệu cao quý này.
Khẳng định sự thông minh, mưu lược, tài năng xuất chúng của bà Chúa Me, sách "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" đã nhận định: “Vũ Thị cũng là một người anh kiệt trong phái phụ nữ, cho nên mới có thể mấy lần định được kế mưu lớn”. Bằng tài năng và mưu lược của mình bà đã giữ vững quyền lực cho gia đình, dòng họ.
Nhiều đóng góp cho nhà Lê - Trịnh
Không chỉ giỏi giang về giáo dục, bà còn là người đầy thao lược về mặt chính trị, quân sự. Bà đã từng nhiếp chính, điều hành chính sự để lập chúa, phò vua; điều binh, khiển tướng dẹp loạn bảo vệ chính quyền Lê - Trịnh.
Điều đặc biệt và cũng hiếm có trong lịch sử là việc bà trực tiếp nuôi dạy cả chúa và vua. Chúa Trịnh Giang mặc dù là vị chúa có nhiều tai tiếng nhưng cũng là người làm được nhiều việc, nhất là có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc (tự in sách để không lệ thuộc vào Trung Quốc, bắt Hoa kiều phải nộp thuế nặng trong khai thác mỏ để giảm thuế cho dân...). Còn chúa Trịnh Doanh là người có nhiều công lao cho sự phát triển đất nước lúc đó cũng đã được lịch sử ghi nhận.
Chúa Trịnh Cương mất sớm (lúc 43 tuổi), quyền hành nhà chúa chuyển giao cho con trai Trịnh Giang còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm nên bà Chúa Me phải tốn nhiều công sức để uốn nắn, chỉ bảo con trai. Khi thấy con trưởng (Trịnh Giang) không đủ năng lực, bà tìm cách đưa con thứ (Trịnh Doanh) lên thay. Sự sắp đặt của bà để chuyển giao quyền lực từ anh sang em (năm 1740) khi người anh (chúa Trịnh Giang) không còn năng lực đủ thấy năng lực gánh vác trách nhiệm của bà đối với gia đình nhà chúa và đất nước. Sự sắp xếp này cũng đã tránh cho nhà Lê - Trịnh một cuộc đổ máu vô ích, điều quan trọng là tránh xung đột, mâu thuẫn ngay chính trong hai con của bà, tránh được cảnh huynh đệ tương tàn như nhiều đời vua, chúa khác trong lịch sử.
Trong lịch sử xã hội phong kiến nước ta, những người phụ nữ tham gia chính sự, nhiếp chính không nhiều. Khi thành Thăng Long bị nguy hiểm do quân khởi nghĩa của Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ kéo về đánh úp, bà đã điều binh, khiển tướng, dàn quân ngoài thành Thăng Long, tổ chức nghi binh để đối phó (lúc đó kinh thành bỏ ngỏ do chúa Trịnh Doanh còn mang quân đi đánh trận ở ngoài chưa về kịp). Việc này thể hiện rõ sự mưu lược, hiểu biết binh pháp của bà, thể hiện ý chí quyết tâm, dũng cảm bảo vệ kinh thành Thăng Long và chính quyền nhà Lê - Trịnh.
Dẫn chúng tôi đi thăm đền Bà Chúa Me, ông Trần Văn Phiêu, 68 tuổi, thủ từ của đền cho biết tại khu đất này xưa kia là phủ của Thái phi ở quê ngoại gọi là phủ Bà. Năm 2017, UBND xã Vĩnh Hồng đã phục hồi, tôn tạo đền thờ Quốc Thánh Mẫu Thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên. Công trình có tổng diện tích trên 14 ha, gồm 2 khu là khu đền thờ và khu nhà bia với các hạng mục công trình: cầu qua sông, cổng tam quan, tắc môn, lầu chuông, gác trống, đền thờ, nhà khách, khu ngự dội, ao chúa, ngọ môn, khu đền trình, đàn tế trời đất, tiền tế, trung từ, hậu cung và nhà bia Bà...
Ông Nguyễn Văn Đích, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hồng cho biết, công trình đền thờ bà Chúa Me thể hiện lòng biết ơn của nhân dân quê nhà trước công lao to lớn của bà đối với đất nước. Đồng thời, cũng là công trình văn hóa tâm linh, là điểm tham quan, du lịch của nhân dân và du khách thập phương, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử của dân tộc.
HÀ NGA